Người viết 17.000 bức thư cung cấp thông tin về liệt sĩ

Thứ sáu, 17/08/2018 21:48
(ĐCSVN) - Từ những lần ngược xuôi tìm mộ anh trai là liệt sĩ, ông Nguyễn Tiến Xuân (81 tuổi), ở xóm Chợ, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội đã trở thành “cầu nối” cho các gia đình liệt sĩ trong nhiều năm qua.

“Cầu nối” của các gia đình liệt sĩ

Trong căn phòng nhỏ của gia đình ông Nguyễn Tiến Xuân ở xóm chợ Vân Canh, điều thu hút chúng tôi là hàng trăm lá thư cùng chiếc radio cũ và những cuốn sổ đã bạc màu được xếp gọn gàng trên bàn làm việc.

Thắp cho mẹ và anh trai nén nhang, ông Xuân nhớ lại ngày nhận giấy báo tử của anh trai mình. “Gia đình tôi có 2 người anh là liệt sỹ thời kỳ chống Pháp, trong đó có một người anh đến nay vẫn chưa tìm thấy mộ phần. Đã từ rất lâu rồi, cứ chiều chiều, tôi lại mong thư ai đó báo tin anh tôi được chôn cất ở đâu”. Ông chia sẻ.

Ông Nguyễn Tiến Xuân. Ảnh: HM

Nhiều năm liền cứ nghe tin ở đâu có người trùng tên, trùng quê, trùng đơn vị là ông khăn gói lên đường. Chính những lần đi tìm mộ anh trai đã đưa ông trở thành “cầu nối” cho các gia đình liệt sĩ trong suốt 11 năm qua.

Ông Xuân kể, năm 2007, khi nghe thông tin về những người hy sinh vì Tổ quốc, phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam, ông thấy nhiều liệt sỹ vẫn chưa có thân nhân đưa hài cốt về quê hương khói, vì phát trên đài cũng còn nhiều gia đình liệt sỹ không nghe được. Vì thế, ông quyết định ghi lại các thông tin, rồi viết thư gửi tới chủ tịch UBND các xã đó, thông báo cho thân nhân biết phần mộ của liệt sỹ đang nằm ở đâu, an táng tại nghĩa trang nào. Sau này khi có điện thoại, ông đã ghi âm chương trình trên đài và nghe lại từ điện thoại để ghi chép cho chính xác. Từng dòng thông tin được ghi rõ ràng, mạch lạc để tiện theo dõi với mong muốn sẽ chuyển được tới người thân các liệt sỹ ở khắp mọi miền của tổ quốc. Khi gửi thư, ông ghi số điện thoại cá nhân và địa chỉ của mình để người thân các liệt sỹ tiện liên lạc. Mỗi tháng, 250 lá thư được ông gửi đi khắp mọi miền của Tổ quốc, chủ yếu ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Bình.

Niềm vui, niềm hy vọng của ông cứ thế nhân lên khi những lá thư hồi âm của UBND các xã và thân nhân liệt sỹ báo tin đã nhận được thông tin, các gia đình phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức đi thăm viếng và đưa hài cốt liệt sĩ về quê nhà. Nhận được thư của các địa phương và thân nhân liệt sĩ, ông Xuân lại cặm cụi viết thư báo tin tới Đài Tiếng nói Việt Nam để đài thông báo trên sóng phát thanh. Không chỉ gửi thư qua đường bưu điện, ông còn là người chuyên cung cấp thông tin mộ liệt sĩ qua điện thoại.

17.000 bức thư gửi thân nhân liệt sĩ

11 năm tâm huyết với việc ghi chép thông tin liệt sỹ, đến nay tập danh sách của ông Xuân đã dày lên theo thời gian, 11 cuốn sổ cũ kỹ kia là 11 năm ông dày công vun đắp, chăm chút thông tin về các liệt sỹ. Thông tin về 17.000 liệt sỹ được lưu lại cũng là con số bức thư mà ông Xuân đã viết và gửi đến các địa phương nhờ chính quyền chuyển đến tận tay thân nhân các liệt sỹ. Sau mỗi lần gửi thư đi là mỗi ngày ông nhận được tin tốt. Đó là chuỗi dài những cuộc điện thoại cảm ơn ông vì họ đã tìm được người thân của mình hay cuộc điện thoại xác minh lại tên, địa chỉ… Nhưng lại có nhiều trường hợp éo le, lắm lúc ông viết thư đi, có khi mấy năm sau mới có thư trả lời.

Lật giở cuốn sổ ghi chép danh sách liệt sỹ đã chuyển màu theo thời gian, ông Xuân chỉ cho chúng tôi những cái tên liệt sỹ đã từng được ông gửi đi theo các địa chỉ, đánh dấu thư gửi đi bao nhiêu lần và ghi chú thật kỹ những tên liệt sỹ đã tìm được.

Đó là trường hợp gia đình bà Đặng Thị Dung là con của liệt sỹ Đặng Đình Lân ở Đông Hưng, Thái Bình. Sau bao năm tháng lặn lội đi tìm hài cốt của bố nhưng không được, đến khi nhận được thư của ông Xuân tháng 5/2009, bố của bà Dung đã được tìm thấy ở nghĩa trang Lục Ngạn, Bắc Giang và đã về với quê cha đất tổ.

Thế nhưng không phải ai cũng may mắn như gia đình bà Dung, vẫn còn nhiều những ngôi mộ vô danh chưa tìm được gia đình, đó cũng là điều khiến ông Xuân trăn trở. “Nhìn tên những liệt sỹ đã tìm được thân nhân, tôi đã rất mãn nguyện nhưng khi nhìn vào danh sách các liệt sỹ hay đến những ngôi mộ vô danh, lòng tôi lại cảm thấy đau nhói. Không biết những bức thư không có hồi âm, những ngôi mộ vô danh kia đến bao giờ mới tìm về được với đất mẹ. Tôi tự nhủ phải tìm mọi cách đưa các anh về với nơi chôn rau cắt rốn”, ông Xuân tâm sự.

Với suy nghĩ, bộ đội liệt sỹ là con đẻ của nhân dân và con nuôi của quân đội, “cha sinh mẹ dưỡng”, phải có trách nhiệm đi tìm những đứa con của mình còn lưu lạc ở đâu đó, đưa họ về với quê hương bản quán, năm 2017, ông đã gửi thư và muốn bàn giao lại danh sách các liệt sỹ đã tìm được cho Bộ Quốc phòng và mong muốn các cấp, các ngành tiếp tục công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, để họ được trở về với vòng tay của người thân.

Chỉ cho chúng tôi tập giấy A4 dày cộp, ông Xuân bảo, đây là danh sách 30.000 liệt sỹ mà ông cùng người cháu đã tìm được năm 2018 thông qua các trang web trên internet. Trong số đó, ông đã báo được 2.000 liệt sỹ. Mong muốn của ông là làm nhiều hơn, nhưng không báo được vì nhiều quá, ông viết không xuể. Riêng nghĩa trang Trường Sơn- Quảng Trị đã có 12.000 liệt sỹ. Dự định của ông trong vài năm tới là sẽ mở một phòng lưu giữ các danh sách liệt sỹ, sẽ thông báo lên các phương tiện thông tin đại chúng để cho các gia đình liệt sỹ, họ có thể liên hệ với ông tìm liệt sỹ trên giấy tờ, sổ sách trước, tránh tốn kém thời gian, công sức, tiền bạc của các gia đình.

Suốt 11 năm cần mẫn làm công việc “vác tù và hàng tổng”, ông Nguyễn Tiến Xuân đã viết 17.000 lá thư báo mộ liệt sĩ cho những người chưa hề quen biết. Đến nay, đã có 276 liệt sỹ sau bao năm xa cách nơi đất khách quê người, nay đã được trở về quê hương yêu dấu. Đọc những lá thư gửi đến cảm ơn ông, chúng tôi thật sự xúc động, những dòng chữ khác nhau, lời lẽ thật mộc mạc nhưng chứa chan biết bao tình cảm.

Nói đến đây, bỗng dưng đôi mắt ông đỏ hoe khi nhìn về phía tấm ảnh của anh trai, người mà cả gia đình ông vẫn đang ngóng trông từng ngày. “Nghe nói, anh đang nằm ở một nghĩa trang nào đó ở huyện Thanh Oai, nhưng vì không vật kỷ niệm nên khó xác định tên tuổi. Bởi lẽ đó, cả gia đình tôi đến giờ vẫn mỏi mòn trông ngóng. Tôi mong các gia đình liệt sỹ kiên trì chờ đợi, Nhà nước, bộ đội ta vẫn đang ngày ngày tìm kiếm các liệt sỹ”- ông Xuân xúc động nói./.

Hoàng Mẫn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực