Tính từ thời điểm khởi phát tại Vũ Hán (Trung Quốc) cuối năm 2019 đến nay mới chỉ trên 5 tháng, nhưng virus COVID-19 vô hình đã xâm nhập, tấn công hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ; gây nhiễm cho hơn 2 triệu người; buộc hàng triệu người khác phải cách ly tập trung; trên 126 nghìn người chết… Những con số thống kê cứ tăng lên gấp đôi trong khoảng thời gian ngày càng rút ngắn một cách nghẹt thở!
Cả thế giới trong đình trệ, đứt gẫy, giãn cách, phong tỏa, vắng lặng…; chỉ có các bệnh viện, trung tâm điều trị, dịch vụ tang lễ, nhà hỏa táng là đột ngột quá tải. Máy bay, tàu thủy, ô tô… đều bất động tại bến đỗ, gara…; chỉ có xe lạnh chuyên dùng chở thực phẩm nay bị huy động chở thi hài những bệnh nhân xấu số hối hả trên đường làm nhiệm vụ. Những hình ảnh này làm nghẹt thở biết bao người trên thế giới, trước khi COVID-19 tàn phá lá phổi của chúng ta!
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G20 về ứng phó dịch COVID-19. (Ảnh: Mạnh Hùng)
|
Hàng tỷ con người trên thế giới nhàn hạ không việc làm trong thất vọng, lo âu; doanh nghiệp thất thu; ngân sách thâm thủng và đáng sợ nhất là hơn một tỷ người nghèo đói vô gia cư, cộng với đội quân hàng tỷ người khác sống bằng tiền làm thuê bỗng nhiên không còn việc, không còn cơm ăn, không an sinh xã hội, hàng chục triệu người di trú loạn lạc do chiến tranh, các cụ già trong trại dưỡng lão không nơi nương tựa… Thực cảnh làm nghẹn lòng tất cả những ai có lương tri, ngay cả khi chưa bị suy hô hấp cấp do virus chủng mới tấn công!
Con virus vi thể, như một nghịch lý, đang khiến cả những quốc gia hùng mạnh phải chìm đắm trong đầy rẫy bất lực. Máy bay, tên lửa, tầu ngầm, tầu sân bay, trí tuệ nhân tạo…, cái gì cũng có, nhưng lại không có đủ khẩu trang, quần áo bảo hộ cho nhân viên y tế chữa bệnh cứu người... Đại diện chính quyền của một trong những quốc gia hùng mạnh nhất từng khuyến cáo hãy để cho virus lây lan 60-65% dân số rồi sẽ… miễn dịch cộng đồng! Nguyên thủ quốc gia dự tính 200-250 nghìn người chết trong nước..., thản nhiên đến lạnh người!
Nghịch lý này trong văn hóa chính trị, văn hóa cầm quyền chắc chắn sẽ làm tốn nhiều giấy mực nghiên cứu, bình luận trong tương lai!...
|
Giáo hoàng Francis làm thánh lễ Phục sinh vào ngày 12/4 theo giờ Vatican. (Nguồn: Reuters)
|
Rất may cho nhân loại, thế giới vẫn còn nhiều mảng sáng và niềm tin, hy vọng:
Chính phủ Việt Nam dồn toàn tâm, toàn lực chống dịch như chống giặc, không bỏ ai tụt lại phía sau, bình tĩnh tái cấu trúc các hoạt động sản xuất kinh doanh, kịp thời kích hoạt nhiều gói cứu trợ an sinh xã hội, cứu trợ doanh nghiệp có tổng giá trị quy đổi lên đến hàng chục tỷ USD. Các biện pháp phát hiện, khoanh vùng, cách ly, điều trị, giãn cách xã hội… được đưa ra đúng lúc, đúng cách, đúng lợi ích của dân nên được toàn dân thuận lòng thực hiện. Nhờ vậy, Việt Nam với tiềm lực kinh tế vật chất nhỏ bé đã thành công trong trận chiến chống đại dịch COVID-19 toàn cầu: Đến nay chưa có ca tử vong, có 268 ca dương tính trong đó 198 ca đã chữa khỏi, gần 74.000 người đang được cách ly, trong đó tại bệnh viện 369 người, tại cơ sở tập trung hơn 11.600 người, số còn lại cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú. Cả xã hội dấy lên phong trào thiện nguyện mang đến cho những người yếu thế cơm hộp hàng ngày; quân đội bố trí xe miễn phí chở bệnh nhân chạy thận vào bệnh viện đúng lịch điều trị; chủ sở hữu căn hộ, cửa hàng cho thuê đồng loạt hạ giá, miễn phí cho khách hàng, đối tác… Văn hóa chia sẻ tương thân tương ái bừng sáng trong đời sống người Việt!.
|
Nhóm bác sĩ người Cuba lên đường giúp Italy phòng, chống COVID-19. (Nguồn: Reuters)
|
Đảng và Nhà nước Cuba đã sớm có chủ trương, chính sách và các giải pháp cần thiết để phòng ngừa, phát hiện, phong tỏa dịch bệnh và điều trị bệnh nhân. So với các nước trong khu vực Mỹ La tinh và thế giới, Cuba cũng là một trong những quốc gia thành công trên tuyến đầu phòng chống đại dịch mang tầm thế kỷ. Không ngại khó khăn, nguy hiểm, hơn 1.200 bác sĩ, nhân viên y tế Cuba đã đến cứu trợ chuyên môn tại trên 20 quốc gia đang khốn khó trong đại dịch: Italia, Công quốc Andora, Venezuela, Nicaragua, Haiti, Surinam, Dominicana, Jamaica, Grenada, Belice, Santa Lucía, San Cristóbal y Nieves, Togo, Angola…Văn hóa trong sáng hào hiệp của Cuba vẫn hiên ngang trước ngút ngàn sóng cồn gió cả của thời cuộc!.
Trước thảm cảnh của nhân loại, Giáo hoàng Francisco trong buổi cầu nguyện chủ nhật 5 tháng 4 vừa qua tại Thánh đường Vatican đã lên tiếng “khẩn cầu các phong trào xã hội trên thế giới động viên mọi công dân dấn thân vào cuộc chiến tranh chống dịch. Trong cuộc chiến này, vũ khí của chúng ta không có gì ngoài tình đoàn kết, tinh thần cộng đồng và hy vọng. Không ai có thể sống sót một mình!”. Rõ ràng, Đức Giáo hoàng đang nói đến một giá trị văn hóa rất mới, tuy ra đời ở thời dịch bệnh nhưng có giá trị ngay trong những hoàn cảnh bình thường, đó là: Số phận của mọi người phụ thuộc vào từng cá nhân người!.
Nghịch lý và giá trị trong văn hóa chính trị, văn hóa cầm quyền thời đại dịch sẽ bắt con người cùng chính quyền của họ phải nhìn lại, nghĩ suy và chuẩn bị tầm nhìn với tất cả trách nhiệm công dân, trách nhiệm làm người…/.