|
Theo đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, cho đến nay, việc thực hiện Chỉ thị 05 đã dần trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của mỗi tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, mỗi cán bộ, đảng viên và nhiều tầng lớp nhân dân hưởng ứng, thực hiện. (Ảnh: HH) |
Đưa việc học và làm theo Bác trở thành hành động tự giác
Học tập và làm theo tấm gương của Bác là một quá trình liên tục trong nhiều khóa Đại hội từ trước đến nay: Từ Đại hội II năm 1951, Đảng ta đưa ra chủ trương học tập đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh. Khóa IX, có Chỉ thị 23 của Ban Bí thư yêu cầu đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong thời kỳ mớ. Khóa X, có Chỉ thị 06-CT/TW năm 2006 của Bộ Chính trị về tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đến khóa XI, Đảng ta ban hành Chỉ thị 03-CT/TW tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và hiện nay, toàn Đảng đang thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” …
Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa, Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương, Chỉ thị 05 có yêu cầu mới và cao hơn các chỉ thị trước đó là xác định việc học tập phải làm sao để tư tưởng của Người trở thành nền tảng vững chắc, góp phần xây dựng văn hóa, con người Việt Nam được đẩy lên tầm cao mới gắn với việc xây dựng văn hóa. Yêu cầu việc học và làm theo Bác trở thành công tác thường xuyên, không phải là một phong trào, mà phải thực hiện trong mọi nhiệm vụ chính trị cũng như trong cuộc sống hàng ngày. Các công việc chúng ta làm, hành vi thực hiện vì dân, vì nước, mọi suy nghĩ đều hướng đến xây dựng xã hội tốt đẹp. Mọi cán bộ, đảng viên đều phấn đấu cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư để xây dựng Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa. Chỉ thị 05 coi trọng vấn đề nêu gương trong cán bộ đảng viên, nhất là người đứng đầu. Người giữ vị trí càng cao càng thể hiện như thế nào trong việc học Bác, càng phải suy nghĩ nhiều hơn để phấn đấu, xây dựng đạo đức công vụ, giải quyết triệt để những vấn đề bức xúc trong xã hội.
|
Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa, Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị - Ban Tuyên giáo Trung ương, Chỉ thị 05 có yêu cầu mới và cao hơn các chỉ thị trước đó là xác định việc học tập phải làm sao để tư tưởng của Người trở thành nền tảng vững chắc, góp phần xây dựng văn hóa, con người Việt Nam. (Ảnh: HH) |
Theo đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, cho đến nay, việc thực hiện Chỉ thị 05 đã dần trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của mỗi tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, mỗi cán bộ, đảng viên và nhiều tầng lớp nhân dân hưởng ứng, thực hiện; việc học tập các chuyên đề về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác được đưa vào sinh hoạt định kỳ ở chi bộ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên và trong mỗi tổ chức.
Cấp ủy các cấp đã nghiêm túc xây dựng kế hoạch triển khai việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, có các nội dung hết sức cụ thể. Do đó, nhiều vấn đề bức xúc, nổi cộm được cấp ủy, chính quyền tập trung giải quyết triệt để; nhiều địa phương, đơn vị chọn khâu đột phá là tập trung quyết liệt đổi mới cách thức lãnh đạo, điều hành công việc, đẩy mạnh cải cách hành chính, quan tâm công tác cán bộ, xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Ban Tuyên giáo Trung ương quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền về những mô hình mới, cách làm hay, những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện Chỉ thị 05, ban hành nhiều kế hoạch, hướng dẫn đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tuyên truyền trên báo chí. Từ đó, đã tạo ra sự vào cuộc tích cực của các cơ quan Trung ương, các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương trong tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, tuyên truyền mặt tích cực, góp phần quan trọng trong việc nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả, lan tỏa những tấm gương điển hình tiên tiến, làm cho việc thực hiện Chỉ thị 05 ngày càng đi vào chiều sâu, có kết quả thực chất. Công tác phát hiện, tuyên truyền gương người tốt, việc tốt được cấp uỷ quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh hơn, có nhiều hơn các gương điển hình được tuyên dương ở các cấp.
Nhiều cấp ủy tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc nhắc nhở việc thực hiện Chỉ thị 05; phát huy, nhân rộng các mô hình hiệu quả, xây dựng mô hình mới, khuyến khích cách làm sáng tạo để tuyên truyền việc học tập và làm theo Bác trong nhân dân.
Đồng chí Võ Văn Thưởng khẳng định, kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW đã góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp.
Nở rộ các phong trào học và làm theo gương Bác
Thời gian qua, Chính phủ và nhiều ban, ngành, địa phương đã có nhiều cách làm hay, tổ chức nhiều cuộc vận động, phong trào thi đua thiết thực, như: Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động; Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội Cụ Hồ”, mô hình “Tự soi, tự sửa”, “Làm việc theo chức trách, nêu gương trong hành động”; “Trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo”; “Đảng viên dìu dắt quần chúng” của Quân ủy Trung ương. Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” của Đảng ủy Công an Trung ương; Phong trào thi đua “Dân vận khéo” của Ban Dân vận Trung ương; Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam….
|
Nhiều Tỉnh ủy, Thành ủy đã tuyên dương, khen thưởng cho các tập thể, cá nhân học tập và làm theo gương Bác. (Ảnh: Báo Kon Tum) |
Mỗi địa phương một cách làm sáng tạo
Trong thực tiễn triển khai Chỉ thị, nhiều cấp ủy, địa phương đã có những cách làm sáng tạo, lựa chọn nhiều vụ việc nổi cộm để giải quyết ngay từ cơ sở. Điển hình như tại Nghệ An – quê hương của Bác, tỉnh đã chủ trương lựa chọn những “điểm nghẽn” trong lãnh đạo, điều hành; những hạn chế, khuyết điểm có tính phổ biến, gây bức xúc trong dư luận xã hội của cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng để đưa vào những nội dung cần khắc phục trong kế hoạch thực hiện Chỉ thị 05 và các chuyên đề hàng năm. Gắn việc thực hiện Chỉ thị 05 với việc thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp, với thực hiện nhiệm vụ chính trị, giải quyết có hiệu quả những vấn đề thực tiễn đặt ra, nhất là những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân trên địa bàn…
Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Hà Nội đã đạt được 5 kết quả nổi bật, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm mới, kinh nghiệm quý. Đặc biệt, Thành ủy Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, nhất là những việc bức xúc, nổi cộm, các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trước mắt cũng như lâu dài; phát huy được vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị đã và đang trở thành việc làm thường xuyên, nền nếp, tự giác trong sinh hoạt chi bộ và trong công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Mặt khác, việc đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW gắn với thực hiện hai quy tắc ứng xử của thành phố, đẩy mạnh cải cách hành chính đã tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thủ đô.
Tỉnh Lai Châu với chương trình hành động đổi mới phương thức lãnh đạo, tác phong, lề lối làm việc; phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Tỉnh Sơn La với chương trình siết chặt kỷ luật, kỷ cương, cải thiện môi trường đầu tư; đẩy mạnh quy trình sản xuất tiêu chuẩn, xây dựng chuỗi giá trị trên một số sản phẩm nông sản có lợi thế. Tỉnh Hải Dương thực hiện nghiêm quy chế làm việc, xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ cương, nâng cao đạo đức công vụ.
Học và làm theo gương Bác, tỉnh Lào Cai nêu cao tinh thân gương mẫu của cán bộ, đảng viên, quy định trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong từng lĩnh vực, gắn với thực hiện có hiệu quả Quy chế quản lý đô thị, Quy tắc ứng xử văn hóa văn minh đô thị trên địa bàn thành phố.
Tỉnh Hòa Bình, tăng cường đối thoại với nhân dân, chú trọng giải quyết các vấn đề nổi cộm, bức xúc, được dư luận quan tâm như: Đất đai, tôn giáo, sự cố y khoa...Tỉnh Nam Định đề ra chương trình nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, công trình trọng điểm, tạo nền tảng tiền đề cho sự phát triển đột phá về kinh tế; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh; chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, nâng cao đạo đức công vụ...
Thực hiện Chỉ thị 05, tỉnh Gia Lai xác định 04 nội dung đột phá: Nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ; Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao đạo đức công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Phát huy vai trò của nhân dân.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh tập trung thực hiện hiệu quả 7 chương trình đột phá: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; cải cách hành chính; nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh; giảm ùn tắc, tai nạn giao thông; giảm ngập nước; giảm ô nhiễm môi trường; chỉnh trang và phát triển đô thị.
Thông qua việc học và làm theo gương Bác, nhiều cơ quan, đơn vị chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tăng cường kỷ cương hành chính; đổi mới phong cách công tác; chống nhũng nhiễu, tiêu cực. Bên cạnh đó, các cơ quan hành chính, quản lý nhà nước quan tâm tổ chức thực hiện các chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ... Nhiều địa phương, tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền. Theo đó, cán bộ đứng đầu cấp ủy, chính quyền thực hiện việc định kỳ trao đổi, đối thoại với nhân dân, doanh nghiệp, nhằm kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người dân, giúp cho việc lãnh đạo của cấp ủy, điều hành của chính quyền các cấp sát đời sống, gần dân, góp phần xây dựng chính quyền liêm chính, vững mạnh. Qua đó, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, mang lại sự thống nhất và đoàn kết trong nội bộ, đồng thuận trong nhân dân, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị ở mỗi địa phương, đơn vị.
|
Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn cảm hứng sáng tác bất tận của các văn, nghệ sỹ, các nhà báo. Trong ảnh: Lễ trao giải sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2020. (Ảnh: HH) |
Theo báo cáo của tỉnh Bạc Liêu, thực hiện Chỉ thị 05 tại địa phương, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị đã có nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, thiết thực như: Mô hình “Ba cần, ba nên và ba không” (Ba cần: Cần gần dân và sát cơ sở, cần học hỏi lắng nghe ý kiến của dân, cần vận động nhân dân cùng lo và cùng làm; Ba nên: Nên vui vẻ khi tiếp xúc, phục vụ nhân dân; nên xin lỗi dân khi thấy thiếu sót; nên cảm ơn dân khi dân góp ý phê bình; Ba không là: Không gây phiền hà với dân; không thờ ơ thiếu trách nhiệm công việc với dân; không nhận hối lộ, sách nhiều, tham nhúng với dân)...
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang yêu cầu, cứ ba đơn vị phải lựa chọn để xây dựng điển hình là một cán bộ lãnh đạo. Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức cho cấp trưởng và cấp phó các ngành, địa phương thuộc Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý ký bản cam kết trong đó nhấn mạnh việc nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác hành chính của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Để phát huy vai trò giám sát của Nhân dân, nhiều địa phương đã công khai bản cam kết thực hiện Nghị quyết TW 4 khóa XII và Chỉ thị 05-CT/TW của Bí thư Tỉnh ủy, bí thư cấp ủy cấp huyện, bí thư, chủ tịch UBND cấp xã trên phương tiện thông tin đại chúng để cán bộ, đảng viên, nhân dân giám sát… Qua đó, hầu hết cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu nêu cao ý thức gương mẫu bằng những hành động thiết thực, cụ thể; khắc phục hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm theo Nghị quyết TW 4 khóa XII; tăng cường đoàn kết nội bộ, thể hiện trách nhiệm cao hơn với công việc được giao. Nhiều cơ quan, đơn vị thiết lập đường dây nóng thông qua các số điện thoại của lãnh đạo, cán bộ lắng nghe người dân phản ánh thông tin mang tính bức xúc để kịp thời giải quyết…
Khẳng định những kết quả đạt được trong học tập và làm theo gương Bác những năm qua và định hướng trong thời gian tới, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: “Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nguyện giữ gìn, phát huy để giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mãi mãi là tài sản tinh thần to lớn, quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi sáng con đường cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, làm nền tảng vững chắc cho sự nghiệp xây dựng cơ đồ ngàn năm của non sông, đất nước chúng ta”./.
Bài 3: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trên quê hương Bác