TP Hồ Chí Minh tăng cường công tác quản lý nhà nước về lao động và việc làm

Thứ tư, 11/12/2024 18:36
(ĐCSVN) - Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về lao động và việc làm trên địa bàn Thành phố đã có sự tập trung chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, Chính quyền và đạt được nhiều kết quả khả quan.
 Đông đảo người lao động trẻ tìm hiểu cơ hội việc làm tại ngày hội tuyển dụng. (Ảnh: Báo QĐND)

Lao động được đào tạo nghề có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận tăng qua từng năm đến nay đạt 87,63% (chỉ tiêu 87%); trung bình mỗi năm tạo việc làm mới cho 141.000 lao động (chỉ tiêu 140.000 lao động); tỷ lệ thất nghiệp đô thị duy trì đến cuối năm 2025 kéo giảm dưới 4% theo chỉ tiêu Nghị quyết.

Tính đến cuối năm 2024, cơ bản hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo theo tiêu chí Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố về Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025. Đồng thời, Thành phố đã điều chỉnh tiêu chí xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình cho phù hợp tình hình phát triển kinh tế xã hội của Thành phố theo Nghị quyết số 15 ngày 16/7/2024 của Hội đồng nhân dân Thành phố.

Công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực lao động việc làm được quan tâm; công tác dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động được thực hiện định kỳ hàng quý, 6 tháng và hàng năm. Qua đó, các đơn vị căn cứ vào kết quả dự báo để đưa ra chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, đào tạo nghề nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động kinh tế; công tác giới thiệu việc làm và chi trả bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện kịp thời, nhằm đảm bảo đời sống người dân.

Đặc biệt, Thành phố có nhiều giải pháp để hướng dẫn doanh nghiệp, người lao động thực hiện đúng và đầy đủ các quy định pháp luật lao động; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra doanh nghiệp thực hiện pháp luật lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, chính sách lao động nữ cho người lao động, người sử dụng lao động thuộc các loại hình doanh nghiệp qua các hội nghị và các hình thức trực tuyến khác. Việc triển khai thực hiện Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động tại các cơ quan, đơn vị và người lao động đã từng bước nâng cao nhận thức về an toàn, vệ sinh lao động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thành phố.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt làm được, công tác quản lý nhà nước về lao động và việc làm trên địa bàn Thành phố còn có những tồn tại, hạn chế nhất định.        

Mặc dù các chỉ tiêu về lao động và việc làm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố đề ra cơ bản đạt và đảm bảo tiến độ, nhưng vẫn chưa phản ánh đúng thực chất về chất lượng, trình độ người lao động hiện nay; chưa phân tích được tính chất, cơ cấu, tỷ lệ, độ tuổi thất nghiệp để có đánh giá xác thực tế và tham mưu các nhóm giải pháp thiết thực cho Thành phố; một số chỉ tiêu Đề án đào tạo nguồn nhân lực theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố kết quả thực hiện còn thấp hoặc chưa được đánh giá cụ thể.

Chương trình giảm nghèo bền vững còn gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện kéo giảm chiều thiếu hụt về thu nhập, trình độ giáo dục của người lớn, đào tạo nghề còn trường hợp thành viên hộ nghèo được đào tạo, nhưng làm việc không đúng ngành nghề đào tạo; dư nợ vốn vay lớn, nợ quá hạn, nợ không có khả năng thu hồi, nhất là đối với quỹ hỗ trợ giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn Thành phố còn cao.

Công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực lao động việc làm còn chưa hiệu quả trên một số mặt như: quản lý doanh nghiệp, quản lý người lao động,  lao động nước ngoài; công tác dự báo nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng kịp thời với sự biến động của thị trường lao động; chưa dự báo được cung - cầu lao động của 08 ngành đào tạo nhân lực trình độ quốc tế; công tác phối hợp, thông tin về lao động, việc làm, đào tạo nghề giữa các cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, người dân còn chưa kịp thời. Các sàn giao dịch việc làm hiện nay chưa phát huy hiệu quả, số lượng lao động tìm được việc làm tại các sàn giao dịch việc làm không cao (khoảng hơn 10%); còn trường hợp vi phạm pháp luật lao động tại các doanh nghiệp giới thiệu việc làm, doanh nghiệp cho thuê lại lao động, các hoạt động quảng cáo, giới thiệu việc làm trên các trang mạng xã hội, tin nhắn, cuộc gọi SMS chưa được quản lý chặt chẽ.

Công tác quy hoạch và triển khai các dự án đầu tư cho mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn chậm; công tác phân luồng học sinh còn khó khăn. Một số chỉ tiêu Chương trình an toàn, vệ sinh lao động và công tác quản lý an toàn vệ sinh lao động tại Thành phố tuy đạt về tỷ lệ nhưng cần được quan tâm hơn về chất lượng, số vụ tai nạn chết người còn cao (198 vụ với 215 người chết).

Công tác thanh tra, kiểm tra về việc chấp hành pháp luật lao động của các doanh nghiệp chưa nhiều; tranh chấp lao động tập thể, đình công không đúng trình tự pháp luật vẫn còn xảy ra; tranh chấp lao động cá nhân có chiều hướng gia tăng; tình trạng nợ bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp còn nhiều với số tiền nợ khá cao; số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tăng qua các năm, tuy nhiên vẫn chưa đạt như mong muốn; số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn thấp (đạt 0,83% lực lượng lao động trong độ tuổi) và có xu hướng giảm dần.

Thành phố chưa xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung nhằm thống nhất quản lý giữa các ngành, các cấp; việc hỗ trợ quỹ giải quyết việc làm, việc giải quyết các chế độ, chính sách bảo hiểm y tế cho người dân tại 29 xã An toàn khu vẫn chưa được giải quyết kịp thời.

Do đó, để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về lao động và việc làm Thành phố cần rà soát, thống kê và có giải pháp hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình sau khi Thành phố điều chỉnh tiêu chí theo Nghị quyết 15 của Hội đồng nhân dân Thành phố.

Song song đó, hoàn chỉnh công tác quy hoạch và quan tâm nâng cao chất lượng hoạt động mạng lưới giáo dục nghề nghiệp; tăng cường hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài, hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp sản xuất; quan tâm xây dựng hệ thống dữ liệu dùng chung của Thành phố nhằm quản lý số liệu về doanh nghiệp, lao động, trình độ, nghề nghiệp; xây dựng hệ thống dự báo nhu cầu nhân lực hiệu quả; thực hiện tốt việc thống kê di biến động lao động; đổi mới, nâng cao hiệu quả các sàn giao dịch việc làm.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý đối với các doanh nghiệp giới thiệu việc làm, doanh nghiệp cho thuê lại lao động; công tác quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Thành phố cũng như công tác giới thiệu việc làm trên các trang mạng xã hội hiện nay.

Cùng với đó, xây dựng các chương trình, chính sách cải thiện, nâng cao năng suất lao động; thực hiện tốt công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh, cũng như nâng cao chất lượng các trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên trên địa bàn Thành phố.

Mặt khác, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; đôn đốc nhắc nợ, xử lý đối với các đơn vị trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế trên địa bàn Thành phố; tăng cường quản lý công tác an toàn vệ sinh lao động nhằm bảo vệ và hạn chế thấp nhất tai nạn lao động.

Đặc biệt, thường xuyên tổ chức các Hội nghị gặp gỡ, kết nối giữa Chính quyền với doanh nghiệp; giữa Chính quyền với người lao động nhằm lắng nghe nhu cầu, khó khăn của doanh nghiệp, của người lao động trên địa bàn Thành phố để kịp thời tháo gỡ khó khăn; cũng như kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện./..

 

CM

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực