Thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Thứ bảy, 20/07/2019 00:07
(ĐCSVN) - Tích cực thúc đẩy bình đẳng giới sẽ nâng cao vị thế của phụ nữ ở vùng dân tộc thiểu số và góp phần thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020.
Tư tưởng giới hạn phụ nữ ở các hoạt động sinh con và sản xuất hộ gia đình còn tồn tại nặng nề ở vùng dân tộc thiểu số. (Ảnh: Phương Liên)

Tháng 9/1995, tại Bắc Kinh, đại diện Chính phủ của trên 180 nước đã tham gia Hội nghị Toàn cầu lần thứ 4 về phụ nữ. Với mong muốn thúc đẩy các mục tiêu về bình đẳng, phát triển và hòa bình cho phụ nữ, hội nghị đã ra Tuyên bố và Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh. Cương lĩnh đặt ra 12 lĩnh vực ưu tiên thực hiện để thúc đẩy bình đẳng giới, đó là: phụ nữ và nghèo đói; giáo dục đào tạo cho phụ nữ; phụ nữ và sức khỏe; bạo lực đối với phụ nữ; phụ nữ và xung đột vũ trang; phụ nữ và kinh tế; phụ nữ với quyền lực và ra quyết định; cơ chế vì sự tiến bộ của phụ nữ; quyền con người của phụ nữ; phụ nữ và truyền thông; phụ nữ và môi trường; trẻ em gái.  

Ở nước ta, bình đẳng giới luôn là mục tiêu quan trọng, nhất quán được Đảng và Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Kể từ Hiến pháp đầu tiên năm 1946 và qua các lần sửa đổi, cũng như các chỉ thị, nghị quyết của Đảng hay chương trình hành động của Chính phủ đều thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc thúc đẩy thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

Sau 25 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh, bên cạnh những thành tựu đã được nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế ghi nhận, thì cũng đang còn nhiều tồn tại và thách thức trong thực hiện bình đẳng giới, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số.

Tại Hội thảo góp ý kiến “Rà soát toàn diện cấp quốc gia” và “Báo cáo quốc gia về thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh từ khía cạnh bình đẳng giới trong dân tộc thiểu số” do Ủy ban Dân tộc và UN Women phối hợp tổ chức mới đây tại Hà Nội, bà Hoàng Thị Hạnh - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho rằng, phụ nữ và trẻ em gái vùng dân tộc thiểu số và miền núi đang chịu nhiều áp lực bởi khuôn mẫu, định kiến. Do trình độ dân trí thấp hơn các vùng khác và mặt bằng giáo dục không cao, phong tục tập quán lạc hậu đã ăn sâu vào tư tưởng nên định kiến giới, tư tưởng trọng nam khinh nữ, áp đặt vị trí thấp kém, giới hạn phụ nữ ở các hoạt động sinh con và sản xuất hộ gia đình còn tồn tại nặng nề ở vùng dân tộc thiểu số. Những tồn tại, hạn chế này đang trở thành thách thức trong tiến trình thúc đẩy thực hiện mục tiêu bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số, đòi hỏi cần có thời gian, lộ trình và giải pháp cụ thể thì mới có thể dần xóa bỏ được.

Trong 12 lĩnh vực ưu tiên của Tuyên bố và Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh, theo bà Nguyễn Thị Tư - Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số, Ủy ban Dân tộc, có 5 lĩnh vực cần được tập trung phân tích làm rõ trong báo cáo rà soát toàn diện cấp quốc gia việc thực hiện tuyên bố và cương lĩnh từ khía cạnh bình đẳng giới trong vùng dân tộc thiểu số, đó là: phụ nữ và nghèo đói; giáo dục đào tạo cho phụ nữ; phụ nữ và sức khỏe; bạo lực đối với phụ nữ; phụ nữ và môi trường. Đây là những nhóm vấn đề hiện có rất nhiều chỉ số đáng e ngại, thể hiện bất bình đẳng giới còn sâu sắc đối với phụ nữ và trẻ em gái người dân tộc thiểu số.

Đơn cử trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, tình trạng phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số biết đọc, biết viết chữ phổ thông ít đáng kể so với nữ giới dân tộc thiểu số và nữ giới người Kinh. Một số dân tộc thiểu số có tỷ lệ phụ nữ và trẻ em gái biết đọc, biết viết chữ phổ thông thấp như: Lự 23,22%, La Hủ 25,1%, Mông 30,8%, Mảng 32,8%, Brâu 35,71%...

Bà Hoàng Thị Thắm - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang phản ánh, hiện nay, 100% các huyện ở tỉnh này có trường phổ thông dân tộc nội trú. Nhà nước có chính sách hỗ trợ gạo, sách giáo khoa, đồ dùng học tập và được các địa phương thực hiện tốt nhưng chỉ có 1% học sinh dân tộc Mông học lên bậc trung học phổ thông.

Thực tế này nhận được sự đồng tình của bà Nguyễn Thị Bích Thủy - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về gia đình và giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Bà Thủy nêu thực tế tỷ lệ ngoài nhà trường của trẻ em dân tộc thiểu số tăng dần theo cấp học. Nghiêm trọng nhất là ở cấp trung học phổ thông khi có tới 47,2% trẻ em dân tộc thiểu số ngoài nhà trường ở cấp học này với lý do chủ yếu là kết hôn sớm và lao động sớm.

Bên cạnh đó, phụ nữ và trẻ em gái người dân tộc thiểu số còn phải đối mặt với nhiều vấn đề về giới như: tỷ lệ tảo hôn cao, lên tới 27,1%; bạo lực tinh thần đối với phụ nữ dân tộc thiểu số do người chồng gây ra là 48,8%, cao gấp 1,7 lần so với tỷ lệ chung của cả nước; tham gia lao động sớm, đến 15 tuổi, rất nhiều em gái dân tộc thiểu số đã làm việc như người trưởng thành trong khi các em gái người Kinh, Hoa vẫn còn đi học; ít được tiếp cận những công việc làm công hưởng lương, có tới 83,81% việc làm của lao động nữ dân tộc thiểu số là tự làm trong lĩnh vực nông nghiệp, so với tỷ lệ tương ứng của nam dân tộc thiểu số là 79,16% và Kinh là 40,72%; ít tham gia vào quá trình xây dựng, triển khai, giám sát, đánh giá các chính sách, chương trình, dự án liên quan đến người dân tộc thiểu số…

83,81% việc làm của lao động nữ dân tộc thiểu số là tự làm trong lĩnh vực nông nghiệp. (Ảnh: Phương Liên)

Việt Nam đã xây dựng được khung khổ pháp luật về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, bao gồm cả các chính sách thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, hiện là Chủ tịch Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đề nghị, trong thời gian tới, cần tiếp tục ưu tiên thực hiện một số chính sách đặc thù cho vùng dân tộc thiểu số đang phát huy hiệu quả cao như: Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025”; Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025”; phòng ngừa nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em; mở rộng các dịch vụ y tế để phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số được tiếp cận ngay từ thôn, bản…

Trong bối cảnh Việt Nam cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc với nguyên tắc “không để ai bị bỏ lại phía sau” thì những vấn đề về bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số càng cần được quan tâm đặc biệt. Tích cực thúc đẩy bình đẳng giới sẽ nâng cao vị thế của phụ nữ ở vùng dân tộc thiểu số và góp phần thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020./.

Phương Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực