|
Đội cồng chiêng thanh thiếu niên của xã Krông Knô duy trì hoạt động, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc M'nông. |
Là vùng quê cách mạng, xã Krông Knô nằm ở phía Đông Nam huyện Lắk, tiếp giáp với tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông, với 81% dân số là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là người M’nông và một số cư dân phía Bắc vào lập nghiệp sau ngày giải phóng.
Một thời chưa xa, khoảng chục năm trước thôi, khi nhắc đến vùng đất này, người ta gắn ngay với hình ảnh vùng quê lam lũ, nghèo khó; người dân quanh năm oằn mình lo miếng cơm manh áo vì nghèo đói đeo bám mãi; cứ quanh quẩn rẫy nương mùa này qua mùa khác đắp đổi mưu sinh mà cái nghèo đằng đẵng không dứt ra được. Ngày ấy, khi qua cầu Đắk Hêu cũ chỉ thấy những bóng nhà gỗ xiêu vẹo, vườn tược, nương rẫy hắt hiu, vàng úa… kết cấu hạ tầng, đường sá xập xệ, dân cư thưa thớt, suốt dọc Quốc lộ 27 đi qua.
Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Krông Knô Y Krang NDu, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã bồi hồi: “Nhiều người còn hằn trong ký ức những năm tháng sinh tồn với miếng ăn đứt bữa qua ngày, còn rùng mình nhớ lúc vượt núi, khe sâu đi kiếm kế mưu sinh và những tháng ngày chống chọi với thiên nhiên, tập quán cũ xưa kìm hãm; nơm nớp sợ hãi khi bóng ma FULRO luôn rình rập cuộc sống bình yên của người dân Tây Nguyên ngày ấy”.
Bước vào thời kỳ đổi mới, bao thế hệ lãnh đạo huyện Lắk cùng đội ngũ cán bộ xã Krông Knô từng trăn trở, lo toan vì một vùng đất ruột thịt phía Đông Nam kết cấu hạ tầng thấp kém, sản xuất nông nghiệp manh mún, chắp vá; thương mại thì nhỏ lẻ; buôn bán cũng chỉ mớ rau, con cá…
Già làng Y Chông Buôn Krông ở buôn Yông Hăt vẫn còn nguyên tâm trạng: “Cảnh nghèo khó năm xưa vẫn còn rõ lắm. Nhắc lại không phải để chạnh lòng, mà càng thêm trân quý nghị lực, quyết tâm”. Người dân ở mảnh đất này dù nghèo khó nhưng luôn kiên cường, một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ làm cách mạng, đi qua những tháng ngày gian khó nhất của cuộc chiến tranh để dựng xây, kiến thiết quê hương.
Chúng tôi gặp Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Krông Knô Y Thị Niê. Anh nguyên là giáo viên, là người con sinh ra, trưởng thành trên vùng đất cách mạng này nên tường tận từng bước đi trên đất quê mình. Anh nhanh nhẹn, khá thân tình, xởi lởi, nhất là khi được gợi mở về sự nghiệp đổi mới và bước đi, cách làm của quê mình thì hào hứng, say sưa... Anh khẳng định: “Dù còn những lực cản nhất định trên bước đường đi tới nhưng Đảng bộ, chính quyền, đồng bào các dân tộc xã Krông Knô không cam chịu nghèo khó, chủ động, sáng tạo, đoàn kết để khi gặp chướng ngại thì biết cách vượt qua, gặp hoạn nạn thì cùng sẻ chia, đùm bọc”.
Bởi thế, từ trong gian khó, người M’nông, người Tày, người Thái, người Kinh… từ muôn phương về lập nghiệp bên dòng sông Krông Knô muôn đời thao thiết chảy cùng nắm chặt tay, xốc lại đội ngũ, xây đời sống mới, tiếp nối nguồn mạch trên vùng đất anh hùng. “Giờ chúng tôi không nói chuyện nghèo, không nhắc chuyện khó nữa, quyết tâm phấn đấu, dốc sức xây dựng nông thôn mới, hiện đã đạt 13/19 tiêu chí”, Bí thư Y Thị Niê bày tỏ.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã H Doel Pang Ting, dấu ấn nổi bật ở Krông Knô thời gian qua là hệ thống kết cấu hạ tầng đã tạo diện mạo mới. Tỷ lệ cứng hóa đường liên buôn đạt 97%; trục đường nội buôn 70%; giao thông nội đồng 72%; hệ thống thủy lợi bảo đảm nước tưới chủ động trên 85% diện tích cây trồng; kênh mương nội đồng được kiên cố hóa 85%; 100% buôn có điện lưới quốc gia, 98% số hộ gia đình dùng điện. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 34,5 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 15%. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt 97%...
|
Bà con xã Krông Knô phát triển nghề mới trồng dâu nuôi tằm. |
Cùng với đó, nhà văn hóa cộng đồng các buôn cùng với thiết chế văn hóa khá hoàn thiện, đồng bộ, tạo điều kiện cho bà con hội họp, sinh hoạt… Quốc lộ 27 đi qua xã dài gần 8 km đã được mở rộng và nhựa hóa. Con đường trở thành huyết mạch quan trọng kết nối với các vùng lân cận như Đắk Phơi, Đắk Nuê, Đắk Liêng, Liên Sơn, Bông Krang, Giang Tao (huyện Lắk) và huyện Đam Rông, Lâm Hà (Lâm Đồng)… để mở rộng giao thương và phát triển kinh tế, nhất là các loại cây công nghiệp như cà phê, cao su, hồ tiêu…
Đi lên từ gian khó, Krông Knô hôm nay đã hiện hữu một tiền đồ rộng mở. Vẫn núi rừng, đồng đất, con người năm xưa, nhưng giờ đang sáng rực niềm tin, nuôi đắp khát vọng giữa bạt ngàn cánh đồng lúa, cà phê, dâu tằm, cây trái xanh thẳm. Trên các nẻo đường, từ buôn Ba Yang, buôn Gung Dang, buôn Plôm, buôn Lách Dơng, buôn Đắk Tro đến buôn Rơ Cai A, buôn Yông Hăt, buôn Trang Yuk ... đâu đâu cũng hiển hiện vóc dáng của những làng quê đổi mới, những ngôi nhà vững chãi, bề thế định cư men theo dọc bờ sông Krông Knô và trên những con đường huyết mạch, nối dài.../.