|
Công tác tuyên truyền, tư vấn luôn được BHXH tỉnh Thanh Hóa phối hợp thực hiện có hiệu quả (Ảnh: Nam Hà). |
Thanh Hóa là tỉnh có diện tích rộng, điều kiện kinh tế còn khó khăn, thu nhập và đời sống của nhân dân còn thấp. Bên cạnh đó, một số phụ huynh còn có nhận thức chưa đầy đủ về chính sách BHYT nói chung và BHYT học sinh, sinh viên nói riêng. Bám sát đặc điểm này, nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT, những năm qua Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, UBND các huyện, thị, thành phố triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác BHYT học sinh, sinh viên. Cụ thể, khi bắt đầu năm học mới, BHXH tỉnh chủ động phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành kế hoạch liên ngành về thực hiện BHYT học sinh, sinh viên, trong đó hướng dẫn các đơn vị trực thuộc, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền về BHYT học sinh, sinh viên cho cán bộ giáo viên và phụ huynh học sinh qua các cuộc họp, hội nghị tổng kết, buổi họp phụ huynh đầu năm học mới; chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch, giao cho giáo viên phụ trách khối, giáo viên chủ nhiệm phối hợp với y tế nhà trường rà soát, thống kê số học sinh thuộc đối tượng phải tham gia BHYT để thông báo đến phụ huynh học sinh.
Đồng thời, BHXH tỉnh cũng chỉ đạo BHXH các huyện, thị, thành phố phối hợp với phòng GD&ĐT phân công cán bộ trực tiếp xuống các trường có học sinh, sinh viên tham gia BHYT để tuyên truyền, hướng dẫn nghiệp vụ trong công tác lập danh sách, tổ chức thu và cấp phát thẻ BHYT cho các em kịp thời... Với cách làm này, công tác BHYT học sinh, sinh viên của tỉnh Thanh Hóa đã đạt kết quả đáng ghi nhận, tỷ lệ học sinh tham gia BHYT năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, năm học 2017-2018, tỷ lệ học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh tham gia BHYT là 94,24; năm học 2019-2020 đã đạt 95,5%, tương ứng với hơn 595.000 em học sinh, sinh viên tham gia BHYT. Năm học 2020-2021, ước tính tỷ lệ này đạt khoảng trên 96%. Em Nguyễn Thị Thu, học sinh Trường THPT Thiệu Hóa (Thanh Hóa) cho biết, nhờ được tuyên truyền nên em và người thân đã nhận thức rõ ý nghĩa to lớn của BHYT, nhất là trong việc chăm lo sức khỏe cho học sinh. Vì vậy, ngay từ đầu năm học, em đã chủ động đăng ký mua BHYT. Nhờ vậy, em luôn yên tâm học tập, rèn luyện.
Nét nổi bật trong phát triển BHYT học sinh, sinh viên ở tỉnh Thanh Hóa đó là việc phối hợp giữa BHXH tỉnh với Sở GD&ĐT đã được thực hiện thường xuyên, có hiệu quả. Cùng với vai trò nòng cốt của BHXH tỉnh, các cơ sở giáo dục trên địa bàn đã chủ động làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, vận động phụ huynh học sinh tham gia BHYT cho con em mình để đảm bảo quyền lợi, chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu cho các em. Nhiều trường học còn có các giải pháp hỗ trợ cho học sinh hoàn cảnh khó khăn, như: Miễn giảm các khoản đóng góp đầu năm học để có điều kiện tham gia BHYT; vận động cán bộ, giáo viên trong trường đóng góp, ủng hộ giúp đỡ học sinh đặc biệt khó khăn... Nhờ vậy, đã góp phần nâng cao tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT.
Tuy nhiên, theo đồng chí Đặng Sỹ Mười, Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển BHXH tỉnh Thanh Hóa, việc phát triển BHYT học sinh, sinh viên vẫn còn những hạn chế nhất định; tỷ lệ tham gia BHYT còn chưa đồng đều tại một số địa phương; một bộ phận học sinh, sinh viên chưa nhận thức được việc tham gia BHYT là cần thiết cho chính mình và cộng đồng. Việc học học sinh, sinh viên chưa tham gia BHYT cũng đồng nghĩa với việc các em không được hưởng các quyền lợi chăm sóc sức khỏe nếu không may ốm đau. Điều này cũng ảnh hưởng nhiều đến lộ trình thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân.
Thực tế thời gian qua ở Thanh Hóa cho thấy, phát triển BHYT học sinh, sinh viên không chỉ là cơ sở bảo đảm quyền lợi về sức khỏe của người tham gia mà còn có ý nghĩa giáo dục về trách nhiệm đối với cộng đồng và xã hội trong công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe, xây dựng tinh thần tương thân tương ái. Đã có hàng nghìn trường hợp học sinh, sinh viên được quỹ BHYT chi trả chi phí khám chữa bệnh khi không may bị rủi ro đau ốm.
Để tiếp tục phát triển BHYT học sinh, sinh viên, thời gian tới, BHXH tỉnh Thanh Hóa sẽ đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó trọng tâm là triển khai nhiều hình thức tuyên truyền giúp học sinh, sinh viên và phụ huynh nhận thức được ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của việc tham gia BHYT. Đồng thời, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ban, ngành, đoàn thể liên quan; tăng cường phối hợp và phát huy vai trò của ngành Giáo dục trong tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật đến học sinh, sinh viên, phụ huynh, bởi đây là kênh tuyên truyền rất hiệu quả. Ngành Giáo dục cần đưa kết quả thực hiện BHYT học sinh, sinh viên của các trường vào tiêu chí đánh giá, xếp loại thi đua. Bên cạnh đó, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần quan tâm, tăng cường việc chỉ đạo công tác BHYT trên địa bàn... Các giải pháp này sẽ là cơ sở để Thanh Hóa đẩy mạnh phát triển BHYT học sinh, sinh viên; từng bước đưa tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT đạt 100%; hướng đến thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân./.