Nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ môi trường

Thứ sáu, 01/12/2023 19:45
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Đề án " Hậu Giang xanh” đã góp phần thay đổi ý thức cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo vệ môi trường. Trước tiên là việc xử lý rác thải sinh hoạt tại gia đình, trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, cũng như chung tay xây dựng cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp.
 Người dân chủ động thực hiện phân loại rác tại nguồn. (Ảnh: Đ.Thư)

Theo Kế hoạch triển khai thực hiện “Đề án Hậu Giang xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trong năm 2023, tỉnh Hậu Giang phấn đấu 70% hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; 90% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại hộ gia đình ở đô thị được thu gom, xử lý theo quy định; 70% lượng rác sinh hoạt phát sinh tại hộ gia đình ở nông thôn được thu gom, xử lý theo quy định. Rà soát, củng cố, thành lập mới và đi vào hoạt động Tổ vệ sinh môi trường ở ấp, khu vực ít nhất 60% trong tổng số ấp, khu vực tại địa phương.

Tỉnh phấn đấu giảm được 60% trong tổng số hộ chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản tự phát trên sông, kênh, rạch, không phù hợp quy hoạch đã rà soát trong năm 2021; không phát sinh thêm trường hợp mới chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản không phù hợp quy hoạch; ít nhất 90% hộ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phù hợp quy hoạch thực hiện các biện pháp xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. Tổ chức thu gom, chuyển giao bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng cho đơn vị chức năng xử lý ít nhất 30% khối lượng phát sinh.

Tỉnh triển khai đẩy mạnh công tác tuyên truyền, từ thực tế thực hiện đã xuất hiện nhiều mô hình hay được triển khai trong đề án cũng như lồng ghép như mô hình phân loại rác, khu vực không rác thải nhựa, đổi rác thải nhựa lấy cây xanh, bảo hiểm y tế, tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp. Toàn tỉnh có tất cả 525 ấp, khu vực đã đưa nội dung về bảo vệ môi trường trong quy chế, quy ước cộng đồng và 75 xã, phường, thị trấn đã đưa nội dung việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, quy chế, quy ước vào bình xét tiêu chuẩn gia đình văn hóa, khu vực, ấp văn hóa.

Ngày 28/6/2021, UBND thành phố Ngã Bảy ban hành Kế hoạch số 113 Về việc triển khai thực hiện Đề án Hậu Giang xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, giai đoạn 2021 - 2025, trên địa bàn thành phố Ngã Bảy. UBND thành phố còn ban hành kế hoạch hàng năm để thực hiện đề án. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng.

Sau gần 3 năm triển khai, thành phố đã làm được nhiều phần việc quan trọng. Thành phố hỗ trợ các xã, phường triển khai 19 mô hình phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn. Thành lập, kiện toàn 40 tổ vệ sinh môi trường tại các ấp, khu vực trên địa bàn. Rà soát, cập nhật hiện trạng và vận động hộ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. Để giải quyết gần 3,4 tấn bao gói thuốc bảo vệ thực vật thải ra trên địa bàn thành phố hàng năm, tháng 4 vừa qua, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 102 Về thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn thành phố.

Từ năm 2022 đến nay, thành phố Ngã Bảy đã đầu tư 6 thùng gom rác composite, 34 xe đẩy tay thu gom rác cho các xã, phường. Xây dựng 100 bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật. Lắp đặt, bàn giao 720 thùng rác công cộng và trồng mới 720 cây cho bóng mát trên các tuyến đường. Từ đó, tạo nhiều chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp trên địa bàn thành phố.

 Thực hiện Đề án nhiều hộ gia đình đã có ý thức trong việc quy hoạch khu vực chăn nuôi, đảm bảo môi trường sống. (Ảnh: T. Xoàn)

Người dân đã được địa phương cấp cho các sọt rác nhựa để phân loại tại nhà, nhờ vậy bà con có ý thức hơn trong việc thực hiện phân loại rác. Qua đó góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả Đề án.

Qua 3 năm triển khai đề án, tỷ lệ hộ dân tham gia phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố từng bước tăng lên. Đến nay, thành phố đã có 64,48% hộ dân đô thị và 54,25% hộ dân nông thôn thực hiện phân loại; 96% rác thải nông thôn được thu gom xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. Ngoài ra, có 1.657 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm và 55 hộ nuôi trồng thủy sản phù hợp quy hoạch, thực hiện xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Ngã Bảy: Để triển khai đề án, hướng tới, TP Ngã Bảy tiếp tục củng cố các tổ vệ sinh môi trường để hoạt động hiệu quả hơn. Tập trung kêu gọi, vận động xã hội hóa để tạo thêm nhiều phương tiện phục vụ phân loại, thu gom và xử lý rác thải tốt hơn. Đồng thời tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng những mô hình hiệu quả trong thực hiện đề án trên địa bàn Thành phố./.

Đan Thư (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực