Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ 24: Xem xét 5 nội dung quan trọng

Thứ ba, 30/06/2020 11:40
(ĐCSVN) - Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đề nghị các đồng chí Thành ủy viên phân tích, làm rõ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, sự tham gia của các cấp, các ngành và toàn hệ thống chính trị; làm rõ kết quả nổi bật trong công tác phòng, chống dịch của Thành phố, từ đó, rút ra những bài học kinh nghiệm và những thiếu sót hạn chế; đề xuất các giải pháp cả về nhận thức và hành động…

Không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống

Thí điểm một số cơ chế đặc thù, hỗ trợ các huyện khó khăn của Thủ đô phát triển

Hà Nội sẽ có cơ chế, chính sách phát triển trục kinh tế phía Nam

Góp ý vào Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XVII Đảng bộ TP Hà Nội

 Quang cảnh Hội nghị

Sáng 30/6, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố (TP) Hà Nội khóa XVI tiến hành Hội nghị lần thứ 24, xem xét, thông qua 5 nội dung quan trọng, gồm: Báo cáo công tác xây dựng Đảng 6 tháng đầu năm 2020, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020; Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, tình hình thực hiện ngân sách TP Hà Nội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020; Chủ trương điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 tại ô đất công viên, hồ điều hòa thuộc khu vực Dự án phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội; Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP (lần thứ ba) và thực hiện công tác cán bộ.

Các đồng chí: Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP; Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP; Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy chủ trì hội nghị.

Tập trung xem xét 5 nội dung quan trọng

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đánh giá, năm 2020 là năm cuối của nhiệm kỳ 5 năm, cũng là năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng. TP triển khai nhiệm vụ trong bối cảnh đặc biệt, ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Thực hiện Lời Kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Thành ủy đã hành Chỉ thị số 31-CT/TU. Ban Chấp Đảng bộ TP đã tập trung thảo luận, đề ra quyết tâm Hà Nội phải tiên phong, gương mẫu trong mặt trận chống dịch cũng như phục hồi, phát triển kinh tế. Đến nay, hơn 70 ngày qua trên địa bàn TP không có ca nhiễm ngoài cộng đồng, đại dịch COVID-19 đã được khống chế với 114 ca nhiễm, tất cả đã khỏi bệnh, không có người tử vong...

Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các đồng chí Thành ủy viên phân tích, làm rõ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, sự tham gia của các cấp, các ngành và toàn hệ thống chính trị; làm rõ kết quả nổi bật trong công tác phòng, chống dịch của Thành phố, từ đó, rút ra những bài học kinh nghiệm và những thiếu sót hạn chế; đề xuất các giải pháp cả về nhận thức và hành động thực tiễn để tiếp tục kiểm soát dịch bệnh, không để xảy ra làn sóng dịch bệnh thứ 2 có thể bùng phát trở lại.

Về phát triển kinh tế - xã hội, Bí thư Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi về kinh nghiệm tổ chức Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển” diễn ra rất thành công ngày 27/6 vừa qua. Phải chăng đó là kết quả của sự quyết liệt, năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành; những cố gắng, nỗ lực trong định hướng tập trung trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh? Phân tích, đánh giá những kết quả đạt được về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, công tác quốc phòng, quân sự địa phương, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội của TP 6 tháng đầu năm. Những giải pháp phấn đấu đạt kết quả cao nhất trong thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 với GRDP tăng gấp 1,3 lần so với mức tăng GDP cả nước và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách 285.000 tỷ đồng được Trung ương giao. Mỗi một Thành ủy viên cần đặt câu hỏi vì sao Hà Nội có thể tăng trưởng ở mức khá cao 3,39% và vì sao chúng ta không thể tăng trưởng cao hơn. “Ngành mình, lĩnh vực mình phụ trách và đơn vị mình đóng góp gì được cho tăng trưởng chung của Thành phố, cho giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách và thu nhập của người lao động?”, Bí thư Thành ủy Hà Nội gợi mở.

 Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Hội nghị

Về công tác xây dựng Đảng, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, công tác chỉ đạo tổ chức đại hội đảng bộ các cấp được thực hiện bảo đảm chất lượng, tiến độ, đúng các chỉ thị, quy định, hướng dẫn của Trung ương. Tính đến hết ngày 29/6, toàn Đảng bộ TP đã có 2.309/2.310 tổ chức cơ sở Đảng tổ chức xong đại hội nhiệm kỳ 2020-2025, đạt tỷ lệ 99,96%. Đồng chí đề nghị các đồng chí Thành ủy viên tập trung phân tích kỹ để rút ra những kinh nghiệm trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; công tác nắm bắt, dự báo tình hình dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân; chỉ đạo giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, nhất là những vụ việc có tính chất phức tạp và những địa phương còn vấn đề phải quan tâm.

Trong nội dung về xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các đồng chí phát huy dân chủ, trí tuệ, trách nhiệm, xem xét thống nhất về quan điểm tiếp thu và làm sâu sắc hơn những nội dung bổ sung, chỉnh sửa cả về chủ đề, phương châm Đại hội, kết cấu, nội dung, cách thức trình bày, các nhận định đánh giá về tình hình, kết quả, hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; dự báo tình hình, mục tiêu, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045...

Về việc điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 tại ô đất công viên, hồ điều hòa (ký hiệu HĐH) thuộc khu vực Dự án phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các đồng chí Thành ủy viên cho ý kiến về sự cần thiết, căn cứ pháp lý và những nội dung cần lưu ý theo đề nghị tại Tờ trình của Ban Cán sự đảng UBND TP và cho ý kiến để Ban Cán sự đảng UBND TP chỉ đạo hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt theo thẩm quyền.

Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm do Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản trình bày cho thấy, năm 2020 - năm cuối của kỳ kế hoạch 5 năm 2016-2020, TP Hà Nội triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh đặc biệt là vừa phải chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, vừa thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII.

Dưới sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự cố gắng, đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc của doanh nghiệp và toàn thể nhân dân Thủ đô, dịch COVID-19 được khống chế, sớm thiết lập “trạng thái bình thường mới” để tập trung thực hiện các nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó,  kinh tế vẫn duy trì tăng trưởng. GRDP quý I tăng 3,72%, quý II tăng 3,1%, nên tính chung 6 tháng đầu năm GRDP tăng 3,39%. 

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP 6 tháng đầu năm ước thực hiện 142.013 tỷ đồng (đạt 50,9% dự toán và tăng 9,9% so với cùng kỳ). Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 34.213 tỷ đồng (đạt 33,2% dự toán, tăng 21,5%). Toàn TP giải ngân vốn đầu tư công ước 14.826 tỷ đồng (đạt 33% kế hoạch, tăng 64,4% so với cùng kỳ). Ngoài ra, tổng sản phẩm trên địa bàn 6 tháng đầu năm tăng 3,39% - mức tăng khá cao so với các tỉnh, TP và mức chung của cả nước.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, giao thương ngưng trệ nên kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 6,75 tỷ USD (giảm 6,7%) và kim ngạch nhập khẩu ước đạt 13,71 tỷ USD (giảm 9,2%). Du lịch chịu tác động mạnh bởi dịch COVID-19 và khách du lịch ước đạt 4,93 triệu lượt (giảm 65,4%). Trong đó, khách quốc tế 987.000 lượt (giảm 68,8%) và khách nội địa ước đạt 3,95 triệu lượt (giảm 64,4%). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 18,95 nghìn tỷ đồng (giảm 61,5%).

Bên cạnh đó, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 của Hà Nội đạt 68,8 điểm (tăng 3,4 điểm so với năm trước) và duy trì vị trí thứ 9/63 tỉnh, TP. Cấp Giấy chứng nhận cho 12.649 doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký 175.000 tỷ đồng (giảm 7% về số lượng doanh nghiệp nhưng tăng 5% vốn đăng ký so với cùng kỳ).

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản báo cáo tại hội nghị 

Điểm nhấn, Hà Nội tổ chức thành công Hội nghị “Hà Nội 2020 – hợp tác và phát triển” ngày 27/6 ngay sau khi dịch COVID-19 được khống chế và thiết lập “trạng thái bình thường mới”. Đây là hội nghị quy mô lớn, chưa từng có trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

An sinh xã hội được đảm bảo; các chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng. Đặc biệt, đã kịp thời hỗ trợ khó khăn do dịch COVID-19 đợt 1 cho hơn 385,4 nghìn đối tượng với tổng kinh phí 474,1 tỷ đồng. Tiếp nhận, xét duyệt và ra quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho trên 22,2 nghìn người với số tiền 496,2 tỷ đồng. Bổ sung 1.009 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách nhằm hỗ trợ giải quyết việc làm, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân...

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản nhận định, 6 tháng cuối năm, tình hình thế giới, khu vực được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục lan rộng và gây ra những hậu quả nặng nề. Căn cứ dự báo tình hình quốc tế, kịch bản tăng trưởng của cả nước và tình hình sản xuất, kinh doanh 6 tháng đầu năm, thành phố dự báo và xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng 6 tháng cuối năm để chỉ đạo, điều hành phấn đấu đạt mục tiêu cao nhất so với Kế hoạch năm 2020. Cụ thể:

Kịch bản 1: Dịch COVID-19 trên thế giới được khống chế vào giữa quý III/2020. Tại Việt Nam dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt; tháng 6 và các tháng tiếp theo kinh tế phục hồi nhanh, tăng trưởng mạnh. GRDP quý III tăng 7,83%, quý IV tăng 8,41% và ước tính GRDP năm 2020 tăng 5,90%.

Kịch bản 2: Dịch COVID-19 trên thế giới được khống chế vào đầu quý IV/2020. Tại Việt Nam dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt. Tháng Sáu và các tháng tiếp theo kinh tế dần phục hồi đà tăng trưởng. GRDP quý III tăng 6,94%; quý IV tăng 7,35% và ước tính GRDP năm 2020 tăng 5,38%.

TP Hà Nội triển khai tổ chức tốt đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP. Tổ chức triển khai thực hiện tốt Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế. TP tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình hành động số 07/CTr-UBND ngày 9/1/2020 của UBND TP về các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2020; 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong quản lý đầu tư, xây dựng để nâng cao hiệu quả đầu tư công, hỗ trợ doanh nghiệp, nhân dân ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn TP Hà Nội.

Đáng chú ý, TP tiếp tục cắt giảm thời gian các thủ tục hành chính nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành; mở rộng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, kỷ luật công vụ. Thực hiện tốt Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp. Tạo thuận lợi tối đa cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất, nhập khẩu. Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI….

TP cũng sẽ tăng cường chất lượng, hiệu quả quản lý quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng, trật tự đô thị, bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh phát triển văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo và hoạt động nghiên cứu khoa học. Đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành trong giải quyết khiếu nại, tố cáo; phát huy vai trò của các cơ quan giám sát trong phòng chống tham nhũng, lãng phí…

Tại phiên thảo luận, các ý kiến tham luận đã đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của TP, đặc biệt là sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của Thường trực Thành ủy trong việc thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phòng, chống dịch, vừa thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Các đại biểu đề xuất một số biện pháp nhằm đẩy mạnh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư; rà soát từng dự án đầu tư công, tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh giải ngân, tạo vốn thực hiện kích thích phát triển kinh tế - xã hội...  

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã tóm lược những ý kiến tham luận của các đại biểu; đồng thời, trực tiếp giải thích về những đề xuất của các đại biểu liên quan đến công tác cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực, cải tạo chung cư cũ, giải ngân vốn đầu tư công… Những vấn đề này sẽ được tiếp thu để góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.../.

Tin, ảnh: Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực