Đà Nẵng: Kết quả bước đầu sau 05 năm thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị

Thứ tư, 13/03/2024 17:31
(ĐCSVN) – Tại Hội nghị, các đại biểu và nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã phát biểu, đánh giá những thành tưụ, bài học kinh nghiệm; lưu ý các nguyên dân dẫn đến nhữung thành công bước và và những tồn tại, hạn chế sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW; đồng thời nêu lên những kiến nghị, đề xuất để Đà Nẵng tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết kể trên của Bộ Chính trị.

Đông đảo đại biểu đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương và các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp, trường đại học… tham dự Hội nghị. 

Chiều 13/3, tại Đà Nẵng, Ban Kinh tế Trung ương và Thành uỷ Đà Nẵng phối hợp tổ chức Hội nghị sơ kết 05 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tham dự Hội nghị có đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh uỷ vùng Bắc Trung bộ, duyên hải Trung bộ; các chuyên gia, nhà khoa học; đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp, trường đại học trên địa bàn TP Đà Nẵng; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương thuộc TP Đà Nẵng…

Phát huy ý nghĩa chiến lược và tầm quan trọng của Nghị quyết 43-NQ/TW

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng cho biết: Trên cơ sở tổng kết, đánh giá 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16/10/2003, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019. Đây là văn kiện chính trị có tính định hướng quan trọng, lâu dài, mở ra nhiều cơ hội, tiềm năng lớn để TP Đà Nẵng phát triển trong giai đoạn mới.

Nhận thức được ý nghĩa chiến lược và tầm quan trọng đó, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP Đà Nẵng đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan Trung ương tập trung quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết. Đến nay bước đầu đã thu được một số kết quả quan trọng, nhất là phối hợp với các cơ quan Trung ương trình cấp có thẩm quyền xem xét ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách, quy hoạch như: Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, Nghị định số 34/2021/NĐCP ngày 29/3/2021 của Chính phủ về quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 119/2020/QH14, Quyết định số 359/QĐ-TTg 15/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 02/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050…

Đồng thời, thành phố cũng bám sát và gắn kết chặt chẽ việc thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với nhiều định hướng quan trọng như: Xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quốc tế quy mô cấp vùng; phát triển kinh tế biển, cảng hàng không gắn với dịch vụ logistics và trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực; trở thành hạt nhân của trung tâm y tế chuyên sâu, trung tâm văn hóa, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực; xây dựng Đại học Đà Nẵng trở thành Đại học Quốc gia; và trong thời gian gần đầy thành phố đang tích cực tập trung đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Thực hiện các nhiệm vụ trên, đến thời điểm hiện tại Đà Nẵng đã thực hiện thành công mô hình chính quyền đô thị; kinh tế TP tiếp tục có bước phát triển, cơ cấu chuyển dịch theo hướng hiện đại với tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm hơn 70% trong tỷ trọng GRDP; TP liên tục đạt được nhiều kết quả quan trọng trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng TP thông minh; quốc phòng, anh ninh được giữ vững, đời sống Nhân dân tiếp tục được cải thiện với nhiều chính sách mới mang tính nhân văn. Đây là những cơ sở quan trọng để TP có thể phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới và cũng là những kết quả minh chứng cho Nghị quyết số 43-NQ/TW đang dần đi vào cuộc sống.

Theo Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng: Đến nay Đà Nẵng đã thực hiện thành công mô hình chính quyền đô thị .

Đề xuất cho áp dụng chính thức mô hình chính quyền đô thị

Bên cạnh một số kết quả đạt được kể trên, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng cũng thẳng thắn cho biết là TP tự nhận thấy quá trình thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đạt được các mục tiêu như kỳ vọng. Trong đó tăng trưởng kinh tế chưa cao, thiếu ổn định, quy mô kinh tế chưa có sự bứt phá; việc huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế….

“Những hạn chế, tồn tại nêu trên, bên cạnh nguyên nhân khách quan do bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước không thuận lợi, tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 và diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, thì các nguyên nhân mang tính chủ quan vẫn là cơ bản. Đó là trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tập trung nhiều vào công tác phòng, chống dịch bệnh, bão lũ và phục hồi kinh tế sau đại địch. Trong cùng một thời điểm, TP phải giải quyết, khắc phục nhiều kết luận thanh tra, bản án gây lãng phí các nguồn lực, ảnh hưởng môi trường đầu tư. Chưa có cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, phù hợp và chưa tạo ra nguồn lực lớn để thực hiện tốt các mục tiêu đề ra”- đồng chí Nguyễn Văn Quảng cho biết và khẳng định: Hội nghị sơ kết hôm nay là cơ hội để TP tiếp tục phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tiếp thu, bổ sung, hoàn thiện Đề án để báo cáo Bộ Chính trị ngay trong tháng 3/2024, trong đó tập trung nêu bật những kết quả đạt được sau 05 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW; chỉ ra được những khó khăn, vướng mắc, những nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan cũng như các bài học kinh nghiệm. Đặc biệt, trên cơ sở này sẽ tham mưu Bộ Chính trị ban hành Kết luận về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW, trong đó, đề xuất Bộ Chính trị ủng hộ, thống nhất chủ trương chỉ đạo các cơ quan Trung ương quan tâm, xem xét ban hành một số cơ chế, chính sách mới, mang tính đặc thù tạo động lực phát triển mới cho sự phát triển phù hợp với yêu cầu và đặc điểm của TP.

Cùng với những đánh giá, kỳ vọng trên, đồng chí Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng cũng cho hay, qua 03 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14, việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn TP Đà Nẵng phát huy tính ưu việt của mô hình; qua đó, TP mạnh dạn đề xuất với Trung ương xem xét cho TP áp dụng chính thức mô hình chính quyền đô thị trong thời gian đến.

 Năng suất lao động cao nhất trong vùng

Báo cáo sơ kết tại Hội nghị, đại diện Ban Kinh tế Trung ương cho biết, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết, phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh TP Đà Nẵng đạt được một số kết quả quan trọng. Trong đó, kinh tế của TP có bước phát triển. Quy mô kinh tế tiếp tục được mở rộng; tăng trưởng kinh tế được duy trì, chất lượng tăng trưởng được cải thiện với năng suất lao động cao hơn bình quân cả nước và cao nhất trong vùng (đạt 211,8 triệu đồng/lao động), mức độ tập trung kinh tế ngày càng cao, gấp 3-4 lần so cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại với tỷ trọng khu vực dịch vụ và công nghiệp chiếm gần 90% trong GRDP Thành phố (các số liệu năm 2023); một số ngành, lĩnh vực có bước phát triển khá, hướng tới là trung tâm vùng, nhất là thương mại, dịch vụ, du lịch biển.

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn báo cáo kết quả 05 năm thực hiện Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cùng với kết quả trên, không gian và tiềm năng kinh tế biển Đà Nẵng từng bước được khai thác và phát huy hiệu quả. Hệ thống kết cấu hạ tầng tiếp tục được đầu tư theo hướng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; đô thị phát triển theo mô hình đô thị nén hiện đại với tỷ lệ đô thị hoá đạt 87,45%, cao nhất cả nước. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh gắn với thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đạt nhiều kết quả quan trọng. Liên kết, hợp tác được quan tâm, nhất là về phát triển đô thị, du lịch, khoa học, công nghệ, giáo dục - đào tạo, y tế, công nghệ thông tin.

Văn hóa, xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế đều có bước phát triển; đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Hệ thống giáo dục và đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quan tâm đầu tư và nâng cao chất lượng. Nhiều việc làm mới được tạo ra; tỷ lệ hộ nghèo đạt mức thấp; công bằng xã hội được bảo đảm. Khoa học công nghệ có bước phát triển, nghiên cứu, đào tạo thiết kế trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn và phát triển trí tuệ nhân tạo được chú trọng... Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu có nhiều chuyển biến tích cực.

Quốc phòng, an ninh được bảo đảm; chủ quyền biển đảo của Tổ quốc được bảo vệ vững chắc. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng; tổ chức mô hình chính quyền đô thị gắn với đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền bước đầu phát huy tính ưu việt; bộ máy hành chính được đổi mới theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nhiều cơ chế, chính sách mới, đặc thù được ban hành triển khai hiệu quả; hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đạt các kết quả tích cực.

Đại diện các chuyên gia, nhà khoa học phát biểu, trao đổi tại Hội nghị

Có 8/16 chỉ tiêu có khả năng khó hoàn thành

Tuy nhiên, theo Ban Kinh tế Trung ương, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW, phát triển kinh tế- xã hội TP Đà Nẵng còn nhiều khó khăn; có 8/16 chỉ tiêu có khả năng khó hoàn thành nếu không có quyết tâm cao và nỗ lực lớn. Định hướng xây dựng TP Đà Nẵng trở thành trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; là một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của đất nước còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu đặt ra; vai trò trung tâm vùng, thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung-Tây Nguyên còn khiêm tốn….

Phát triển văn hóa, xã hội còn một số bất cập. Đầu tư cho các thiết chế văn hóa còn thấp; hạ tầng một số cơ sở y tế chưa đồng bộ; chất lượng khám, chữa bệnh, phát triển kỹ thuật mới còn hạn chế; tình trạng quá tải bệnh viện còn diễn ra; đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia còn chậm … Nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Tình hình an ninh, trật tự có nơi, có lĩnh vực còn phức tạp. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực, trong từng giai đoạn còn yếu kém và khuyết điểm.

Tại Hội nghị, các đại biểu và nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã phát biểu, đánh giá những thành tưụ, bài học kinh nghiệm; lưu ý các nguyên nhân dẫn đến những thành công bước đầu và những tồn tại, hạn chế sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW; đồng thời nêu lên những kiến nghị, đề xuất để Đà Nẵng tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Bộ Chính trị./.

Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực