Phát triển các loại hình vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Thủ đô

Thứ sáu, 20/09/2019 20:15
(ĐCSVN) – Hướng tới tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng từ 20-25%, UBND TP Hà Nội triển khai các giải pháp trọng tâm để hoàn thành chỉ tiêu trong đó, chú trọng các giải pháp tăng cường kết nối, phát triển hợp lý các loại hình vận tải hành khách công cộng.

Thực hiện chỉ tiêu chủ yếu tại Chương trình số 06 của Thành ủy Hà Nội về vận tải hành khách công cộng trong đó, tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng từ 20-25%, UBND TP Hà Nội triển khai các giải pháp trọng tâm để hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng vào năm 2020.

Một trong các giải pháp là tăng cường kết nối các loại hình vận tải, nghiên cứu, tổ chức kết nối các tuyến buýt thường với tuyến đường sắt số 2A Cát Linh - Hà Đông, tuyến BRT tại điểm đầu cuối và dọc hành lang đường sắt 2A và BRT; tổ chức các điểm trông giữ xe đạp, xe máy tại khu vực lân cận các nhà ga, nhà chờ tạo thuận lợi để hành khách gửi xe cá nhân chuyển sang sử dụng tuyến đường sắt số 2A Cát Linh - Hà Đông và tuyến BRT.

Nghiên cứu, tổ chức hợp lý hóa mạng lưới tuyến xe buýt để tăng tính kết nối, trung chuyển hành khách giữa hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt với tuyến đường sắt đô thị số 2A (Cát Linh - Hà Đông). Nghiên cứu tổ chức các tuyến buýt có sức chứa nhỏ để phù hợp với những đường phố hẹp giúp tăng khả năng tiếp cận của xe buýt; phát triển các tuyến buýt kế cận; triển khai đề án phát triển xe đạp công cộng tăng thêm sự lựa chọn cho người dân khi sử dụng dịch vụ vận tải công cộng.

Người dân sử dụng tuyến buýt nhanh BRT từ Kim Mã tới bến xe Yên Nghĩa. Ảnh: Gia Hưng

TP xác định phát triển hợp lý các loại hình vận tải. Đối với hệ thống đường sắt đô thị, đưa vào khai thác, vận hành đoạn trên cao vào tháng 04/2021; khai thác, vận hành toàn tuyến vào tháng 12/2022. Đối với vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, tiếp tục mở rộng vùng phục vụ của mạng lưới tuyến tới các khu vực ngoại thành, các trung tâm phát sinh nhu cầu (đô thị mới, trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, khu công nghiệp, chung cư…).

Theo dự kiến, số lượng tuyến buýt mở mới đến năm 2020 từ 40 đến 50 tuyến. Rà soát, sắp xếp hợp lý mạng lưới và lựa chọn phương tiện xe buýt phù hợp với các tuyến đường, nâng cao chất lượng và hiệu quả vận tải hành khách công cộng. Đầu tư, đổi mới đoàn phương tiện theo hướng ưu tiên sử dụng phương tiện chất lượng cao, xe buýt điện, xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường (xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch: khí CNG, LPG,...). Phát triển thêm các tuyến buýt kế cận để giảm phương tiện cá nhân từ các tỉnh vào TP.

Đối với loại hình xe taxi, phát triển số lượng xe hợp lý; nâng cao chất lượng dịch vụ. Quản lý chặt chẽ loại hình xe taxi công nghệ.

Đối với loại hình xe liên tỉnh, tiếp tục sắp xếp, hợp lý hóa luồng tuyến vận tải hành khách liên tỉnh theo hướng các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh tập trung kết nối vào các bến xe khách liên tỉnh trên địa bàn, việc trung chuyển hành khách từ các bến xe vào trung tâm TP và trung chuyển giữa các bến xe do hệ thống xe buýt và các phương tiện nội đô đảm nhận.

Đối với loại hình xe hợp đồng, du lịch, quản lý có hiệu quả thông qua việc rà soát, thống kê số lượng xe hợp đồng đưa đón công nhân, đưa đón cán bộ công nhân viên và học sinh, xe phục vụ nhu cầu đi lại của dân cư khu đô thị... Nghiên cứu, đề xuất các tuyến vận tải du lịch từ trung tâm TP đến các điểm du lịch như chùa Hương, Thành cổ Sơn Tây, Ba Vì...

Một giải pháp nữa Hà Nội tập trung triển khai là đầu tư, khai thác có hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là hạ tầng kết nối, trung chuyển. Đối với hạ tầng giao thông công cộng chung, quy định cụ thể về ưu tiên quỹ đất đô thị cho việc xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật cho vận tải hành khách công cộng (điểm đầu cuối, điểm trung chuyển, làn dành riêng...) khi thực hiện các dự án đầu tư phát triển hạ tầng đô thị.

Đối với vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, duy trì và phát huy có hiệu quả làn đường ưu tiên cho xe buýt nhanh BRT, phát huy tối đa lợi thế tuyến buýt nhanh làm cơ sở đánh giá, nghiên cứu triển khai các làn đường dành riêng cho xe buýt. Hình thành các điểm trung chuyển mới ngoài vành đai 3 theo các trục hướng tâm vào Hà Nội với chức năng kết nối giữa vận tải liên vùng và vận tải công cộng trong đô thị. Mã hóa hệ thống điểm dừng, nhà chờ xe buýt và cải thiện, đổi mới cách thức thông tin về lộ trình, điểm dừng đỗ, đặc biệt thông tin giờ xe trên hệ thống hạ tầng xe buýt toàn TP tại các pano đầu tuyến, tại các điểm dừng, nhà chờ, điểm trung chuyển xe buýt.

Thực hiện đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, khai thác hoạt động vận tải, đầu tư trang thiết bị và các ứng dụng công nghệ tiên tiến để hình thành trung tâm quản lý điều hành giao thông công cộng. Xây dựng cơ sở dữ liệu (số hóa) về hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông và các phần mềm khác phục vụ công tác quản lý điều hành hệ thống giao thông thông minh, điều hành tổ chức giao thông và xử lý vi phạm giao thông. Xây dựng bản đồ số giao thông trực tuyến để phục vụ công tác quản lý, điều hành và điều tiết giao thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, sử dụng điểm đỗ xe nhằm tối ưu nhu cầu đỗ xe.

Triển khai có hiệu quả dự án hỗ trợ phát triển hệ thống thẻ vé liên thông cho vận tải công cộng tại Hà Nội sử dụng nguồn vốn viện trợ của JICA. Đổi mới, đa dạng hóa hình thức bán vé (trực tuyến, online, qua điện thoại…) và các loại vé cho khách du lịch (vé ngày, tuần...); hoàn thiện phần mềm timbus, cung cấp dữ liệu thời gian thực về xe buýt cho hành khách.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối và chia sẻ nguồn thông tin chung về tình hình giao thông với Trung tâm thông tin giao thông của TP để tăng cường hoạt động điều hành xe buýt, đảm bảo tốt nhất dịch vụ cho hành khách.

Cùng với các giải pháp nêu trên, TP cũng triển khai nhiều giải pháp khác như: tổ chức giao thông theo hướng ưu tiên cho vận tải hành khách công cộng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm cũng như sắp xếp lại bộ máy quản lý, tăng cường hiệu quả công tác quản lý để giảm chi phí.

Gia Hưng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực