Tiết kiệm điện - Từ chính sách đến cuộc sống

Thứ tư, 15/05/2024 22:18
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Để bảo đảm điện năng cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân, cần sử dụng điện một cách hiệu quả, bền vững và tiết kiệm.

Chiều ngày 15/5, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm về “Tiết kiệm điện - Từ chính sách đến cuộc sống” với sự tham dự của là đại diện các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương, các chuyên gia năng lượng, doanh nghiệp là khách hàng sử dụng điện...

Tọa đàm nhằm hệ thống hóa, phân tích, kiến giải, luận bàn về công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành chức năng trong sử dụng tiết kiệm, hiệu quả điện năng; việc lan tỏa các chương trình tiết kiệm điện năng vào thực tiễn đời sống xã hội; các giải pháp sử dụng hiệu quả, bền vững, tiết kiệm nguồn năng lượng điện...

 Các khách mời tham dự Tọa đàm. Ảnh: Đỗ Thoa

Cần tạo thành thói quen tiết kiệm điện 

Tại Tọa đàm, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông tin, 4 tháng đầu năm, điện thương phẩm đạt 96,2 tỷ kWh điện, tăng 12,4% so với 2023. Cả năm 2023, điện thương phẩm toàn quốc tăng 4,26%.

Về thành phần điện đã sử dụng, điện cho công nghiệp tăng 10,91%, điện cho thương mại - dịch vụ tăng 18,95%, điện cho sinh hoạt tăng 18,54% - cao gấp 1,5 lần so với tốc độ tăng trưởng của cả nước trong thời gian vừa qua. Riêng tại Hà Nội, điện cho thương mại - dịch vụ tăng trưởng 33,26%, điện cho sinh hoạt khu vực Hà Nội tăng 29,27%.

Tính chung tại miền Bắc, tăng trưởng điện thương phẩm cho sản xuất công nghiệp là 13,02% - mức rất cao trong 4 tháng vừa qua. EVN dự báo trong năm 2024, vào những tháng hè, hệ thống điện có thể có những kỷ lục mới về công suất, sản lượng.

 Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chia sẻ tại Tọa đàm. Ảnh: ĐT

Về tiết kiệm điện, theo ông Võ Quang Lâm, Việt Nam có tỷ lệ sử dụng năng lượng chưa hiệu quả bằng một số nước khác. Để có 1.000 USD, Việt Nam đang tiêu thụ năng lượng gấp khoảng 2-3 lần các quốc gia khác. Đây là thách thức rất lớn, đòi hỏi phải làm tốt hơn công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, đặc biệt là tiết kiệm điện.

Ông Võ Quang Lâm cho rằng, nếu làm tốt việc tuyên truyền về tiết kiệm điện cho học sinh thì sự lan tỏa sẽ nhiều hơn, sâu rộng hơn, dần xây dựng được một lớp công dân không những có ý thức tiết kiệm điện mà còn có ý thức với môi trường, xã hội, sống có trách nhiệm, sử dụng năng lượng hiệu quả.

Tuy nhiên, vận động chỉ là một trong những giải pháp và đó là chưa đủ. Do đó, EVN chú trọng ứng dụng nhiều công nghệ để tiết kiệm điện. Trong năm qua, EVN đã tập trung nhiều vào công tác hiện đại hóa hệ thống đo đếm, hiện đại hóa công tác vận hành hệ thống điện… Khoảng 92% công tơ đo đếm điện trên cả nước đã thực hiện điện tử hóa.

Ông Võ Quang Lâm cũng cho rằng, cần quan tâm đến nhóm khách hàng sản xuất công nghiệp, bởi họ chiếm tỷ lệ cao trong việc sử dụng điện. Năm 2023, trong tổng số 253 tỷ kWh điện thương phẩm, riêng nhóm khách hàng sử dụng năng lượng trọng điểm là 107 tỷ kWh. Nếu làm tốt việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả trong khối doanh nghiệp thì sẽ có cơ hội tiết kiệm điện rất nhiều.

“EVN đặt ra mục tiêu năm 2024 tiết kiệm được 5,5 tỷ kWh và phấn đấu tiết kiệm 6 tỷ kWh đến hết năm 2024”, ông Võ Quang Lâm nói.

Còn theo ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương), năm 2024, việc cung ứng điện sẽ gặp rất nhiều khó khăn do tình hình El Nino còn diễn ra phức tạp; nhu cầu về sử dụng điện được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh do đà phục hồi kinh tế và phục hồi sản xuất, nhất là các ngành hàng chế biến xuất khẩu. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm và mạnh mẽ các giải pháp về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng, cần "tiết kiệm điện thành thói quen".

Phải có giải pháp đủ mạnh để tiết kiệm điện trở thành văn hóa

Chia sẻ tại Tọa đàm, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 8/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025 có cách tiếp cận mới. Đây không phải là một phong trào thi đua, khuyến khích mà là chương trình hành động quốc gia, có đặt chỉ tiêu cụ thể; triển khai trên toàn tuyến, từ các bộ, ngành, đến địa phương, doanh nghiệp... để hướng dẫn người dân.

Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam (bên trái) chia sẻ tại Tọa đàm. Ảnh: ĐT

Ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh không phải vì thiếu mà chúng ta mới cần tiết kiệm điện, mà điều quan trọng là nguồn cung về điện phải ổn. "Nếu nhìn vào số liệu so sánh để làm ra 1.000 USD so với các nước thì thấy tiết kiệm điện vẫn còn dư địa kinh khủng như thế nào", ông Thiên nói và cho rằng, trong những năm tiếp theo, Chính phủ phải chủ động có các giải pháp về công tác giáo dục công dân cần nâng cao nhận thức, coi điện là tài nguyên quý giá, để làm sao ý thức tiết kiệm điện như nét văn hóa tự trọng của mỗi người.

Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh nêu quan điểm, đối với các quốc gia phát triển, việc đào tạo, giáo dục tiết kiệm điện, tài nguyên thiên nhiên được thực hiện một cách hiệu quả từ các em nhỏ, trong hệ thống giáo dục, trên các phương tiện giao thông, các nơi công cộng…

Câu chuyện tiết kiệm được Chính phủ, Bộ Công thương nhìn nhận phải trải qua xây dựng bằng quá trình lâu dài chứ không phải mang tính chất ngắn hạn, để hình thành thói quen tiết kiệm từ hộ gia đình cho đến doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ông Sơn nêu vấn đề, phải chăng những chi phí tiết kiệm đang quá thấp làm cho người dân không cảm thấy cần phải thực hiện và đã đến lúc, tiết kiệm và sử dụng điện hiệu quả phải là việc làm bắt buộc.

"Chúng ta đã thấy, Nghị định 100 của Chính phủ về cấm rượu, bia xử phạt rất nặng. Trong câu chuyện này, người dân cần tuân thủ và dần có thói quen, hành động của người dân sẽ khác hẳn. Phải chăng tiết kiệm điện, tiết kiệm tài nguyên cũng phải có những chế tài nặng như thế thay vì hiện nay các quy định đa phần vẫn mang tính chất khuyến khích, giáo dục", ông Sơn bày tỏ.

Tại Tọa đàm, các khách mời thống nhất cho rằng: Để bảo đảm điện năng cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân, việc thúc đẩy đầu tư cho sản xuất điện, tăng cường năng lực nguồn điện, phát điện vẫn là chưa đủ mà còn một vế đặc biệt quan trọng đó là sử dụng điện một cách hiệu quả, bền vững và tiết kiệm.

Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả càng trở nên cấp bách và quan trọng hơn trong bối cảnh hiện nay khi nguồn cung điện đang gặp nhiều thách thức do tình trạng thủy văn đảm bảo phát điện của các nhà máy thủy điện diễn biến theo chiều hướng bất lợi bởi biến đổi khí hậu; các nguồn điện mới gặp nhiều khó khăn trong mở rộng đầu tư; còn nguồn điện gió, điện mặt trời và các nguồn năng lượng tái tạo khác vận hành không ổn định. Trên thực tế, tổng thể các khâu, từ cấp phát, điều tiết, phân phối cho tới việc sử dụng điện còn có những bất cập, chưa hợp lý ở một số nơi, dẫn tới những hệ lụy đối với đời sống dân sinh và hoạt động sản xuất, kinh doanh./.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực