Thừa Thiên Huế: Sớm hoàn thành mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Thứ ba, 19/09/2023 21:30
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Trong tiến trình xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, việc xây dựng diện mạo đô thị Huế văn minh, thân thiện, hiện đại là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà địa phương này đang tập trung hướng đến. Nhiều vấn đề liên quan đến môi trường, chỉnh trang đô thị, áp lực giao thông và quy hoạch mạng lưới giao thông rất cần các giải pháp căn cơ, lâu dài mang tầm ổn định vĩ mô.

Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với đồng chí Hoàng Hải Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

 Đồng chí Hoàng Hải Minh-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

Phóng viên: Thưa đồng chí, để tạo ra hình ảnh đô thị hiện đại, thân thiện thì cần nhiều yếu tố, vậy theo đồng chí đâu là yếu tố quan trọng nhất đối với Thừa Thiên Huế hiện nay?

Đồng chí Hoàng Hải Minh: Trong lịch sử phát triển đô thị Việt Nam, Thừa Thiên Huế đã từng là đô thị cấp Quốc gia và của khu vực; đặc biệt, thành phố Huế là đô thị loại I trực thuộc tỉnh đầu tiên của cả nước (năm 2005).

Ngày 10/12/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với mục tiêu “Đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh”. Đây là cơ sở quan trọng, tạo điều kiện cho tỉnh sớm hoàn thành mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Để đạt được mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo đúng định hướng Nghị quyết này, vai trò công tác quy hoạch là rất quan trọng, trong đó, phải xây dựng và tạo ra hình ảnh, môi trường đô thị hiện đại, thân thiện môi trường, thông minh nhưng đảm bảo việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản là mục tiêu mà Thừa Thiên Huế hướng đến.

Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đang đồng loạt triển khai các nội dung quy hoạch: Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; Quy hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050,…  Các đồ án quy hoạch hoàn thiện đang trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Theo đó, tỉnh đã xem xét, tính toán quy hoạch lại hệ thống từng đô thị và toàn đô thị nói chung bao gồm việc quy hoạch hệ thống hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật,.. nhằm quy hoạch lại hệ thống không gian đô thị, đảm bảo đúng định hướng và mục tiêu về quy hoạch đô thị chung theo tinh thần Nghị quyết số số 54-NQ/TW.

 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với mục tiêu “Đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Hình ảnh và mục tiêu của không gian đô thị hướng đến được cụ thể hóa bằng các giải pháp về quy hoạch hạ tầng giao thông đô thị, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hạ tầng xanh, chuyển đổi năng lượng,… và thể hiện bằng các phương án, quy định đảm bảo việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Tất cả đều phải đảm bảo tuân thủ theo tiêu chí, tiêu chuẩn đô thị loại I của Nghị quyết số 1210 và 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị quyết số 26, 27 ngày 21/9/2022 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

Phóng viên: Thưa đồng chí, đồng chí có thể cho người dân được hiểu rõ hơn về định hướng hạ tầng đô thị và hạ tầng giao thông của tỉnh Thừa Thiên Huế?

Đồng chí Hoàng Hải Minh: Về hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị, tỉnh Thừa Thiên Huế có ưu điểm hệ thống hạ tầng giao thông đô thị khá đầy đủ. Bao gồm quy hoạch hệ thống đường sắt, đường thủy nội địa, đường không, đường bộ, đường biển và hệ thống hạ tầng này cũng đã được tỉnh tính toán, quy hoạch khá bài bản trong tất cả các nội dung quy hoạch có liên quan từ định hướng quy hoạch quốc gia đến quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung và các quy hoạch xây dựng, đô thị.

Hiện nay, một số định hướng phát triển quy hoạch giao thông mà tỉnh Thừa Thiên Huế tập trung đầu tư, xây dựng kể đến: giao thông đường không tiếp tục đầu tư, nâng cấp cảng hàng không quốc tế Phú Bài. Theo đó, giai đoạn đến 2030, Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài được quy hoạch công suất 7 triệu hành khách/năm. Tỉnh đang đề nghị Trung ương quan tâm bố trí nguồn vốn nâng cấp đường lăn song song (chiều dài 2700m) và thiết bị hạ cánh tại Cảng hàng không quốc tế Phú Bài. Về đường biển sẽ đầu tư hệ thống đường ven biển, nâng cấp và kêu gọi đầu tư cảng Chân Mây, phát triển cảng Điền Lộc và tiếp tục phát huy cảng Thuận An với mục tiêu trở thành cảng trong thành phố,… . Giao thông đường thủy sẽ quy hoạch và phát huy khai thác mạng lưới giao thông đường thủy bao quanh khu vực sông Ngự Hà, hệ thống giao thông đường thủy dọc sông Hương kết nối khu vực Thuận An, hệ thống đầm phá Tam Giang – Cầu Hai,…

 Tỉnh Thừa Thiên Huế đang đề nghị Trung ương quan tâm bố trí nguồn vốn nâng cấp đường lăn song song (chiều dài 2700m) và thiết bị hạ cánh tại Cảng hàng không quốc tế Phú Bài.

Bên cạnh đó, giao thông đường sắt tiếp tục duy trì hệ thống đường sắt hiện nay theo định hướng quốc gia, và hình thành hệ thống giao thông đường sắt tốc độ cao kèm hệ thống BOT và các quỹ đất phát triển dịch vụ đi kèm,… Còn về giao thông đường bộ, Thừa Thiên Huế tiếp tục nghiên cứu, mở rộng tuyến cao tốc La Sơn – Túy Loan, Cam Lộ - La Sơn, nâng cấp các tuyến Quốc lộ, Tỉnh lộ, quy hoạch và triển khai đầu tư một số cầu kết nối qua phá, nâng cấp hệ thống giao thông đô thị - mở rộng, chỉnh trang các tuyến đường chính trong đô thị, nâng cấp các tuyến đường đảm bảo tiêu chí đô thị tương ứng,...

Bài toán quy hoạch và triển khai thực hiện đã được xây dựng khá bài bản và phù hợp nhu cầu phát triển của tỉnh nhà. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các dự án hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị nêu trên vẫn còn nhiều vướng mắc nên chưa đảm bảo như mong muốn, trong thời gian tới, sau khi các quy hoạch nêu trên được phê duyệt, tỉnh sẽ xây dựng nhiều biện pháp cụ thể, đồng bộ hơn để triển khai thực hiện có hiệu quả.

 Cầu bắc qua cửa biển Thuận An dự kiến hoàn thành đầu năm 2025.

Phóng viên: Thưa đồng chí, trước thực tế phát triển của đô thị hiện nay, làm thế nào để vùng lõi đô thị giảm áp lực giao thông khi Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương?

Đồng chí Hoàng Hải Minh: Để giảm áp lực giao thông trong vùng lõi đô thị tại Thừa Thiên Huế, cần có bài toán tính toán tổng thể, đảm bảo kết nối với các khu vực ngoài vùng lõi. Quy hoạch cũng là một trong những là yếu tố quan trọng quyết định việc giảm áp lực giao thông tại vùng lõi, khi tỉnh nhà lên thành phố trực thuộc Trung ương.

Để làm được điều đó, quan trọng nhất là phát huy tốt hệ thống các tuyến giao thông vành đai và có phương án điều tiết, phân luồng phù hợp tại khu vực nội thị, đồng thời, tăng cường và phát huy hiệu quả hệ thống giao thông công cộng, giao thông xanh sẽ góp phần giải quyết áp lực giao thông. Theo đó, trong phương án quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế cũng đã tính đến các vướng mắc, hạn chế trong vấn đề giao thông nội đô hiện nay để quy hoạch hệ thống vành đai phù hợp, xây dựng hệ thống kết nối giao thông công cộng, giao thông xanh để vận hành giao thông hiệu quả.

Thực tế hiện nay, hệ thống đường tránh phía tây thành phố Huế đã giúp hạn chế phương tiện vận tải lớn đi vào trung tâm. Thành phố cũng đang triển khai hệ thống đường vành đai 3 và cầu qua sông Hương. Dự án này, giúp giảm ách tắc, đảm bảo hệ thống giao thông cho vùng lõi đô thị phía Tây - Nam thành phố. Phía Đông thành phố đang triển khai các tuyến đường như Thủy Dương - Thuận An, Chợ Mai – Tân Mỹ, đường quy hoạch 60m nối từ Thủy Vân về Phú Đa,…giúp lưu thông thông suốt đồng thời kéo thành phố về biển gần hơn đảm bảo định hướng phát triển đô thị biển.

 Ngoài ra, phấn đấu trong năm nay sẽ khởi công tuyến đường Tố Hữu nối dài, kết nối Huế với sân bay Phú Bài, tuyến đường Trưng Nữ Vương,… giúp giảm áp lực cho Quốc lộ 1A đoạn từ Huế về sân bay Phú Bài. Kết hợp các giải pháp tăng cường chỉnh trang hạ tầng trong lõi đô thị của thành phố Huế, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy, huyện Phú Lộc, Phong Điền cũng được quan tâm,… Có thể nói, đây là những dự án quan trọng, giúp thay đổi bộ mặt đô thị khi Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Phóng viên: Thưa đồng chí, để có hình ảnh đô thị đẹp, khang trang, văn minh, hiện đại thì tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những giải pháp nào để công tác lập lại trật tự đô thị đạt được hiệu quả?

Đồng chí Hoàng Hải Minh: Hiện nay, vấn đề lấn chiếm lòng lề đường, mất trật tụ đô thị không chỉ diễn ra ở Huế mà bản thân đô thị nào cũng phải đối mặt, do vậy, đây là công tác thường xuyên của một chính quyền đô thị.

Phải nói rằng công tác lập lại trật tự đô thị rất quan trọng, sẽ tạo ra cảm nhận tốt cho người dân, du khách. Thời gian qua, thành phố Huế đã triển khai rất nhiều giải pháp và nhiều tiện ích cho đô thị như: hệ thống đỗ xe theo ngày chẵn, lẻ. Bên cạnh đó, thành phố đã đầu tư thêm hệ thống bãi đỗ xe dọc 2 bờ sông Hương, cải tạo, chỉnh trang khu vực sân vận động, cải tạo, chỉnh trang và hình thành đường đi bộ Hai Bà Trưng. Triển khai đồng bộ giải pháp chỉnh trang đô thị bằng việc quy định hệ thống mái che, mái vẩy, kẻ chỉ nơi đậu đỗ trên vỉa hè dành cho xe máy; tiếp tục phát động chương trình giành lại vỉa hè cho người đi bộ,…

Về tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, trong giai đoạn trước mắt, thành phố Huế tiếp tục có những giải pháp, quy định cụ thể hơn trong công tác chỉnh trang đô thị và hướng đến việc triển khai quản lý đồng bộ hơn. Trong giai đoạn tiếp tục, việc tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng đồng bộ theo quy hoạch sẽ giúp đô thị Huế cải thiện được các chỉ số về hạ tầng giao thông, đảm bảo được tiêu chí về chất lượng đô thị loại I có xét đến yếu tố đặc thù khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Phóng viên: Thưa đồng chí, trong quá trình triển khai các dự án liên quan đến giao thông, đô thị thì tỉnh Thừa Thiên Huế đang gặp những khó khăn nào, đâu là giải pháp khắc phục?

Đồng chí Hoàng Hải Minh: Các khó khăn vướng mắc của tỉnh hiện nay phải kể đến trong việc triển khai các dự án giao thông, đô thị.

Hiện, các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng vẫn là điểm nghẽn lớn nhất trong quá trình triển khai các dự án đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng của tỉnh Thừa Thiên Huế. Đặc biệt trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện các dự án có khối lượng đền bù, di dời dân cư rất lớn như Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh Thành Huế; Tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An, Đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương cùng các dự án hạ tầng kỹ thuật chỉnh trang đô thị khác,...

Bên cạnh đó, cũng phải kể đến  việc giữ vững quan điểm không đánh đổi môi trường lấy kinh tế; xây dựng Thừa Thiên Huế phát triển theo hướng hài hòa, bền vững, giảm áp lực dân cư đô thị, hạn chế can thiệp vào kiến trúc, cảnh quan; tiếp tục phát triển bền vững trên cơ sở phát huy các giá trị văn hóa, di sản gắn với bảo vệ cảnh quan, môi trường; do đó, quá trình quy hoạch, thực thi quy hoạch vẫn có những vướng mắc lớn do một phần tập quán sinh hoạt người dân và quá trình hình thành lâu đời của đô thị hiện hữu.

Để khắc phục những vướng mắc, điểm yếu nêu trên, địa phương đã đưa ra các giải pháp lồng ghép trong quy hoạch và chỉ đạo triển khai thực hiện, các giải pháp như huy động tối đa các nguồn vốn hợp pháp cho đầu tư kết cấu hạ tầng. Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng công tác giải phóng mặt bằng, thành lập các tổ công tác, thường xuyên đôn đốc, xử lý các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư; quy hoạch lại hệ thống di tích có hệ thống vành đai bảo vệ, hỗ trợ phát triển phù hợp. Đồng thời, tỉnh luôn chú trọng kêu gọi và thu hút đầu tư các nhà đầu tư có tiềm lực xây dựng các công trình sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường.

Tôi cho rằng, công tác quy hoạch cũng sẽ giải quyết vấn đề mâu thuẫn giữa phát triển với bảo tồn di sản. Vì vậy, việc giãn dân trong vùng lõi di sản cũng đã, đang và sẽ triển khai rốt ráo. Song song với việc triển khai đề án tổ chức giao thông cho lõi thành phố Huế và vùng phụ cận.

Tại khu vực Kinh thành Huế, hệ thống giao thông không thể mở rộng nhưng sẽ tổ chức lại, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn, thân thiện cho du khách. Ngoài ra, tỉnh Thừa Thừa Thiên Huế khuyến khích các phương tiện giao thông cộng cộng như xe điện và ở một số tuyến, bố trí lối đi riêng cho người đi bộ; tăng cường xe đạp chia sẻ cho vùng nội đô và hai bờ sông Hương; có giải pháp giảm mật độ người dân đi xuyên qua Kinh thành, giúp họ tiếp cận với hệ thống giao thông ngoài Kinh thành một cách nhanh nhất.

Phóng viên: Vâng, sẽ có rất nhiều nhiệm vụ, giải phảp  và còn rất nhiều việc mà tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ triển khai trong thời gian đến để có được một diện mạo đô thị Huế văn minh, thân thiện, hiện đại trong tiến trình xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương.

 Xin cảm ơn những thông tin mà đồng chí đã trao đổi với Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam./.

Bài, ảnh: Hoàng Oanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực