Nhiều vấn đề “nóng” được đặt ra tại Kỳ họp thứ 12 HĐND TP Đà Nẵng

Thứ tư, 19/07/2023 14:13
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 12, HĐND Thành phố Đà Nẵng khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026, tại phiên chất vấn vào chiều 18/7, nhiều vấn đề “nóng” đã được các đại biểu đặt ra với các cơ quan có liên quan của Thành phố.

HĐND TP Đà Nẵng xem xét, cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Thành phố Đà Nẵng, 6 tháng đầu năm 2023, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Thành phố đạt 10,6 triệu USD, bằng 46,33% của cùng kỳ năm 2022. Đại biểu Đoàn Ngọc Chung đặt vấn đề: Việc thu hút FDI 6 tháng đầu năm 2023 đạt rất thấp. Tại sao thu hút FDI đạt thấp như vậy, trong khi các tỉnh và cả nước đều đạt và tăng?

Đồng chí Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Sở KH&ĐT, cho rằng, trong hơn 10,6 triệu USD, có hơn 9 triệu USD là các dự án ngoài khu công nghiệp; và con số này chưa đạt  như kỳ vọng. Giám đốc Sở KH&ĐT Thành phố cho biết, Đà Nẵng đang hướng tới xây dựng thành phố môi trường, thành phố thông minh, phát triển công nghiệp công nghệ cao. Do vậy, việc kêu gọi đầu tư vào các khu công nghiệp cần có sự chọn lọc kỹ về công nghệ, xem xét kỹ về quy mô và đánh giá các tác động đối với môi trường… Đây chính là những lý do mà số lượng vốn, quy mô thu hút đầu tư nước ngoài vào Thành phố trong 6 tháng đầu năm bị chi phối, ảnh hưởng.

Nhiều vấn đề “nóng” được các đại biểu đặt ra với cơ quan chức năng TP Đà Nẵng.

Liên quan đến việc bãi bỏ các quyết định về sơ đồ ranh giới, quy hoạch ga đường sắt tại quận Liên Chiểu, đại biểu Lê Văn Dũng phản ánh, hiện nay đời sống của các hộ dân khu vực dự án đang gặp nhiều khó khăn; vậy sắp tới, Thành phố có kế hoạch và tiến độ cụ thể nào trong việc quy hoạch sử dụng đất cũng như đầu tư xây dựng tại khu vực này?

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng Thành phố Đà Nẵng, đây là khu vực xây dựng nhà trên đất nông nghiệp, hạ tầng không được đầu tư. Vì vậy, sau khi hủy bỏ quy hoạch dự án ga đường sắt tại quận Liên Chiểu, theo định hướng trong thời gian tới, UBND Thành phố đã giao Sở Xây dựng lập quy hoạch phân khu trình Bộ Xây dựng phê duyệt và dự kiến đến cuối năm 2023 sẽ công bố công khai đồ án quy hoạch phân khu cho người dân ở khu vực đã từng nằm trong vùng quy hoạch của dự án này.

Trên lĩnh vực cải cách hành chính, thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021- 2030, thời gian qua, UBND Thành phố đã có chỉ đạo quyết liệt, chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các cơ quan đơn vị địa phương; tập trung công tác cải cách hành chínhh (CCHC) lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Cải cách thủ tục hành chính phải tháo gỡ được những khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Nhờ vậy, công tác CCHC 6 tháng đầu năm 2023 đạt được những kết quả nhất định.

Tuy nhiên, theo đại biểu Huỳnh Bá Cử, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại hạn chế như: còn biểu hiện tiêu cực, phiền hà, thiếu trách nhiệm đối với giải quyết hồ sơ, công việc cho tổ chức người dân, doanh nghiệp trên một số lĩnh vực nhạy cảm; có tình trạng chưa quyết liệt, tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, gây ách tắc làm cản trở sự phát triển của thành phố…

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ và với mục tiêu chung là: “Tiếp tục xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân, trên cơ sở những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì Nhân dân trong giai đoạn 2021 - 2030”, đại biểu Huỳnh Bá Cử đề nghị TP cần thường xuyên chỉ đạo công tác rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; chú trọng kịp thời phát hiện để kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, bãi bỏ thủ tục hành chính hoặc quy định có liên quan không cần thiết, không phù hợp, không đáp ứng được các nguyên tắc về quy định thực hiện thủ tục hành chính (TTHC); kịp thời cập nhật công bố danh mục, quy trình nội bộ giải quyết TTHC; tổ chức niêm yết công khai toàn bộ TTHC giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông nhất là thời hạn giải quyết tại bộ phận một cửa các cấp; thực hiện nghiêm việc xin lỗi cá nhân, tổ chức khi có hồ sơ trễ hẹn; tăng cường cơ chế phối hợp giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan đơn vị; mở rộng cơ chế liên kết giữa các cơ quan đơn vị đối với TTHC; tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, các vướng mắc cần tháo gỡ kịp thời phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền để xử lý.

Đại biểu cũng kiến nghị Thành phố tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng, kết nối liên thông và nâng cấp hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện cho cơ quan thực hiện và cá nhân tổ chức; đồng thời triển khai kết nối, đồng bộ với cổng dịch vụ công quốc gia và các Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của các bộ, ngành; cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ, tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, sự năng động, trung thực, kỷ cương, gương mẫu, tận tâm phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội trong giải quyết công việc.

Chủ tịch HĐND Thành phố Lương Nguyễn Minh Triết yêu cầu các cơ quan chức năng tập trung xử lý có hiệu quả các nhiệm vụ liên quan mà đại biểu đặt ra. 

Liên quan đến vấn đề trên, Chủ tịch HĐND Thành phố Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, Thành phố cần đẩy mạnh, nâng cao chất lượng cải cách thủ tục hành chính về đầu tư; đẩy nhanh tiến độ dự án, khắc phục các hạn chế nhằm cải thiện chỉ số PCI; quyết liệt chống tiêu cực, nhũng nhiễu; không để các chính sách, thủ tục không cần thiết thành điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

Bên cạnh những vấn đề trên, tại phiên chất vấn của Kỳ họp lần này, các đại biểu cũng phản ánh tình trạng thiếu các công trình công cộng, hạ tầng xã hội thiết yếu tại các khu đô thị dẫn đến tình trạng quá tải, không đáp ứng được nhu cầu về đời sống sinh hoạt, học tập và vui chơi của người dân cũng như tình trạng ngập úng, chậm duy tu, bổ dưỡng tại các công trình.

Kiến nghị giải pháp xử lý tình trạng trên, đại biểu Trần Tuấn Lợi cho rằng, với quyết tâm giải quyết những bất cập nêu trên, tránh lãng phí tài nguyên đất đai, đáp ứng nhu cầu về đời sống của người dân, thời gian tới, UBND Thành phố cần ban hành một Chuyên đề riêng, trong đó đề ra các giải pháp hết sức cụ thể, giao nhiệm vụ cho từng sở, ngành, quận, huyện nhằm sớm giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, sinh hoạt cộng đồng,… tại các khu đô thị.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết cho rằng, UBND Thành phố cần khẩn trương ban hành quy định ràng buộc trách nhiệm của chủ đầu tư đối với việc bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng các công trình hạ tầng xã hội thiết yếu phục vụ dân sinh và bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý khi hoàn thành; đồng thời, phải tăng cường thanh, kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện cam kết đối với các dự án./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực