Sáng 18/12 tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học chế độ, chính sách đối với giáo viên vùng khó khăn là đoàn viên công đoàn.
Tham dự có Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa.
|
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại hội thảo |
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, hiện nay đã có chính sách ưu tiên, đặc thù đối với giáo viên ở miền núi, nhưng việc thực hiện còn nhiều bất cập.
Nhiều chế độ chính sách chưa thực sự thỏa đáng so với đóng góp, hy sinh của nhà giáo; việc áp dụng chế độ phụ cấp đặc thù gặp khó khăn trong triển khai tại một số địa phương; chế độ phụ cấp mặc dù đã khá cao so với mặt bằng chung về lương nhưng chưa đủ hấp dẫn để giữ chân nhiều thầy cô giáo... Khó khăn về điều kiện sinh hoạt đối với giáo viên cũng là vấn đề nan giải hiện nay: Đường xá, thiếu nhà ở kiên cố, thiếu nước sạch, thiếu điện...
"Với tư cách là tổ chức đại diện chăm lo, bảo vệ đoàn viên, người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức hội thảo nhằm nghiên cứu, đề xuất các chính sách đối với giáo viên vùng khó khăn là đoàn viên công đoàn với mong muốn chăm lo tốt nhất, đảm bảo các điều kiện để giáo viên cống hiến; tăng cơ hội cho các em vùng khó khăn được đến trường...", Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nói.
Tại hội thảo, thầy giáo Đinh Văn Huấn, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Mai Long (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) nêu thực tế: nhiều thầy, cô giáo công tác ở vùng cao “3 không - không đường, không điện, không sóng điện thoại”, thậm chí có những nơi “4 không - không đường, không điện, không sóng điện thoại, không nước sinh hoạt”. Buổi tối soạn giáo án phải buộc đèn pin trên đầu, điện thoại “cục gạch” được treo bằng dây cố định ở một nơi nào đó mới có thể nghe được cuộc gọi của người thân.
|
Giáo viên vùng cao còn gặp nhiều khó khăn về điều kiện sinh hoạt |
Bên cạnh đó, ở một số điểm trường vùng cao, tình trạng thiếu nước sinh hoạt diễn ra quanh năm, trong đó vào thời điểm mùa khô (từ tháng 10 đến tháng 4 hằng năm) càng trở nên trầm trọng. Nguyên nhân chính là do các trường, điểm trường được xây dựng trên vị trí cao, thuộc vùng khô hạn, không có nước hoặc ở xa nguồn nước nên không đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt…
Thầy Huấn kiến nghị trong quy hoạch trường, lớp tại các trường, điểm trường cần quan tâm dành quỹ đất, nguồn lực xây dựng nhà công vụ cho giáo viên; tập trung đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ cho giáo dục tại các địa bàn khó khăn, biên giới, nâng cao chất lượng dạy và học.