|
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương thăm Trung tâm Khám phá khoa học Quy Nhơn, Bình Định. |
Đây là khẳng định của đồng chí Nguyễn Phi Long, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khi nói về kết quả qua gần 18 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 16/8/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về “phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2010” và Kết luận 25-KL/TW ngày 02/8/2012 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Phi Long cho biết, ngay sau khi tiếp thu Nghị quyết 39-NQ/TW và Kết luận 25-KL/TW của Bộ Chính trị ,Tỉnh ủy Bình Định đã kịp thời cụ thể hóa, xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện.
Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tổ chức nghiên cứu, phổ biến, quán triệt nội dung Nghị quyết 39-NQ/TW và Kết luận 25-KL/TW đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân; qua đó giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển tỉnh Bình Định cùng các tỉnh thuộc vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ, đặc biệt là các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung phát triển mọi mặt về kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân; giữ vững sự ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, qua gần 18 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW và Kết luận 25-KL/TW , tỉnh Bình Định đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Trong đó, quy mô kinh tế (GRDP) không ngừng tăng trưởng, năm 2020 đạt 89.793 tỷ đồng, tăng 10,99 lần so với năm 2004 và đến năm 2021 đạt 95.311 tỷ đồng, tăng 11,67 lần so với năm 2004, chiếm 7,62% quy mô kinh tế cả vùng và xếp thứ 6/14 tỉnh trong vùng.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Bình Định giai đoạn 2004 - 2010 là 10,85% và giai đoạn 2010 - 2021 là 6,11%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: Giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Tổng sản phẩm địa phương bình quân đầu người (GRDP/người) năm 2021 là 63,19 triệu đồng, tăng 3,49 lần so với năm 2010 (18,07 triệu đồng/người) và bằng 97,9% GDP bình quân đầu người cả nước.
Thu ngân sách nhà nước đạt kết quả khá, với mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2005-2020 là 18,4%/năm. Cơ cấu vốn đầu tư đã có bước chuyển dịch theo hướng giảm dần vốn đầu tư từ khu vực nhà nước, tăng dần vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước. Năng suất lao động ngày một cải thiện và tăng dần qua các năm.
|
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và lãnh đạo tỉnh Bình Định thực hiện nghi thức khởi công dự án đường ven biển tỉnh Bình Định, tháng 4/2022. |
Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 5.910 doanh nghiệp đang hoạt động, với quy mô vốn đăng ký bình quân 14 tỷ đồng/doanh nghiệp; có 249 hợp tác xã (trong đó có 189 hợp tác xã nông nghiệp và 60 hợp tác xã phi nông nghiệp).
Toàn tỉnh đã thu hút 86 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 1,08 tỷ USD; đóng góp vào ngân sách của các doanh nghiệp này tăng trưởng khá qua các năm.
Bình Định cũng đã duy trì và tăng cường hợp tác phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh với các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Trong đó, đã ký kết hợp tác với các tỉnh Bình Dương, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum, Hà Tĩnh, TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên với 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Phú Yên và Quảng Ngãi... Trong quá trình hợp tác với các tỉnh đã thường xuyên trao đổi thông tin, kinh nghiệm về quy hoạch, kế hoạch và các cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, chia sẻ danh mục các dự án đầu tư của địa phương để xúc tiến mời gọi các nhà đầu tư; định kỳ trao đổi thông tin về xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch.
Nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, thế trận biên phòng toàn dân ngày càng được củng cố, tăng cường. Kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng - an ninh với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng cho rằng: Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW và Kết luận 25-KL/TW trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế, yếu kém. Trong đó chủ yếu là tốc độ tăng trưởng kinh tế mặc dù tăng khá, song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa tạo được sự bứt phá, nhất là phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh kinh tế còn thấp, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm.
Hoạt động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp có bước phát triển khá song chưa bền vững; quy mô, năng lực sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán; thiết bị công nghệ một số ngành, doanh nghiệp đã lạc hậu nhưng chậm được đổi mới, đầu tư.
Công tác quản lý nhà nước về đất đai ở một số địa phương, nhất là ở cấp cơ sở còn chưa chặt chẽ, các vi phạm vẫn còn xảy ra. Công tác cải cách hành chính có lúc, có nơi hiệu quả chưa cao; năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.
|
Cảng Quy Nhơn (Bình Định) - một trong những cảng nước sâu lớn nhất tại miền Trung. |
Trong thời gian tới, để tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 39-NQ/TW và Kết luận 25-KL/TW , Tỉnh ủy Bình Định xác định sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp lớn như: Tập trung mọi nguồn lực, đẩy mạnh phát triển đồng bộ cả 5 trụ cột tăng trưởng của tỉnh, gồm: Công nghiệp; Du lịch; Dịch vụ cảng và logistics; Nông, lâm nghiệp - thủy sản dựa trên công nghệ cao và Kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa, cùng với chú trọng thực hiện có hiệu quả 03 khâu đột phá tạo động lực cho phát triển kinh tế đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh.
Phát triển, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng dịch vụ - du lịch, văn hóa - xã hội, công nghệ thông tin.
Chú trọng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, liên kết vùng, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng vùng và tăng cường liên kết giữa các vùng, các địa phương trong quá trình phát triển, nhất là Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng dạy và học. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, chú trọng thu hút, đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Thực hiện tốt chương trình phát triển khoa học và công nghệ, tạo nền tảng để tỉnh phát triển nhanh, bền vững. Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số gắn với xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư.
Phát triển các thành phần kinh tế; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, ưu tiên các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp thích ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Tiếp tục phát triển sự nghiệp văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, tập quán tốt đẹp. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh thấp hơn tỷ lệ hộ nghèo bình quân của cả nước.
Thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, thế trận biên phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh ngày càng vững chắc.
Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ. Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ về số lượng và bảo đảm về tiêu chuẩn, chất lượng. Chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chính trị tư tưởng. Tăng cường công tác nội chính; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, Mặt trận và các đoàn thể; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân…./.