Hoàn thiện thêm một bước dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng

Thứ sáu, 09/10/2020 13:28
(ĐCSVN) - Trung ương cho rằng, các dự thảo mới được chuẩn bị rất công phu, bài bản, trí tuệ, dân chủ và cầu thị; quán triệt sâu sắc nguyên tắc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kiên định và đổi mới, giữa kế thừa và phát triển.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị. 

Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 13 khóa XII đã tập trung thảo luận sôi nổi, sâu sắc, có nhiều ý kiến đóng góp cụ thể, xác đáng và thống nhất cao về các nội dung cần bổ sung, sửa đổi dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

Ban Chấp hành Trung ương ghi nhận, biểu dương Tiểu ban Văn kiện, Tiểu ban Kinh tế-Xã hội, Tiểu ban Điều lệ Đảng và các cơ quan có liên quan đã khẩn trương, nghiêm túc cập nhật tình hình, nhất là tác động của đại dịch COVID-19; tổng hợp, phân tích, tiếp thu các ý kiến hợp lý, hoàn thiện thêm một bước dự thảo các văn kiện trình Trung ương tại Hội nghị lần này.

Trung ương cho rằng, các dự thảo mới được chuẩn bị rất công phu, bài bản, trí tuệ, dân chủ và cầu thị; quán triệt sâu sắc nguyên tắc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kiên định và đổi mới, giữa kế thừa và phát triển; đã kế thừa, bổ sung phát triển đúng đắn đường lối đổi mới của Đảng ta trong 35 năm qua với nhiều nội dung đổi mới và điểm nhấn quan trọng.

Nổi bật là, về nhận thức, các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII lần này đã phân tích, đánh giá, tạo sự thống nhất cao trong nhận định về những kết quả, thành tựu đã đạt được, những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm được rút ra từ tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020.

Từ đó khẳng định, những thành tựu đã đạt được là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; góp phần tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của nước ta qua 35 năm đổi mới.

Đây cũng là cơ sở đầy sức thuyết phục để chúng ta có thể tự hào khẳng định: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Đây là niềm tự hào, là động lực, nguồn lực quan trọng để chúng ta tiếp tục vững bước trên con đường tiếp tục đổi mới toàn diện, đồng bộ và hiệu quả hơn vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Về tầm nhìn, dự thảo mới đã cập nhật kịp thời những diễn biến mới nhất của tình hình trong nước và thế giới, phân tích, dự báo có cơ sở khoa học về tình hình và xu hướng phát triển của thế giới và đất nước trong giai đoạn mới, tạo cơ sở cho việc xác định các mục tiêu phát triển mới trong 5 năm, 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045.

Về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, dự thảo Báo cáo chính trị lần này dành ra một mục riêng đề cập đến 5 quan điểm chỉ đạo, có bổ sung, làm rõ hơn một số nội dung quan trọng của các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo mà Đảng ta đã đề ra và từng bước hoàn thiện qua các kỳ Đại hội. Đặc biệt là, đã nhấn mạnh không chỉ "kiên định và vận dụng" mà còn phải phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Phải coi phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Khẳng định cần phải: "Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc..., khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hoá, con người Việt Nam...; thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mới cho phát triển đất nước. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại...; phát huy cao độ nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất". Không chỉ "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng "mà còn phải"... xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân là những nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc".

Các đại biểu dự Hội nghị. 

Về phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp, dự thảo lần này đã bám sát tình hình và xu hướng phát triển của đất nước và thế giới, đề ra 12 định hướng phát triển đất nước trong thời kỳ chiến lược 10 năm 2021-2030, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược và các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục đổi mới, phát triển các ngành, lĩnh vực cụ thể với nhiều nội dung đổi mới quan trọng.

Đặc biệt là, để tiếp tục nắm vững và xử lý tốt các quan hệ lớn, dự thảo lần này đã điều chỉnh, xác định rõ, chuẩn xác hơn mối quan hệ giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường...

Đồng thời, bổ sung một mối quan hệ mới là giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội và nhấn mạnh thêm: "Trong nhận thức và giải quyết các quan hệ lớn, cần chú trọng nhiều hơn đến bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước phát triển, bảo vệ môi trường; bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữ vững độc lập, tự chủ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân".

Dự thảo khẳng định, 3 đột phá chiến lược do Đại hội lần thứ XI, XII của Đảng xác định có ý nghĩa, giá trị lâu dài, vẫn còn nguyên giá trị nhưng đã được bổ sung, cụ thể hóa cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới.

Phát biểu tại buổi bế mạc Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, Ban Chấp hành Trung ương giao Bộ Chính trị chỉ đạo các tiểu ban và các cơ quan có liên quan khẩn trương, nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Trung ương hoàn thiện thêm một bước nữa dự thảo các văn kiện để xin ý kiến của các đại biểu Quốc hội khoá XIV, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân theo đúng tiến độ đã đề ra. Sau đó, khẩn trương, nghiêm túc tổng hợp, tiếp thu, giải trình các ý kiến đóng góp của đại hội đảng bộ các cấp, các tổ chức nêu trên và nhân dân để hoàn thiện các dự thảo văn kiện trình Hội nghị Trung ương 14 sắp tới xem xét, cho ý kiến hoàn chỉnh các văn kiện và hoàn tất việc chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng./.

Những dấu mốc phát triển quan trọng của đất nước ta, các mục tiêu cụ thể được xác định:

+ Đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

+ Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

+ Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

 

 

Hiền Nguyễn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực