Đi dọc bờ biển chạy quanh huyện đảo Phú Quý người ta dễ dàng bắt gặp những loại rác thải, trong đó rác thải nhựa là phổ biến. Từ rác sinh hoạt, rác thải nilong được tập kết thành từng đống, đến những vỏ trái dừa, vỏ chai nhựa nằm lăn lóc hay được sóng biển đưa vào bờ. Tuy Phú Quý chưa bị rác “xâm chiếm” bằng các đảo du lịch nổi tiếng như Côn Đảo, Phú Quốc… song huyện đảo này cũng đang phải đối mặt với sự gia tăng của rác thải. Chỉ một góc nhỏ trên bãi biển Vịnh Triều Dương, đảo Phú Quý, không khó để thấy những gì khách du lịch bỏ xuống biển sau mỗi cuộc vui chơi thì đại dương lại trả lại cho con người những thứ đó.
Với dân số khoảng 30 nghìn người và khách du lịch đến Phú Quý ngày càng nhiều, nên lượng rác thải sinh hoạt, trong đó có rác thải du lịch là rất lớn so với năng lực xử lý của địa phương. Ở Phú Quý, trước đây có nhiều hộ nuôi hải sản bằng lồng bè, nay chuyển sang kinh doanh du lịch, phục vụ du khách vui chơi, ăn uống tại chỗ, nhưng chỗ vệ sinh, nơi bỏ rác thải lại chưa được đầu tư. Nhiều du khách thiếu ý thức vẫn vô tư xả rác ra các điểm du lịch. Chính vì vậy, nguy cơ rác thải không được thu gom xử lý tồn tại ngày một nhiều trên đảo là hiện hữu, đòi hỏi chính quyền và người dân nơi đây có giải pháp hữu hiệu.
Khởi công xây dựng nhà máy xử lý rác ở Phú Quý. (Ảnh: Báo Nhân Dân)
Ông Ngô Tấn Lực, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận cho biết, Phú Quý là huyện đảo có diện tích khoảng 17 km2 nằm giữa Biển Đông, là khu vực có nhiều tàu thuyền qua lại và tàu thuyền khai thác từ các nơi đến, nên lượng rác thải sinh hoạt, rác thải hữu cơ, vô cơ…là rất lớn so với diện tích của đảo. Ô nhiễm môi trường do rác thải đang là vấn đề rất nhức nhối ở địa phương. Vấn đề này đã được huyện hết sức quan tâm với rất nhiều giải pháp; song song với xử lý rác trên bờ, huyện cũng hướng tới việc xử lý rác thải đại dương từ ngoài biển trôi tấp vào đảo.
Trước vấn nạn rác thải ngày càng gia tăng trên đảo Phú Quý, tháng 3/2019, huyện Phú Quý đã triển khai dự án Nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt và sản xuất phân hữu cơ. Dự án trên được xây dựng trên diện tích khoảng 2,15 ha tại thôn Triều Dương, xã Tam Thanh với tổng mức đầu tư hơn 60 tỷ đồng. Nhà máy được lắp đặt công nghệ tiên tiến từ dây chuyền nhập khẩu có quy mô xử lý 70 tấn rác/ngày, sẽ giải quyết 100% lượng rác thải phát sinh hằng ngày tại địa phương, và lượng rác thải hiện đang tồn đọng; đồng thời tận thu nguồn chất thải có khả năng tái chế, sản xuất phân vi sinh từ rác.
Cũng theo ông Ngô Tấn Lực, Dự án Nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt và sản xuất phân hữu cơ huyện Phú Quý được xây dựng là công trình trọng điểm trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, sẽ khắc phục được tình trạng ùn ứ rác thải tại bãi chôn lấp rác sinh hoạt tập trung hiện hữu từ nhiều năm nay.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Đa Lộc, đơn vị chủ đầu tư dự án cho biết, để xử lý rác một cách triệt để và hiệu quả, Công ty sẽ thực hiện thí điểm mô hình phân loại rác tại nguồn cho ba xã của huyện đảo. Cùng với đó, sẽ phối hợp với ngành văn hóa, thông tin tại địa phương tuyên truyền vận động người dân, du khách bỏ rác đúng nơi quy định, hạn chế rác thải nhựa; tổ chức ra quân tổng vệ sinh làm sạch bờ biển hằng tháng, làm cho huyện đảo luôn xanh-sạch-đẹp.
Trồng cây phủ xanh đất trống trên đảo Phú Quý. (Ảnh: TTXVN)
Theo ông Nguyến Khính, người dân huyện đảo Phú Quý, từ khi huyện phát động phong trào gìn giữ vệ sinh môi trường xóm làng, bờ biển, ông cùng người thân trong gia đình cũng như các hộ dân ở địa phương đã tích cực tham gia dọn rác, đây cũng là hành động thiết thực bảo vệ môi trường góp phần thu hút khách du lịch, phát triển kinh tế cho huyện đảo.
Tuy nhiên, không chỉ có chính quyền và người dân huyện đảo Phú Quý bảo vệ môi trường, mà khách du lịch đến đây cũng cần phải có trách nhiệm với hành động xả rác của mỗi người, có như vậy mới giải tỏa được áp lực từ rác thải du lịch ngày một gia tăng trên đảo ngọc Phú Quý.
Theo bà Văn Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường TP.Hồ Chí Minh, chúng ta cần phải có các giải pháp giảm thiểu chất thải nhựa từ đầu, tức là hạn chế việc sử dụng các sản phẩm nhựa khi đi du lịch biển đảo. Nhiều nơi khi xuống tàu ra các đảo người ta đã hạn chế hoặc không sử dụng các chai nhựa, túi nilong mà chuyển sang dùng túi sinh học…/..