Khí tượng thủy văn tiên phong ứng phó biến đổi khí hậu

Thứ năm, 21/03/2024 15:27
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Dự báo xu thế thiên tai trong thời gian tới còn tiếp tục theo hướng cực đoan và bất thường hơn. Thực tế này đòi hỏi ngành Khí tượng Thủy văn phải không ngừng đầu tư trang thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai.
Ảnh minh họa (Nguồn: Thanh Tùng)

 Đó là chia sẻ của ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhân Ngày Khí tượng thế giới (23/4).

Phóng viên (PV): Năm 2024, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) phát động Ngày Khí tượng thế giới với chủ đề “At the frontline of climate action” - "Khí tượng thủy văn tiên phong ứng phó biến đổi khí hậu". Xin ông chia sẻ rõ hơn về ý nghĩa “tiên phong” mà WMO muốn nhấn mạnh trong chủ đề năm nay, thưa ông?

Ông Hoàng Đức Cường: Có thể nói, biến đổi khí hậu (BĐKH) là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ XXI. Đặc biệt, trong bối cảnh BĐKH hiện nay, với biểu hiện chính là sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng, đã tạo nên rất nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan với cường độ lớn hơn và khó dự báo hơn trước.

Tổ chức Khí tượng Thế giới cùng các thành viên đã, đang và sẽ luôn tiên phong trong ứng phó BĐKH, tận dụng kiến thức và am hiểu chuyên môn để vượt qua thách thức, đạt được sứ mệnh chung trên hành trình hợp tác và hướng tới một thế giới an toàn hơn, chống chịu tốt hơn trước thiên tai.

Thông qua chủ đề Ngày Khí tượng thế giới năm nay, WMO muốn nhấn mạnh thông điệp trọng tâm là công tác Khí tượng thủy văn (KTTV) đóng vai trò tiên phong, hết sức quan trọng và không thể thiếu trong ứng phó BĐKH và thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững. Khẩu hiệu cùng nhau trong tiên phong ứng phó với BĐKH thể hiện cụ thể hơn là cộng đồng khí tượng thủy văn có nhiệm vụ thu thập, chia sẻ, phân tích dữ liệu về thời tiết, nước, môi trường; qua đó, giúp chúng ta hiểu được những gì đã và đang xảy ra với khí hậu hiện nay.

KTTV không chỉ cung cấp thông tin nhằm hỗ trợ các hoạt động giảm nhẹ BĐKH, mà quan trọng hơn là triển khai hệ thống cảnh báo sớm. Đây là vấn đề then chốt trong công tác thích ứng, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, hướng đến một thế giới an toàn và tốt đẹp hơn.

Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn. (Ảnh: TL)

PV: Ông có thể chia sẻ tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ trong cảnh báo, dự báo thiên tai KTTV?

Ông Hoàng Đức Cường: Việt Nam là một trong các quốc gia chịu ảnh hưởng lớn bởi thiên tai. Do tác động của BĐKH nên những năm gần đây, thiên tai khốc liệt, cực đoan, bất thường, tình trạng “bão chồng bão, lũ chồng lũ” ngày càng phổ biến, gây ra những thiệt hại nghiêm trọng. Dự báo xu thế thiên tai này còn tiếp tục trong thời gian tới theo hướng cực đoan và bất thường hơn. Thực tế này đòi hỏi ngành KTTV phải không ngừng đầu tư trang thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai.

Với nhu cầu của xã hội đối với thông tin KTTV ngày càng chi tiết, định lượng hơn, ngành KTTV Việt Nam đã từng bước hiện đại hóa để nâng cao chất lượng dự báo, đặc biệt trong vấn đề dự báo thời tiết nguy hiểm, mang tính cực đoan gồm mưa lớn, mưa cực trị, tác động của bão. Từ các hệ thống quan trắc nặng tính thủ công đã chuyển sang các hệ thống quan trắc tự động.

Tính đến nay đã bổ sung được thông tin quan trắc từ hơn 2.000 trạm tự động. Đối với việc ứng dụng công nghệ dự báo số, từ cuối năm 2018, với việc triển khai một cách đồng bộ từ việc nâng cấp tính toán (hệ thống siêu máy tính CrayXC40) cùng việc đan dầy - đa dạng hóa công nghệ quan trắc đã bước đầu cho phép thử nghiệm công nghệ đồng hóa số liệu song song với công nghệ mô hình dự báo số chi tiết - phân giải cao vào trong nghiệp vụ dự báo thời tiết tại Tổng cục KTTV.

PV: Để triển khai hiệu quả công tác KTTV, ngoài sự nỗ lực của ngành thì điều kiện tiên quyết là phải có quyết tâm vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương và cả người dân để giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thích ứng BĐKH. Theo ông, cần chú trọng vấn đề gì để vận dụng tốt thông tin KTTV cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội?

Ông Hoàng Đức Cường: Để có thể vận dụng tốt những thông tin KTTV cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, các Bộ, ngành, địa phương và người dân cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác KTTV trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phục vụ thiết thực đời sống dân sinh.

Hiện nay, ngành KTTV đang tiến tới dự báo dựa trên tác động, bằng cách cung cấp thông tin chi tiết, cụ thể hơn về các rủi ro tiềm ẩn mà thiên tai đó ảnh hưởng cho các lĩnh vực kinh tế - xã hội hay cho chính người dân trên địa bàn dự báo sẽ có thiên tai ảnh hưởng; từ đó, thúc đẩy các hành động ứng phó sớm, giúp giảm thiệt hại do thiên tai gây ra.

Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp chia sẻ những thông tin về các khu vực, các lĩnh vực hoạt động nhạy cảm, dễ bị tác động bởi thiên tai như: các khu vực nuôi trồng thủy sản, khu vực hầm mỏ khai thác khoáng sản, các công trường xây dựng… cho các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, để góp phần hỗ trợ hoạt động dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai có hiệu quả.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Ngày Khí tượng thế giới năm nay (23/3/2024) được Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) phát động với chủ đề “At the frontline of climate action” -“Khí tượng thủy văn tiên phong ứng phó biến đổi khí hậu”, nhấn mạnh những nỗ lực dự báo, cảnh báo sớm và chủ động hành động vì khí hậu, nhằm tăng cường khả năng phục hồi và ứng phó rủi ro thiên tai, đẩy mạnh giảm phát thải khí nhà kính, góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu toàn cầu. 


Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực