Người thất nghiệp không “mặn mà” học nghề

Thứ năm, 24/10/2013 19:19

(ĐCSVN) Tất cả những người thất nghiệp có nguyện vọng học nghề đều được các trung tâm giới thiệu việc làm hỗ trợ đào tạo nghề theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, số người có nguyện vọng và được hỗ trợ học nghề không nhiều.

 

Người lao động thường chỉ quan tâm đến tiền trợ cấp thất nghiệp
mà chưa thật sự quan tâm đến chế độ được hỗ trợ học nghề
(Ảnh minh họa: laodong.com.vn)

Thất nghiệp nhưng không muốn học nghề

Bảo hiểm thất nghiệp là chính sách nhằm hỗ trợ người thất nghiệp để thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất thu nhập do thất nghiệp. Quan trọng hơn, bảo hiểm thất nghiệp sẽ hỗ trợ người thất nghiệp được học nghề, tìm việc làm để sớm có việc làm, thu nhập và ổn định cuộc sống. Thế nhưng, theo phản ánh của Trung tâm giới thiệu việc làm (TTGTVL) nhiều tỉnh, các lớp học rất vắng, do người lao động không mấy mặn mà với việc học nghề.

Theo Phó Cục trưởng Cục Việc làm Bộ Lao động - Thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) Lê Quang Trung, đây là một trong những vấn đề nổi lên sau 5 năm thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Theo thống kê, trong 5 năm qua, số người thất nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm là hơn 984.000 người, số người thất nghiệp được hỗ trợ học nghề là gần 13.600 người. Tuy nhiên, nếu so sánh với tổng số người đăng ký thất nghiệp và số người hưởng thì số lượng người được học nghề vẫn ở mức thấp. Bởi theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp liên tục tăng qua các năm, tính đến 6 tháng đầu năm 2013 số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 8,347 triệu người. Còn theo con số thống kê của các Trung tâm Giới thiệu việc làm, tính đến 20/9/2013, trên toàn quốc có gần 1,4 triệu lượt người đăng ký thất nghiệp, đưa số người đăng ký thất nghiệp bình quân lên tới hơn 114 nghìn người/tháng.

"Theo báo cáo của các địa phương, tất cả những người thất nghiệp có nguyện vọng học nghề đều được các trung tâm giới thiệu việc làm hỗ trợ đào tạo nghề theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, số người có nguyện vọng và được hỗ trợ học nghề không nhiều" - ông Trung nói.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng cho biết, chi hỗ trợ học nghề cũng chiếm tỷ lệ chi rất nhỏ trong tổng số chi cho các chế độ bảo hiểm thất nghiệp, năm 2010 là 202 triệu đồng (chiếm 0,033%), năm 2011 là 629 triệu đồng (chiếm 0,05%), năm 2012 là hơn 2,4 triệu đồng (chiếm 0,086%). Đáng lưu ý, theo cơ quan này, có địa phương không có người học nghề trong 5 năm qua.

Người thất nghiệp quan tâm đến tiền trợ cấp

Phần lớn người thất nghiệp không mặn mà với việc học nghề. Tại sao như vậy khi mà chính sách ưu đãi họ học nghề? Lí giải nguyên nhân của tình trạng trên, ông Lê Quang Trung cho biết do người thất nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông mà nhu cầu lao động phổ thông ở nước ta lớn nên người lao động dễ tìm kiếm việc làm mới sau khi thất nghiệp. Mặt khác, có thực tế là dù người lao động đã qua đào tạo thì doanh nghiệp tuyển vào chỉ trả lương theo vị trí công việc như lao động phổ thông. Ông Trung lấy ví dụ, công ty Canon Việt Nam mỗi năm cần tuyển 1 vạn lao động, sau khi tuyển lao động chỉ đào tạo qua 1 tuần và trả lương như nhau, không phân biệt người lao động đã qua đào tạo hay chưa đề làm cùng 1 vị trí công việc.

Một nguyên nhân nữa được đưa ra là người lao động nghỉ việc cũng có xu hướng chuyển về địa phương để tìm việc làm mới nhằm giảm chi phí sinh hoạt, đoàn tụ gia đình nên không có nhu cầu học nghề.

Ông Trung cũng thừa nhận mức hỗ trợ học nghề thấp, thời gian đào tạo ngắn dẫn đến tình trạng người lao động không mấy thiết tha bởi để học thành thạo được một nghề có thể kiếm việc làm thường phải mất ít nhất 12 tháng, quãng thời gian 6 tháng như qui định hiện hành không đủ để thành nghề.

Đại diện TTGTVL tỉnh Vĩnh Long và TTGTVL tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đều nhìn nhận chế độ hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm và học nghề hiện nay chưa thật sự thu hút người lao động. Thực tế người lao động chỉ quan tâm đến tiền trợ cấp thất nghiệp mà chưa thật sự quan tâm đến chế độ được hỗ trợ học nghề và tư vấn, giới thiệu việc làm.

Để tăng tỷ lệ người thất nghiệp tham gia học nghề, ông Lê Tiến Đạt - Văn phòng Giới sử dụng lao động (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) đề nghị cần quy định bắt buộc lao động phổ thông tham gia học nghề. Bởi theo ông, đây chính là nhóm người dễ mất việc làm và yếu tay nghề.  Vì vậy, cần phải bị bắt buộc tham gia các khóa đào tạo, tư vấn, tập huấn do tổ chức dịch vụ việc làm công đào tạo để họ có kinh nghiệm, nâng cao tay nghề tránh tái mất việc. Cùng với đó, ông đề nghị tại khoản 2, Điều 65 Dự thảo Luật Việc làm cần cụ thể hóa các quy định về hành vi vi phạm pháp luật thủ tục bảo hiểm thất nghiệp… Bên cạnh đó, nhiều Sở LĐ-TB&XH các tỉnh đã đề nghị tăng mức hỗ trợ học nghề cho người thất nghiệp nhằm tạo điều kiện và khuyến khích người lao động tham gia học nghề./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực