“Xóa bỏ các tập tục văn hóa có hại cho sức khỏe, thực hiện nếp sống văn hóa mới”

Thứ năm, 22/06/2023 18:15
(ĐCSVN) - Hội thảo “Xóa bỏ các tập tục văn hóa có hại cho sức khỏe, thực hiện nếp sống văn hóa mới” xoay quanh các vấn đề về tập tục văn hóa có hại cho sức khỏe đã và đang diễn ra tại các vùng dân tộc thiểu số, có ảnh hưởng lớn đến vấn đề phát triển, đến việc thực hiện bình đẳng giới của phụ nữ và trẻ em gái các dân tộc...

Ngày 22/6, tại Bắc Giang, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang tổ chức hội thảo “Xóa bỏ các tập tục văn hóa có hại cho sức khỏe, thực hiện nếp sống văn hóa mới”.

Là hoạt động thuộc Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, Hội thảo xoay quanh các vấn đề về tập tục văn hóa có hại cho sức khỏe đã và đang diễn ra tại các vùng dân tộc thiểu số, có ảnh hưởng lớn đến vấn đề phát triển, đến việc thực hiện bình đẳng giới của phụ nữ và trẻ em gái các dân tộc, đồng thời đưa ra các kiến nghị, đề xuất về cơ chế, chính sách, về việc áp dụng, triển khai và nhân rộng các mô hình hiệu quả, các cách làm hay trong vận động người dân, phụ nữ xóa bỏ các tập tục văn hóa có hại cho sức khỏe.

 Đại  biểu tham dự hội thảo

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương nêu rõ, tập tục lạc hậu bắt nguồn từ chức năng xã hội của tập tục đó và trình độ nhận thức của cộng đồng. Tập tục chỉ thay đổi, mất đi khi nó không còn giá trị và người dân nhận thức rõ những ảnh hưởng tiêu cực của nó đến cộng đồng, mong muốn xóa bỏ. Chính vì vậy, để có thể xóa bỏ, giảm thiểu các tập tục văn hóa có hại – các hủ tục ảnh hưởng đến sức khỏe của phụ nữ, trẻ em gái dân tộc thiểu số, rất cần sự chung tay của nhiều cơ quan, ban ngành và sự thay đổi từ trong quan niệm của chính đồng bào và chị em các dân tộc.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Hương, những hủ tục văn hóa lạc hậu đã tác động tiêu cực và ảnh hưởng rất lớn đến phụ nữ và trẻ em. Thứ nhất, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý người phụ nữ khi cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, chưa sẵn sàng về mặt tâm sinh lý để mang thai và sinh con, điều này dễ xảy ra tình trạng người mẹ tử vong sau khi sinh hoặc rối loạn tâm lý hậu sinh.

Thứ hai, phụ nữ dân tộc thiểu số kết hôn sớm thường ít có cơ hội tiếp cận với vấn đề đào tạo nghề. Theo Tổng cục Thống kê năm 2019, tỷ lệ nữ dân tộc thiểu số đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật chỉ chiếm 8,9%, điều này gây khó khăn trong thực hiện an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo và sự phát triển bền vững của vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ ba, phụ nữ và trẻ em gái kết hôn sớm, thường bỏ dở việc học hành, phải lao động từ sớm để trang trải cho cuộc sống gia đình, gây khó khăn trong bảo đảm các quyền của trẻ em. Đây cũng là đối tượng dễ bị kẻ xấu lợi dụng, dụ dỗ lừa lao động, hoặc là nạn nhân của tội phạm buôn bán người. Theo Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) từ năm 2013-2019, Việt Nam có 3.476 người là nạn nhân của các vụ mua bán người, trong đó chủ yếu là phụ nữ và trẻ em (trên 90%), đa số là người dân tộc thiểu số.

Thực tế các tập tục văn hóa lạc hậu đã để lại nhiều hệ lụy trực tiếp và lâu dài cho không chỉ phụ nữ, trẻ em gái mà còn cho cả gia đình và xã hội. Chính vì thế xóa bỏ những hủ tục này là cần thiết để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nói chung, bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, đồng thời giữ gìn những nét đẹp trong văn hóa truyền thống các tộc người.

Hiện nay, nhiều phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số đang phải đối mặt với nhiều quan niệm, hủ tục lạc hậu ảnh hưởng đến việc thụ hưởng quyền con người như tục “cướp vợ”, “bắt vợ”. Bên cạnh đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết vẫn diễn biến phức tạp. 

 Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn cùng các đại biểu tham quan triển lãm "Cuộc sống đổi thay”

Số liệu điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2019 của Tổng cục Thống kê cho thấy, Tây Nguyên có tỷ lệ tảo hôn cao nhất. Năm 2018, con số này là 27,5%, tiếp theo là Trung du và miền núi phía Bắc là 24,6% và Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung là 22,4%. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số kết hôn cận huyết thống năm 2018 là 5,6%.

Có thể nói, các tập tục văn hóa lạc hậu đã gây ra sức ép lớn đến việc thực hiện bình đẳng giới đối với phụ nữ, làm hạn chế sự phát triển toàn diện của phụ nữ và trẻ em các dân tộc; đồng thời, các hủ tục lạc hậu cũng góp phần tác động đến sự phát triển lâu dài của vùng dân tộc thiểu số. 

* Cùng với Hội thảo “Xóa bỏ các tập tục văn hóa có hại cho sức khỏe, thực hiện nếp sống văn hóa mới”, Triển lãm ảnh "Cuộc sống đổi thay” do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam thực hiện được trưng bày tại sảnh Trung tâm Hội nghị tỉnh Bắc Giang đến hết ngày 23/6. Với hơn 40 pano ảnh tập trung minh họa các hoạt động tuyên truyền, giáo dục cho người dân xóa bỏ các tập tục văn hóa có hại cho sức khỏe, các câu lạc bộ, tổ/nhóm sinh hoạt, các mô hình rèn luyện sức khỏe, thể dục thể thao tại các vùng dân tộc thiểu số và miền núi sẽ giúp khán giả hiểu rõ hơn về hoạt động của Hội LHPN các tỉnh/thành, đơn vị trong quá trình thúc đẩy xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu; lưu giữ, phát huy các phong tục truyền thống tốt đẹp, thực hiện nếp sống văn hóa mới, góp phần xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh./.

Phúc Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực