Nên quy định cấm chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn

Thứ hai, 27/05/2024 17:25
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đề nghị dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cần thiết phải quy định hành vi cấm chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn để có căn cứ xử lý vi phạm đối với hành vi này.
Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam phát biểu tại hội trường Quốc hội chiều 27/5.
Ảnh: QH  

Chiều 27/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Bổ sung cơ chế đặc thù để bảo vệ người lao động

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang bày tỏ thống nhất và đánh giá cao Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Theo đại biểu, việc rà soát, sửa đổi căn bản, toàn diện các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn triển khai thực hiện Luật hiện hành trong thời gian qua sẽ góp phần quan trọng trong việc hướng đến mục tiêu an sinh xã hội bền vững, thể hiện rõ hơn tính nhân dân sâu sắc của Đảng và Nhà nước.

Quan tâm tới cơ chế đặc thù để bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội, đại biểu nêu rõ, thực tiễn cho thấy rất cần thiết bổ sung thêm một điều, khoản quy định về cơ chế có tính chất đặc thù để bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Theo đại biểu, thông qua ghi nhận thời gian tham gia bảo hiểm xã hội và tính toán các phương thức giải quyết sẽ giúp cho người lao động có điều kiện hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội trong một số trường hợp cụ thể.

Ngoài ra, việc xác định đối tượng đặc thù quy định tại khoản 5 Điều 41 là vấn đề liên quan đến chính sách, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Do đó, đại biểu đề nghị cần cân nhắc, rà soát, đánh giá kỹ lưỡng và toàn diện hơn, từ đó có văn bản quy định hướng dẫn riêng, không nên đưa trực tiếp vào luật để vừa đảm bảo chủ động điều chỉnh, bổ sung đối tượng phù hợp với điều kiện thực tế, đồng thời không ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Quan tâm đến điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với trường hợp người chưa đủ tuổi, hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần được quy định tại dự thảo luật, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho biết: Trên cơ sở nghiên cứu các tài liệu trong hồ sơ dự thảo Luật từ Kỳ họp thứ 6, kỳ họp thứ 7 này, các quy định của pháp luật hiện hành, từ tình hình thực tiễn, dự báo tình hình thời gian tới cũng như ưu, nhược điểm của từng phương án đã được Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân tích, đánh giá.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà nhận thấy nên quy định theo phương án 1. Tuy nhiên, đây là một trong những thay đổi lớn của dự thảo Luật lần này, là vấn đề nhạy cảm, phức tạp.

Để tránh gây ra những phản ứng xã hội không tốt hay các phản ứng tập thể của người lao động, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có giải pháp về truyền thông thật tốt cũng như theo dõi chặt chẽ tình hình quá trình thực hiện luật để người lao động hiểu rõ, hiểu đúng, hiểu đầy đủ mục đích, ý nghĩa, nội dung của bảo hiểm một lần, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức, thực hiện.

Quy định hành vi cấm chiếm dụng tiền đóng BHXH, bảo hiểm tai nạn

Quan tâm về chính sách của Nhà nước hỗ trợ người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho biết: Mục tiêu đề ra là bao phủ các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội đúng theo tinh thần Nghị quyết 28 của Ban Chấp hành Trung ương.

Do vậy, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh đề nghị xem xét chính sách hỗ trợ của Nhà nước không chỉ đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện mà còn hỗ trợ đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong một số trường hợp nhất định.

Đối với hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 8, khoản 2 quy định hành vi bị nghiêm cấm chiếm dụng tiền hưởng bảo hiểm xã hội. Quy định cấm này theo đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh là chưa đầy đủ nên đề nghị Ban soạn thảo dự thảo Luật nên giữ nguyên hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại khoản 3, Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, đó là chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Đại biểu phân tích, vì thực tế hiện nay, tình trạng các đơn vị sử dụng lao động chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho người lao động nhưng vẫn trích từ tiền đóng của người lao động hàng tháng khi trả lương diễn ra phổ biến. Do đó, Luật cần thiết phải quy định hành vi cấm chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn để có căn cứ xử lý vi phạm đối với hành vi này.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, với các quy định tại khoản 2, 3, 4 của Điều 19 không phân định rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước của các Bộ với trách nhiệm của Hội đồng quản lý BHXH. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị cần xác định rõ hơn về phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong quản lý BHXH để tránh chồng chéo, không rõ trách nhiệm./.

Khôi Nguyên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực