Trong những năm trở lại đây, tỉnh Thừa Thiên Huế thường xuyên bị ảnh hưởng nặng bởi thiên tai bão, lũ lụt, sạt lở đất. Điển hình như năm 2020 thiên tai diễn ra dị thường, khốc liệt, không theo quy luật,... bão, lũ xảy ra liên tiếp, với quy mô rộng lớn, cường độ rất mạnh và gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Tình trạng “bão chồng bão”, “lũ chồng lũ” chưa từng có trong nhiều năm qua đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và sản xuất của hàng triệu người dân trên địa bàn. Tiếp đến năm 2022, năm 2023 mưa lũ, ngập úng xảy ra dồn dập. Từ năm 2020 đến năm 2023, thiên tai đã làm 52 người chết, 169 người bị thương, tổng thiệt hại ước tính 4.554 tỷ đồng.
|
Một gia đình ở huyện Phú Vang bị thiệt hại do bão lũ |
Năm 2023 có 5 cơn bão và 3 áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, trong đó có 1 áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến Thừa Thiên Huế từ ngày 24-26/9/2023 gây ra gió giật cấp 6 ở sâu trong đất liền và cấp 7-8 ở vùng ven biển (trạm KT Hải Văn Thuận An (tp Huế) có gió giật mạnh nhất 20,7m/s cuối cấp 8). Lượng mưa mùa mưa bão năm 2023 cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN), tại Huế 4128mm đạt 123% so với TBNN, Nam Đông 4126.1mm đạt 138% so với TBNN và A Lưới 3328.3mm đạt 109% so với TBNN.
Cả năm có 5 đợt lũ trên báo động 1, trong đó có 2 đợt lũ lớn trên báo động 3, đỉnh lũ lớn nhất năm trên Sông Hương tại Kim Long là +4,34m (lúc 17h ngày 15/11), trên báo động 3 là 0,84m; trên sông Bồ tại Phú Ốc lúc là +5m (19h30 ngày 15/11), trên BĐ 3 là 0,5m. Đợt mưa lũ sớm ngày 14 đến ngày 16/02/2023 đạt tần suất 1,65%, tương ứng 60 năm xuất hiện 1 lần.
Theo đồng chí Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, khái niệm về “lũ lụt” là hiện tượng nước trong sông, suối, hồ tràn ngập một vùng đất. Lụt cũng có thể dùng để chỉ trường hợp ngập do thủy triều, nước biển dâng do bão. Mưa lớn kéo dài là nguyên nhân chính gây ra lũ lụt, ngoài ra còn có lũ lụt là do triều cường hoặc bão. Đối với các hồ chứa thủy lợi, thủy điện mỗi hồ đều có một dung tích chứa nước giới hạn tương ứng với mực nước giới hạn được thiết kế dựa trên tần suất lũ quy định tương ứng với quy mô hồ, như vậy khi có trận mưa vượt tần suất thiết kế, lượng nước mà hồ không chứa hết sẽ được vận hành điều tiết về hạ du.
|
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế thăm hỏi, động viên người dân bị thiệt hại do bão lụt. |
Lũ ở vùng đồng bằng hạ du các hồ là sự kết hợp của 3 yếu tố: lượng nước do mưa ở vùng đồng bằng sau đập gây tràn sông, suối cộng với lượng nước thừa không thể chứa hết từ hồ chứa ở thượng nguồn và nước dâng do thủy triều, bão (giả sử nếu không có hồ chứa thì sẽ thêm phần nước mà hồ chứa giữ lại gây lũ). Như vậy, hồ chứa đã góp phần giảm bớt lượng nước đổ về hạ du, giảm mức ngập cho hạ du, lượng nước này sẽ được sử dụng đa mục tiêu: phục vụ sinh hoạt, sản xuất, chống hạn, phát điện cho mùa khô năm sau.
Ngoài ra, một số vùng thấp trũng thuộc huyện Phong Điền thường xuyên bị ngập lụt bởi nước sông Ô Lâu khi mưa lớn như: xã Phong Bình, xã Phong Chương, xã Điền Hương, xã Điền Môn, xã Điền Lộc…hiện nay trên thượng nguồn sông Ô Lâu chưa có hồ chứa để giảm lũ cho các vùng nói trên, toàn bộ mưa ở thượng nguồn đều đổ về các vùng đồng bằng kết hợp mưa ở đồng bằng và triều cường gây ngập lũ.
|
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 77 đập, hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện với tổng dung tích khoảng 2.100 triệu m3, trong đó có 12 đập, hồ chứa thủy điện với tổng dung tích 1.350 triệu m3 |
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 77 đập, hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện với tổng dung tích khoảng 2.100 triệu m3, trong đó có 12 đập, hồ chứa thủy điện với tổng dung tích 1.350 triệu m3 (13 nhà máy thủy điện với tổng công suất lắp máy 459,3MW); trong tổng số 12 đập, hồ chứa thủy điện thì đập, hồ chứa công trình thủy điện Hương Điền thuộc loại đập, hồ chứa nước quan trọng đặc biệt, thẩm quyền kiểm tra và đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước trước mùa mưa hằng năm đối với đập, hồ chứa thủy điện Hương Điền thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương; các đập, hồ chứa thủy điện còn lại việc kiểm tra đánh giá an toàn đập thuộc trách nhiệm của địa phương.
Đồng chí Hoàng Hải Minh cho biết, trước các đợt mưa, thực hiện Công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, văn bản chỉ đạo của Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh đã chủ động tổ chức trực ban 24/24, theo dõi chặt chẽ diễn biến dự báo mưa lũ qua hệ thống Radar Xband dự án JICA, hệ thống Radar, ảnh mây vệ tinh của Trung tâm Mạng lưới khí tượng thủy văn Quốc gia, hệ thống trạm đo mưa Vrain, trạm đo mưa của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, …. Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã chủ động ban hành các thông báo, cảnh báo, công điện để thông tin rộng rãi đến người dân chuẩn bị sẵn sàng phòng tránh. Các hồ chứa trên lưu vực sông Hương được chỉ đạo thông qua các lệnh vận hành để cắt giảm lũ cho vùng hạ du trong các đợt mưa lớn liên tục.../.