Bí thư huyện ủy Mù Cang Chải, Nông Việt Yên (thứ 2 từ trái qua)
kiểm tra giống cây trồng. (Ảnh:ĐT)
Mô hình “Ngày cuối tuần cùng dân” ở Mù Cang Chải
Bí thư huyện ủy Nông Việt Yên là lãnh đạo trẻ đầy nhiệt huyết, tuy thời gian nhận công tác tại Mù Cang Chải (Yên Bái) chưa lâu, nhưng trước thực tế là huyện có rất nhiều khó khăn (huyện nghèo 30a) nhưng anh cho rằng, không phải không có những tiềm năng, cơ hội để thoát nghèo làm giàu, đó là điều làm anh trăn trở, suy nghĩ rất nhiều, là làm sao phát huy các giá trị tích cực để phát triển. Anh cho rằng, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng lợi chính là phương châm hành động của Đảng. Cho nên trước hết cán bộ, đảng viên phải gần dân, cùng dân, lắng nghe dân để dân hiểu và làm cho họ tin theo mình; người dân tộc chỉ cần “ưng cái bụng” là “ruột gan” họ bộc bạch hết mình ngay. Chính điều đó đã thôi thúc anh cùng tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy bàn bạc, thảo luận cho ra đời mô hình “Ngày cuối tuần cùng dân”. Anh cho rằng triển khai thực hiện mô hình này phải cụ thể, thiết thực, sát với yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị; làm chuyển đổi rõ nét những việc mới, việc khó cần tập trung giải quyết, với phương châm “làm hết việc, chứ không làm hết giờ”.
Cụ thể là Bí thư, Phó Bí thư, Ủy viên Ban Thường vụ; cấp ủy viên cấp huyện và cơ sở, lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện dự sinh hoạt với đảng ủy cơ sở và chi bộ bản, tổ dân phố và chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở; cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trên địa bàn huyện dành ít nhất mỗi tháng 02 ngày cuối tuần (thứ 7 hoặc chủ nhật) để xuống xã, bản, từng hộ dân ở địa bàn. Hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững, xóa nhà dột nát, xây dựng các tổ tự quản ở cộng đồng dân cư; nâng cao cảnh giác trước các luận điệu xuyên tạc, âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, truyền đạo và sinh hoạt tôn giáo trái pháp luật...; xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, phòng chống tảo hôn và thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình; bảo vệ môi trường sống, ăn sạch, ở sạch, uống sạch...
Ngày 29/6/2019, mô hình “Ngày cuối tuần cùng dân” chính thức được triển khai tại các xã: Chế Cu Nha, La Pán Tẩn, Kim Nọi, với 856 người tham gia trong đó có 310 cán bộ, đảng viên và 546 người dân địa phương. Tại các địa phương triển khai mô hình, lãnh đạo, cán bộ, đảng viên đã tới cùng tham dự buổi sinh hoạt chi bộ thôn, bản.
Đặc biệt, cán bộ, đảng viên đã cùng bà con tiến hành dọn dẹp làm vệ sinh phát quang đường làng, ngõ xóm, nhà văn hóa thôn bản, khơi thông cống rãnh thoát nước trên các tuyến đường liên thôn, liên bản; đan và đặt 15 thùng rác, vận động dân thu gom, xử lý rác, xây dựng môi trường xanh-sạch-đẹp. Ngày đầu tiên triển khai, nhưng mô hình “Ngày cuối tuần cùng dân” đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân. Với cách làm mới này của Huyện ủy Mù Cang Chải đã tạo không khí vui tươi phấn khởi, thực sự trở thành ngày hội cuối tuần của cán bộ, đảng viên với dân.
Để ghi nhận những ý kiến của người dân về hiệu quả của mô hình này, anh Giàng Seo Sính ở bản Tà Sung, xã Cao Phạ cho biết: “Nhà mình nghèo lắm, không đủ ăn tiêu vì ít ruộng. Nghe tin ngày nghỉ cuối tuần cán bộ lên bản giúp dân khai hoang ruộng nước, mình rất vui. Mình và các hộ dân trong bản thấy được lợi ích và việc làm thiết thực của cán bộ nên đã tham gia tích cực để có thêm ruộng trồng ngô, lúa có cái ăn”. Giàng Seo Sính nói về việc làm gương mẫu của cán bộ: “Đó là chị Phó Bí thư Đảng bộ xã Cao Phạ - Đinh Thị Hường ( sinh năm 1987) mà ngày nghỉ còn lên bản, xuống ruộng giúp dân, cùng người dân tham gia khai hoang chúng tôi biết ơn lắm”. Chị Đinh Thị Hường chia sẻ “Cao Phạ là xã khó khăn, diện tích đất canh tác nông nghiệp ít, tư duy của một bộ phận đồng bào còn chậm đổi mới, nhiều đôi còn vi phạm Luật Hôn nhân gia đình, sinh con thứ 3, tảo hôn…Vì vậy, “Ngày cuối tuần cùng dân” là cơ hội để mỗi cán bộ, đảng viên trong đảng bộ tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và định hướng cho nhân dân trong phát triển kinh tế, xã hội”. Chia sẻ cảm xúc “Ngày cuối tuần cùng dân”, ông Sùng Mí Say 63 tuổi ở bản Lả Khắt cho biết: “Lâu lắm rồi tôi mới thấy ngày cuối tuần cán bộ về bản cùng dân làm những việc có ý nghĩa, qua đây người dân được trực tiếp trao đổi, góp ý với cán bộ về những việc làm thiết thực, cụ thể trong cuộc sống, sinh hoạt”.
Chưa bao giờ anh Hoàng Văn Pẳn ở bản Tà Sung xã Cao Phạ vui và xúc động như thế khi được cán bộ và đoàn viên thanh niên trong ngày thứ bảy đã giúp gia đình anh khai hoang được 1,5 ha ruộng bậc thang. Anh Pẳn chia sẻ: “Nhà mình ít ruộng lắm, nghèo lắm. Nghe tin ngày nghỉ cán bộ lên bản giúp dân khai hoang ruộng nước mình rất vui. Mình và rất nhiều hộ dân trong bản thấy được lợi ích và việc làm thiết thực của cán bộ nên đã tham gia tích cực để có thêm ruộng trồng lúa, đồng bào biết ơn lắm, cảm động lắm!”.
Đúng là tư duy mới, cách nghĩ mới, việc gì có lợi cho dân thì làm, nên cũng như nhiều cán bộ, đảng viên khác trong xã, chị Đinh Thị Hường - Phó Bí thư Thường trực Đảng bộ xã Cao Phạ là điển hình tích cực trong việc thực hiện mô hình "Ngày cuối tuần cùng dân” do Huyện ủy Mù Cang Chải đề ra.
Trực tiếp kiểm tra việc thực hiện mô hình “Ngày cuối tuần cùng dân” tại xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, đây là mô hình tốt làm cho Đảng gần dân, dân tin Đảng, do đó cần triển khai rộng, có chiều sâu, để mô hình này đi vào cuộc sống và cần có tư duy mới, cách làm luôn mới để giữ “lửa” cho mô hình.
Tư duy mới, hành động vì dân
Buổi họp của Hội quán Tân Thuận Tây tại xã Tân Thuận Tây,
thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: PC)
“Nghề nông vì sao bị xếp chiếu dưới?”, là những suy nghĩ trăn trở của Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan, ông cho rằng: Ai là đội quân làm nên thanh bình cho xứ sở này nếu không là lực lượng nông dân và từ nông thôn? Vậy nông dân có quyền được sống tốt, đó là điều không thể phủ nhận.
Suy nghĩ ấy đã thôi thúc ông là “không thể bỏ rơi người nông dân”, để giúp họ cần có tư duy tìm ra một hướng đi mới, cách làm mới cho người nông dân trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0. Với mô hình hội quán đầu tiên và phát triển rộng khắp tỉnh Đồng Tháp, người nông dân đã dần thay đổi tư duy sản xuất nhỏ lẻ, cùng nhau áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất tạo ra sản phẩm có chất lượng mang đậm chất truyền thống làng quê. Ông cho rằng, cùng với công nghệ sẽ làm thay đổi trong cách quản lý của hệ thống chính trị nhất là ở cơ sở, gần dân, sát dân hơn lấy người nông dân là trung tâm.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan cho biết, ông đang có ý tưởng xây dựng “Làng thông minh” trên cơ sở của các hội quán. Ông bảo, người ta đang xây dựng đô thị thông minh, vậy tại sao mình không có làng thông minh? Ở đó sẽ gắn kết tình làng nghĩa xóm với nhau bằng công nghệ; đưa các loại dịch vụ về làng, như giáo dục, y tế…đến tận nhà của người nông dân. Thậm chí thương mại điện tử cũng được người nông dân tiếp cận. Ở đó, người nông dân sẽ thực hiện “ba cùng”: Cùng nhau tạo môi trường sống tốt; cùng nhau quản lý môi trường và cùng nhau thụ hưởng môi trường.
Muốn làm được như vậy, theo ông, phải có một kế hoạch phù hợp để đào tạo người nông dân từng bước tiếp cận với những kiến thức mới lạ, bằng cách lồng ghép tuyên truyền, giáo dục vào trong các buổi sinh hoạt của các hội quán. Chính ông là người đưa hạ tầng internet về cho các hội quán sử dụng, và bằng nhiều nguồn, ông đã đi xin máy tính, điện thoại thông minh…mang về phân phát cho các chủ nhiệm hội quán để tiếp cận với khoa học kỹ thuật, ứng dụng vào chăn nuôi, trồng trọt và phổ biến kiến thức cho các hội viên.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan được mọi người biết đến với tác phong dân dã, với ông là người lãnh đạo lâu năm có góc nhìn đa chiều, sắc sảo về nông dân. Đặc biệt, ông dành rất nhiều tình cảm để quan tâm đến nông dân, tình cảm ấy rất gần gũi qua những cử chỉ việc làm bình thường, như cùng ngồi ăn cơm chung dưới đất với nông dân không cần bàn ghế để đắm mình trong dân, cùng bàn về câu chuyện thường nhật của nông dân...
Ông Sáu Hoan tâm sự, hầu như ông không có thứ bảy, chủ nhật. Những ngày không họp hành, ngày nghỉ, thường dành thời gian cho hội quán, về với bà con, dù ở những miệt vườn tít tắp cuối tỉnh. Chính từ đây mà Bí thư Tỉnh ủy đã tìm hiểu và nắm được khá rõ những bí thư, chủ tịch xã nào làm việc hiệu quả hay không? Cán bộ nào gần dân hay xa dân? Những bức xúc của người dân là gì?, thông qua đó ông Lê Minh Hoan yêu cầu trách nhiệm chính quyền, đoàn thể phải thay đổi tư duy trước để lãnh đạo nông dân. “Cần bám sát cuộc sống, gần gũi nông dân, nói bằng ngôn ngữ nông dân, không phải lên bục, diễn đàn nói thao thao bất tuyệt. Nói theo cái của mình nhưng chưa chắc đã là cái còn đúng”, ông Hoan nhấn mạnh.
Với phong trào “Về làng” do ông phát động tới toàn thể cán bộ, đảng viên từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Theo ông, khi cán bộ về với dân, lắng nghe và tìm hiểu cuộc sống của người dân, san sẻ khó khăn với người dân, lúc đó mới biết người dân cần gì? muốn gì, thiếu gì để rồi tìm cách giúp họ. “Có trách là trách chúng ta chưa làm cho bức tranh nông nghiệp, nông dân, nông thôn tươi sáng, nghề nông, người nông dân vẫn được trân quý”, ông Lê Minh Hoan chia sẻ.
Ông Lê Minh Hoan thẳng thắn chỉ ra nhiều tồn tại hiện nay như: Phát nhiều mà không có động, ông dẫn chứng ngay ở xứ mình mỗi tuần, mỗi tháng, mỗi năm không biết có ai đếm được có bao nhiêu lễ phát động hưởng ứng chủ đề gì đó, kêu gọi cộng đồng chung tay thực hiện việc gì đó?
“Đã có lễ rồi thì thế nào cũng có phần hội. Rồi thì thế nào cũng rợp trời cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu. Rồi thì đồng phục áo vàng, áo xanh, áo trắng. Rồi thì có diễn văn khai mạc, phát biểu hứa hẹn. Rồi thì diễu hành khắp phố phường. Nhưng có ai đó đã tổng kết, rất nhiều chuyện có phát nhưng không thấy động", ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Lãnh đạo gần dân, tất nhiên không phải lúc nào cũng phải xắn quần lội ruộng, hay đi xe máy. Nhưng thực tế, là chỉ khi thực sự lội ruộng, đồng cam cộng khổ với dân người ta mới có động lực để nghĩ. Đủ thấm thía để hành động, thay đổi. Nhất là lãnh đạo. Chứ không thể cứ ung dung xe ô tô máy lạnh, lái xe đưa đi về thong dong bằng xe gắn biển xanh ưu tiên, có còi hụ dẫn đường… với những đặc quyền riêng.
Và thực tế tại tỉnh Đồng Tháp, khi hàng chục năm qua Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh và nhiều cán bộ sở, ngành vẫn đến công sở bằng xe máy. Như tâm sự với báo chí của ông Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan rằng “trời mát mẻ đi xe máy thích hơn... Vì dễ dàng vào các khu dân cư nhìn cuộc sống của bà con”. Gặp các hiện tượng cần chấn chỉnh là chụp lại gửi cho cán bộ liên quan để xử lý. Tư duy cộng với quyết tâm thực sự của các bậc làm quản lý. Không hành động, không xắn tay vào làm thì bao giờ mới chuyển biến? Chẳng lẽ cứ loay hoay với triết lý “con gà - quả trứng”, đến khi nào nữa?
Hai con người, một trẻ, một già, hai vùng miền khác nhau, người ở vùng cao huyện nghèo Mù Cang Chải (huyện 30a), người ở vùng đồng bằng sông nước Cửu Long tỉnh Đồng Tháp nhưng cả hai gặp nhau cùng tấm lòng người cộng sản luôn cháy bỏng khao khát một ước muốn là làm cho dân đỡ khổ, thoát nghèo vươn lên làm giàu ngay chính quê hương mình.
Hai con người ấy đã đánh thức, thắp lên hy vọng về cuộc sống tốt đẹp của người nông dân thông qua những quyết sách của mình, hình ảnh cán bộ, đảng viên ngày cuối tuần cùng dân đầy xúc động nó làm cho người dân thấy vui hơn khi thấy mình được mọi người quan tâm, hỏi han, động viên. Sự quan tâm ấy như tiếp thêm nghị lực để người dân vượt lên khó khăn thoát đói nghèo và làm giàu. Đồng thời đã khắc phục được tình trạng xa dân, tạo lên sự gắn kết tin tưởng giữa Đảng với dân và dân với Đảng. Chúng ta mong cho vùng quê ấy luôn giữ được tư duy mới, cách làm luôn mới để giữ “lửa” cho mô hình./.
(Bài 4: Không thuốc “đặc trị” sẽ thành “bệnh mãn tính”)