|
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn tại hội trường Quốc hội ngày 4/6. (Ảnh: QH)
|
Sáng 4/6, chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, nhiều đại biểu đặt câu hỏi về tình trạng ô nhiễm dòng sông, nhất là sông Nhuệ - Đáy, Bắc Hưng Hải; việc quản lý ô nhiễm nguồn nước; về việc triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước…
Trả lời câu hỏi của đại biểu về ô nhiễm trên hệ thống sông Nhuệ, sông Đáy, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Bộ đã tăng cường hệ thống quan trắc và phân tích môi trường trên lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy. Hiện nay có 5 điểm quan trắc tự động, 42 điểm quan trắc môi trường nước mặt. Ngoài ra, địa điểm xả thải có lưu vực lớn và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường được thiết lập quan trắc thường xuyên và liên tục, kết nối dữ liệu online. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đánh giá sức chịu tải của các dòng sông, với quan điểm sẽ trao đổi với các địa phương có giải pháp xử lý phù hợp.
Về thu gom, xử lý chất thải, Bộ trưởng khẳng định cần có sự vào cuộc của tất cả các địa phương, có sự chung sức, đồng lòng cùng xử lý nguồn thải, tạo dòng chảy. Bộ trưởng đề nghị các địa phương tuyên truyền vận động nhân dân, cộng đồng, doanh nghiệp chung tay bảo vệ.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cũng cho biết, sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập ngay Ủy ban Quản lý lưu vực sông, tức là trách nhiệm chung các tỉnh, các bộ, ngành để điều phối vấn đề này. Bên cạnh đó, Bộ trưởng đề nghị trong giai đoạn 2026 - 2030, Chính phủ cần quan tâm đầu tư công để xử lý các dòng sông ô nhiễm này.
Đối với câu hỏi của đại biểu về việc triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh khẳng định, ngày 16/5 vừa qua, 2 nghị định hướng dẫn thi hành luật đã được Chính phủ ban hành. Cũng trong ngày 16/5, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành 3 thông tư quy định chi tiết thi hành Luật Tài nguyên nước; quy định việc kiểm tra việc chấp pháp thi hành Luật Tài nguyên nước; quy định việc di chuyển, thay đổi vị trí, giải thể trạm quan trắc tài nguyên nước. Như vậy, 28 nội dung do Chính phủ và Bộ Tài nguyên quy định chi tiết trong Luật đã được quy định chi tiết trong 2 Nghị định và 3 thông tư để đảm bảo tiến độ luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.
Về chất vấn hiện đại hóa và công nghệ số đối với hệ thống quản lý điều hòa, phân phối nguồn nước, Bộ trưởng nêu rõ, việc đảm bảo quản lý nguồn nước rộng khắp cả nước, chắc chắn phải sử dụng hệ thống công nghệ thông tin, quan sát giám sát.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai hệ thống giám sát, khai thác sử dụng tài nguyên nước ở Trung ương, hiện có 850 tổ chức, cá nhân đã kết nối quyền số liệu hệ thống giám sát với Bộ. Thời gian tới, Bộ tiếp tục nâng cấp hệ thống phân tích, đánh giá, sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, thuật toán đám mây, phân tích, đánh giá sau đó tổng hợp và tham mưu trong công tác quản lý nhà nước.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cũng đề nghị các địa phương quan tâm đầu tư hệ thống giám sát, quan trắc, kết nối với hệ thống của quốc gia, đảm bảo an ninh nguồn nước./.