Đảng ủy Bộ LĐ-TB&XH quán triệt bài viết của Tổng Bí thư

Thứ sáu, 15/03/2024 15:02
(ĐCSVN) - Hội nghị giúp các cán bộ, đảng viên và người lao động trong Đảng bộ Bộ LĐ-TB&XH hiểu sâu sắc bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng"; qua đó, củng cố thêm niềm tự hào dân tộc, truyền thống lịch sử, tinh thần yêu nước,...

Sáng 15/3, Đảng ủy Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức Hội nghị quán triệt bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến anh hùng” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tham dự Hội nghị có: Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy Bộ, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng; Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan; Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ Lê Văn Hoạt; cấp uỷ các đảng bộ, chi bộ trực thuộc Đảng uỷ Bộ; Bí thư Chi bộ, đảng bộ cơ sở; cán bộ, đảng viên giữ chức vụ Trưởng phòng trở lên đang công tác tại các đơn vị trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH; đại diện Công đoàn và Đoàn thanh niên Bộ.

 PGS.TS Lê Văn Cường, Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh truyền đạt nội dung bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (Ảnh: KT)

Hội nghị đã nghe PGS.TS Lê Văn Cường, Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã giới thiệu những nội dung cốt lõi của bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến anh hùng” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

PGS.TS Lê Văn Cường giới thiệu, Bài viết gồm phần mở đầu và ba phần chính: (1) Đảng ta ra đời, lãnh đạo đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. (2) Đảng lãnh đạo khắc phục hậu quả chiến tranh; tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế; xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. (3) Phát huy hơn nữa truyền thống yêu nước và cách mạng vẻ vang, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025 và năm 2030, xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng.

Theo PTS.TS Lê Văn Cường, với nội dung phong phú, luận giải nhiều vấn đề lý luận cơ bản của cách mạng Việt Nam một cách khoa học, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm rõ mô hình chủ nghĩa xã hội của Việt Nam; quan niệm về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên – công tác luôn được đồng chí Tổng Bí thư dành sự quan tâm đặc biệt dù ở trên cương vị công tác nào, ở thời kỳ nào. 

Phần mở đầu, bên cạnh việc điểm lại những mốc son lịch sử từ khi Đảng ra đời đến nay, Tổng Bí thư nêu rõ mục tiêu: “Để góp phần thiết thực kỷ niệm Ngày thành lập Đảng 03/02/2024, khơi dậy niềm tự hào về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, Dân tộc Việt Nam anh hùng; tăng cường niềm tin đối với sự lãnh đạo của Đảng và tương lai tươi sáng của đất nước ta, Dân tộc ta; cũng như nêu cao hơn nữa trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong toàn hệ thống chính trị, tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước và cách mạng của toàn dân tộc, quyết tâm xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”.

Trong phần thứ nhất, Tổng Bí thư kết luận: “Nhìn lại chặng đường 1930 – 1975, chúng ta rất đỗi tự hào, tin tưởng và biết ơn sâu sắc Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại đã luôn luôn sáng suốt lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi vang dội này đến thắng lợi vang dội khác, viết tiếp vào lịch sử của Dân tộc Việt Nam văn hiến và anh hùng những trang vàng chói lọi, được thế giới ngưỡng mộ, đánh giá cao: “Tiến hành thắng lợi cuộc Cách mạng tháng Tám long trời lở đất, giành chính quyền về tay Nhân dân, đưa nước ta ra khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc vào năm 1945; trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, kết thúc bằng Hiệp định Giơ-ne-vơ và thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu; vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội và chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, vừa đấu tranh chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, kết thúc bằng chiến dịch Điện Biên Phủ trên không và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử”.

Ở phần thứ hai, Tổng Bí thư đã khái quát rất cụ thể và thuyết phục về mô hình “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà Nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do Nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”.

Một nội dung rất quan trọng và khó về mặt lý luận đã được Tổng Bí thư làm rõ là: “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đó là một kiểu kinh tế thị trường mới trong lịch sử phát triển của kinh tế thị trường; một kiểu tổ chức kinh tế vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường vừa dựa trên cơ sở được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội, thể hiện trên cả ba mặt: sở hữu, tổ chức quản lý và phân phối. Đây không phải là nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa và cũng chưa phải là nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đầy đủ (vì nước ta còn đang trong thời kỳ quá độ)”.

Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam qua tổng kết 40 năm đổi mới được Tổng Bí thư luận giải rất sâu sắc, thuyết phục và nhân văn: “Một đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường ở Việt Nam là phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển. Điều đó có nghĩa là: không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; càng không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Trái lại, mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; khuyến khích làm giàu hợp pháp phải đi đôi với xoá đói, giảm nghèo bền vững, chăm sóc những người có công, những người có hoàn cảnh khó khăn. Đây là một yêu cầu có tính nguyên tắc để bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”...

Các đại biểu tham dự Hội nghị (Ảnh: KT) 

Phần thứ ba, bài viết đã đưa ra những dự báo về tình hình thế giới, khu vực và trong nước cả về thuận lợi cũng như khó khăn, Tổng Bí thư nêu: “Tình hình trên đây đòi hỏi chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, tự mãn, quá say sưa với những kết quả, thành tích đã đạt được, và cũng không quá bi quan, dao động trước những khó khăn, thách thức; mà trái lại, cần phải hết sức bình tĩnh, sáng suốt, phát huy thật tốt những kết quả, bài học kinh nghiệm đã có, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, nhất là từ đầu nhiệm kỳ (khoá XIII) đến nay, để tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nỗ lực phấn đấu, tranh thủ mọi thời cơ, thuận lợi; vượt qua mọi khó khăn, thách thức, triển khai thực hiện thắng lợi các chương trình, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho nhiệm kỳ (khoá XIII) và đến năm 2030”.

Cảm ơn PGS.TS Lê Văn Cường đã truyền đạt nội dung bài viết của Tổng Bí thư, đồng chí Lê Tấn Dũng - Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy Bộ, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh, các cán bộ, đảng viên và người lao động trong Đảng bộ Bộ LĐ-TB&XH hiểu sâu sắc bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng", qua đó, củng cố thêm niềm tự hào dân tộc, truyền thống lịch sử, tinh thần yêu nước, có thêm bản lĩnh, tự tin; phát huy tinh thần trách nhiệm; tạo khí thế mới, động lực mới hoàn thành nhiệm vụ được giao./.

TG

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực