"Ngôi làng trường thọ"
Theo chân ông Nguyễn Nhật Thống, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Vĩnh Lại, chúng tôi về làng Lời - một ngôi làng thanh bình nép mình bên dòng sông Thao hiền hòa, thơ mộng, quanh năm đỏ nặng phù sa, mà lâu nay được nhiều người biết đến với cái tên “ngôi làng trường thọ”.
Dạo quanh làng một vòng, chúng tôi được ngắm những cảnh quan mộc mạc, đậm chất quê với những con đường nhỏ uốn lượn, cây đa, bến nước, mái đình mà bất cứ ai đặt chân đến cũng cảm thấy thân quen lạ thường. Từ trong các ngôi nhà trong làng, tiếng các cụ cao niên cười nói bên con cháu, tạo ra bầu không khí thật bình an, tràn đầy sức sống.
|
Ở tuổi 94, cụ Nguyễn Văn Đạm vẫn hằng ngày đi cắt rau, dọn dẹp nhà cửa và phụ giúp nhiều việc nhà cho con cháu. (Ảnh: TC) |
Chủ tịch Hội Người cao tuổi Nguyễn Nhật Thống cho biết: Hiện làng Lời có 646 nhân khẩu thì có tới 175 người cao tuổi, trong đó có 9 cụ từ 100 tuổi trở lên. Đặc biệt, nhiều cụ không chỉ sống thọ, mà còn sống vui tươi, khỏe mạnh, ngày ngày sum vầy cùng con cháu. Vì làng có nhiều cụ sống thọ nên nhiều người gọi nơi đây là “ngôi làng trường thọ”.
Hỏi thăm đường đến nhà các cụ đã sống hơn một thế kỷ, mấy chị bán tạp hóa đầu làng cười hóm hỉnh rồi nói với chúng tôi rằng: “Làng Lời mình có nhiều cụ cao niên lắm, các anh muốn hỏi về nhà nào? Các cụ ở đây không những tuổi cao, mà đầu óc các cụ còn minh mẫn cả, sức vóc, thần thái có khi còn như cả thanh niên...”
Minh chứng thực hư, chúng tôi đi theo hướng các chị chỉ, vào thẳng nhà cụ Nguyễn Thị Hậu – người vừa bước sang tuổi 105. Dù đã ở cái tuổi “thượng thượng thọ”, thế nhưng cụ Hậu vẫn mạnh khỏe và nhanh nhẹn hiếm thấy. Cụ nhớ tên hết anh em họ mạc bốn bên; nhớ tên từng cháu, chắt để điểm danh phát vốn, mừng tuổi vào mỗi dịp Tết cổ truyền. Qua lời kể của cụ, những câu chuyện “ngày xưa” nhiều chục năm trước không thiếu một chi tiết nhỏ nào. Cụ Hậu tươi cười nói: “Tuổi thơ nghèo khó lắm, toàn ăn cơm mắm, muối vừng lạc. Đến khi lập gia đình đông con nên cuộc sống lại càng vất vả, thức ăn của nhà toàn đồ trồng cấy được, họa hoằn lắm mới có bữa tươi cải thiện với con gà, quả trứng nhà nuôi, hoặc con tôm con tép đánh dậm được ngoài đồng. Tôi được cái tuổi cao là do phúc trời cho...”.
Trong bữa cơm gia đình cụ Hậu vẫn ngồi ăn uống bình thường, trò chuyện cùng con cháu, hỏi han về công việc, học tập, luôn động viên con, cháu tích cực lao động sản xuất, chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đây chính là cách để cụ kết nối với thế hệ trẻ và giữ cho mình tinh thần lạc quan, vui tươi, rèn luyện trí lực.
Rời nhà cụ Hậu, chúng tôi đến thăm cụ Nguyễn Văn Đạm, 94 tuổi. Cụ Đạm cho biết, hằng ngày bản thân vẫn đi cắt rau, dọn dẹp nhà cửa, cho gà ăn và đạp xe đi chơi xung quanh làng xã. Những khi mùa màng bận rộn, cụ còn tự ra vườn hái rau, nấu cơm và phụ giúp nhiều việc nhà cho con cháu.
Hỏi về bí quyết “trường thọ”, cụ Đạm móm mém: “Mình cứ phải sống vô tư, giận ai thì bỏ qua, đối với con cháu có mắng, có chửi xong rồi thì thôi, không bao giờ để bụng. Đồng thời, phải tích cực tham gia luyện tập thể dục, thể thao và ăn uống khoa học, điều độ”. Hiện nay, thị lực của cụ Đạm còn rất tốt, cụ có thói quen đọc báo, xem ti vi, kết nối mạng xã hội mà không phải đeo kính.
|
Ở làng Lời, nhiều cụ cao niên thường xuyên đọc báo, xem ti vi, mạng xã hội... Nhiều cụ không phải đeo kính. (Ảnh: TC)
|
Có mặt tại nhà cụ bà Đào Thị Hịch, 96 tuổi, cụ kể chuyện sang sảng cho chúng tôi nghe việc bản thân bị ngã hồi năm 2023, và từ đó cụ được cụ ông chăm sóc. Không chỉ chăm sóc nâng giấc, ăn uống, cụ ông cũng có cách động viên tinh thần người bạn đời của mình thông qua những vần thơ dí dỏm, tình nghĩa: “Vợ chồng như đũa có đôi/ Như chum có gáo, như nồi có vung”, “Vợ chồng đã xây hạnh phúc phải cùng thương nhau”, “Vợ chồng có lúc ốm đau/Phải thuốc thang, cơm cháo cho nhau đến cùng”...
Vợ chồng hai cụ Nguyễn Văn Phú (93 tuổi) và Nguyễn Thị Mão (89 tuổi) hằng ngày thường dậy sớm, ngồi trước nhà uống ngụm trà hít thở không khí trong lành, sức khỏe rất tốt. Hai cụ còn thường xuyên ra thăm vườn, nhặt cỏ, quét dọn nhà cửa, lau chùi bàn ghế, kết hợp đi bộ,....và giữ tinh thần luôn lạc quan. Nhiều khi vợ chồng cụ vẫn trò truyện vui nhộn, tếu táo với nhau như thuở vợ chồng son, con cháu mỗi lần được chứng kiến cũng thấy ấm lòng.
Duy trì sống khỏe bằng lao động
Đến làng Lời, điều khiến chúng tôi khá bất ngờ là trên những mảnh vườn, các cụ ông, cụ bà cứ thoăn thoắt nhổ cỏ, cuốc đất, tưới nước, hăng say lao động, cười nói rôm rả. Các mảnh vườn có người chăm sóc cần mẫn mỗi ngày nên các loại cây trồng khá tốt tươi. Có lẽ thói quen của người dân cần cù lao động cũng là một trong những yếu tố giúp vùng quê này trở thành “ngôi làng trường thọ”.
Các cụ cao niên làng Lời khẳng định, để trường thọ thì phải có cho mình một cuộc sống hết sức đơn giản, ăn uống khoa học, ăn thực phẩm sạch, đặc biệt không uống bia rượu, hút thuốc lá, nước ngọt, không ăn các loại thực phẩm sẵn và công nghiệp...; hằng ngày chăm chỉ thể dục thể thao cũng như tự tạo cho mình tâm trạng vui vẻ, nhẹ nhõm nhất có thể, thường xuyên lao động chân tay. Mỗi khi rảnh rỗi, hoặc tìm thú vui giải khuây, các cụ lại í ới rủ nhau đi chợ, hay đi dạo và ngắm cảnh quê hương đổi mới từng ngày. Có lẽ việc siêng năng vận động chính là bí quyết giúp các cụ có sức bền tốt và cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai hơn so với độ tuổi. Đặc biệt, ở tuổi như các cụ, con cháu đều trưởng thành, nhiều cụ đã có chắt, chít, nên niềm vui càng nhân đôi, bởi với mỗi người già thì niềm vui lớn nhất vẫn là hằng ngày được điền viên, quây quần bên các con, cháu, chắt.
|
Để rèn luyện sức khỏe dẻo dai, nhiều cụ ông đạp xe dạo chơi quanh làng xã. (Ảnh: TC) |
Ngoài ra, làng Lời còn có vị thế giáp sông nên không khí khá trong lành, rất tốt cho sức khỏe, môi trường sạch sẽ, yên bình, khiến tinh thần con người luôn thoải mái. Từ đó, người cao tuổi trong làng có điều kiện lý tưởng để luôn vui tươi, kết hợp ăn uống đạm bạc, rồi bầu không khí thanh bình giúp các cụ luôn có những giấc ngủ sâu và dài, từ đó sống khỏe, sống thọ.
“Cùng với sự nỗ lực và tự giác sống vui, sống khỏe, sống thọ của các cụ làng Lời, những năm qua, Hội Người cao tuổi xã Vĩnh Lại cùng các cơ quan, đoàn thể các cấp thường xuyên quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần cho người cao tuổi trong xã. Thông qua các hoạt động thăm hỏi, tổ chức khám, chữa bệnh và chúc Tết, tặng quà… giúp các cụ cao niên của địa phương thêm lạc quan, yêu đời và phát huy tốt vai trò của người cao tuổi trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Trong mỗi gia đình, các cụ luôn là tấm gương sáng, động viên con cháu tham gia phát triển sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa mới ở địa phương, xây dựng gia đình hạnh phúc..”, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Vĩnh Lại Nguyễn Nhất Thống chia sẻ thêm với chúng tôi./.