|
Quang cảnh kỳ họp. |
Dự phiên khai mạc đại biểu Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh; Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thanh...
Đại biểu Hà Nội có các đồng chí: Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
Tập trung thảo luận phương hướng, giải pháp sớm phục hồi, phát triển kinh tế
Phát biểu khai mạc kỳ họp, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội khẳng định, với tinh thần chung của cả Thành phố là “Chống dịch như chống giặc” và “Chống trì trệ như chống dịch”, HĐND TP đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện việc đôn đốc, khảo sát, giám sát thực hiện các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước và của Thành phố từ đầu năm đến nay. HĐND đã tổ chức 02 kỳ họp không thường kỳ, 01 phiên giải trình, 02 cuộc giám sát, các Ban HĐND TP tổ chức 7 cuộc giám sát, 8 cuộc khảo sát chuyên đề nhằm đôn đốc, rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ những khó khăn, những bất cập trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Thủ đô, kịp thời có giải pháp phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố.
Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc thông tin, HĐND TP sẽ thảo luận, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm 2020 trong bối cảnh vô cùng khó khăn đó. Đồng thời, đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho 6 tháng cuối năm để thực hiện các chỉ tiêu kinh tế, xã hội của thành phố ở mức cao nhất.
Với trách nhiệm của mình, trong cương vị công tác, thực tiễn cuộc sống (HĐND có 13 đại biểu là chủ doanh nghiệp đang hoạt động trên các lĩnh vực; có nhiều đại biểu là Bí thư, Chủ tịch quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố), đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị các vị đại biểu nghiên cứu, phân tích thấu đáo, thảo luận kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện, khách quan tình hình kinh tế - xã hội của Thành phố, trên cơ sở đó đưa ra phương hướng, giải pháp hữu hiệu, sát với yêu cầu của Thành phố nhằm sớm phục hồi, phát triển kinh tế nhanh, xã hội ổn định sau đại dịch COVID-19, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng ở mức cao nhất.
|
Các đại biểu tham dự phiên khai mạc. |
“HĐND TP xem xét, thảo luận và thông qua 12 báo cáo và 13 nghị quyết, trong đó có 12 nghị quyết là nghị quyết chuyên đề và nghị quyết kiện toàn công tác nhân sự thuộc thẩm quyền. 12 nghị quyết chuyên đề xuất phát từ việc thực hiện các văn bản mới của Trung ương nhưng có những nghị quyết đáp ứng với yêu cầu thực tiễn của Hà Nội, như nghị quyết về mức hỗ trợ đối với cán bộ, công chức cấp xã; người hoạt động không chuyên trách cấp xã; người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố nghỉ việc do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và sắp xếp thôn, tổ dân phố. Nếu HĐND TP thông qua nghị quyết này sẽ có trên 10.000 người được hưởng chính sách, góp phần động viên lực lượng có đóng góp cho sự phát triển của Thành phố trong những năm qua...” – đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc thông tin, đồng thời cho biết, các nội dung của nghị quyết được Thành ủy, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ TP thống nhất rất cao. Những nội dung có tác động lớn, liên quan đến nhiều đối tượng đều được lấy ý kiến rộng rãi của cử tri và được MTTQ TP tổ chức phản biện...
Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc thông tin, tại kỳ họp này, việc tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn cho phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay của Hà Nội, là: tập trung cao độ vào thúc đẩy sản xuất, phục hồi kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội do tác động của dịch bệnh COVID. Trước kỳ họp, Thường trực HĐND TP đã báo cáo, xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền; đồng thời, căn cứ quy định của luật, Thường trực HĐND TP có công văn để lấy ý kiến đối với đại biểu HĐND TP về hình thức chất vấn với 3 phương án: Chất vấn trực tiếp tại hội trường như các kỳ họp trước; chất vấn bằng văn bản để tăng thời gian thảo luận về kinh tế, xã hội tại hội trường; hình thức khác. Qua tổng hợp có 91 đại biểu, chiếm tỷ lệ 97% tổng số đại biểu nhất trí chọn phương án 2 là chất vấn bằng văn bản. Như vậy, đại đa số đại biểu HĐND TP ủng hộ và thống nhất rất cao chủ trương này. Với hình thức chất vấn bằng văn bản, quyền chất vấn của đại biểu vẫn được thực hiện theo quy định của pháp luật, phù hợp với tình hình thực tiễn của TP. Ngay sau khi thống nhất cách thức chất vấn, HĐND TP đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu nội dung quan tâm cần chất vấn.
“Qua tổng hợp được trước khi khai mạc kỳ họp, các vị đại biểu đã gửi 50 nội dung chất vấn, Thường trực HĐND tổng hợp lại thành 28 câu hỏi, trong đó, có 08 câu thuộc lĩnh vực kinh tế, 7 câu thuộc lĩnh vực quản lý và phát triển đô thị, 9 câu thuộc lĩnh vực văn hóa và an sinh xã hội, 4 câu thuộc lĩnh vực trật tự an toàn xã hội để gửi UBND TP, các sở, ngành và UBND quận, huyện, thị xã. Câu hỏi chất vấn sẽ được gửi đến các cơ quan liên quan để trả lời và sẽ được công khai trên báo chí, trên Trang Thông tin điện tử của Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND TP để các cấp, các ngành và cử tri quan tâm theo dõi, giám sát…
|
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu khai mạc kỳ họp . |
Tìm ra giải pháp đột phá phù hợp yêu cầu và tình hình thực tiễn của Thủ đô
Phát biểu tại kỳ họp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ ghi nhận và đánh giá cao kết quả hoạt động của HĐND TP, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền các cấp, xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, đời sống Nhân dân được đảm bảo, chất lượng sống dần được cải thiện, nâng cao. Cụ thể, với tinh thần trách nhiệm trước cử tri Thủ đô, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND thành phố Hà Nội đã tổ chức 15 kỳ họp, trong đó có 10 kỳ họp Thường kỳ và 5 kỳ họp không thường kỳ, 8 cuộc chất vấn tại hội trường; 13 cuộc giám sát của HĐND Thành phố, 5 cuộc giám sát của Thường trực HĐND, 147 cuộc giám sát, khảo sát của các Ban chuyên môn và 60 cuộc giám sát của các Tổ đại biểu; đã ban hành 151 nghị quyết, trong đó có 80 nghị quyết chuyên đề.
Các nghị quyết đã thể chế hóa được những cơ chế, chính sách và các biện pháp triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương theo đúng thẩm quyền, trong đó có nhiều chính sách đặc thù riêng có của Thành phố nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an sinh xã hội, thể hiện tính nhân văn sâu sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến; là những vấn đề lớn, quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống xã hội cho cả thời gian trước mắt cũng như lâu dài; là cơ sở pháp lý quan trọng, điều kiện thuận lợi để các cấp, các ngành tăng cường quản lý đầu tư, mở ra hướng đi mới nhằm khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh, xây dựng Thủ đô…
Tuy nhiên, Bí thư Vương Đình Huệ lưu ý, bên cạnh những kết quả đạt được, Thành phố cũng cần sớm khắc phục 8 thiếu sót, hạn chế đã nêu trong báo cáo, đó là: Các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế còn thấp, có thể phấn đấu cao hơn; Số lao động được giải quyết việc làm giảm, thất nghiệp tăng; Chỉ số giá được kiểm soát nhưng tiềm ẩn tăng cao ở nhóm hàng thực phẩm; Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) còn ở mức thấp; Tỷ lệ cấp đất dịch vụ chưa đạt mục tiêu đề ra; Tỷ lệ giải ngân chưa đáp ứng yêu cầu…
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Bí thư Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành để tổ chức thực hiện hiệu quả Kết luận số 77 ngày 5/6/2020 của Bộ Chính trị về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước. Cần khai thác tối đa thị trường trong nước, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, sinh kế, việc làm, đời sống đối với người lao động, người nghèo, người yếu thế. Khai thác triệt để các nguồn lực của mỗi quận, huyện với phương châm “góp gió thành bão” để đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020, phấn đấu GRDP tăng gấp 1,3 lần so với cả nước và hoàn thành nhiệm vụ thu 285.000 tỷ đồng dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 của Thành phố.
|
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên khai mạc. |
Trên cơ sở phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện kết quả thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, xã hội, tài chính, ngân sách, quốc phòng, an ninh của Thành phố 6 tháng đầu năm, đồng chí Vương Đình Huệ lưu ý các đại biểu làm rõ những mặt còn hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan để quyết nghị các nhiệm vụ, giải pháp, nhất là các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá trong 6 tháng cuối năm 2020 phù hợp yêu cầu và tình hình thực tiễn của Thủ đô. Đặc biệt, đối với các nghị quyết chuyên đề quan trọng, các cơ chế có tính chất đặc thù của Thành phố, đề nghị HĐND phân tích kỹ, làm rõ sự cần thiết, cơ sở pháp lý, xác định các nội dung cụ thể và phương thức thực hiện khả thi để Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, góp phần phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của Thủ đô.
Đồng chí Vương Đình Huệ lưu ý tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Thường xuyên rà soát, rút gọn và đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành; thực hiện số hóa, phát triển thành phố thông minh và ứng dụng khoa học, công nghệ. Phát triển một số nền tảng công nghệ dùng chung, các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia cốt lõi; bảo đảm hạ tầng kỹ thuật an toàn, an ninh thông tin. Tiếp tục giám sát việc thực hiện nghiêm túc bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc Thành phố; tuyên truyền và vận động người dân thực hiện tốt Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố nhằm nâng cao ý thức tự giác, tinh thần phục vụ, vai trò tiên phong, gương mẫu, trách nhiệm, nói đi đôi với làm, gắn bó với nhân dân, lắng nghe và giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề bức xúc dân sinh ngay từ cơ sở của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Quan tâm thực hiện tốt công tác tiếp công dân và kịp thời giải quyết những kiến nghị của công dân ngay từ cơ sở.
Đồng thời tăng cường giám sát công tác quản lý quy hoạch, xây dựng đô thị, xây dựng nông thôn mới gắn với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; đảm bảo an toàn thực phẩm, cung cấp nước sạch, xử lý chất rác thải sinh hoạt, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp hiện còn thiếu, tiếp tục chỉnh trang đô thị, hạ ngầm cáp điện, cáp thông tin trên các tuyến phố theo kế hoạch đề ra; quan tâm củng cố quốc phòng, an ninh; phát triển văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, khoa học, công nghệ ổn định vững chắc, bảo đảm tuyệt đối không chủ quan, không để tái phát dịch bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân.
“Phấn đấu từ nay đến cuối năm, tạo được những chuyển biến căn bản và rõ rệt về những vấn đề dân sinh, nhất là cung cấp nước sạch nông thôn ở những địa bàn còn khó khăn như: Thành Trì, Phú Xuyên, Thường Tín, Sóc Sơn, Đông Anh…, cải thiện chất lượng không khí, giảm ùn tắc giao thông và quản lý, chỉnh trang đô thị, xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục giám sát việc triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn thành phố, gồm cả đầu tư công và đầu tư tư nhân theo đúng quy định pháp luật và chủ trương của Thành phố; đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện các kết luận, báo cáo giám sát của HĐND và tái giám sát nếu cần thiết” – đồng chí Vương Đình Huệ nói.
Thông qua nhiều nghị quyết tác động đời sống dân sinh
Diễn ra trong hai ngày (6-7/7), các đại biểu HĐND TP xem xét, thảo luận các báo cáo về nhiều lĩnh vực công tác thực hiện trong 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020: Tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng 6 tháng đầu năm 2020; thực hiện dự toán thu, chi ngân sách; tình hình giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn TP; công tác phòng chống tham nhũng; hoạt động của HĐND TP; công tác chỉ đạo điều hành của UBND TP; công tác xét xử của TAND TP; công tác kiểm sát của Viện KSND TP…
HĐND TP Hà Nội cũng sẽ xem xét: Báo cáo của Thường trực HĐND TP tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 15 HĐND TP; báo cáo của Ủy ban MTTQ TP tổng hợp các ý kiến tham gia phản biện xã hội vào 2 nội dung trình HĐND TP; báo cáo của UBND TP về kết quả thực hiện kết luận của Chủ tọa tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 11 HĐND TP; báo cáo kết quả giám sát của Thường trực, các Ban HĐND TP 6 tháng đầu năm…
Bên cạnh đó, tại Kỳ họp này, HĐND TP dự kiến xem xét các báo cáo, tờ trình và thông qua 1 nghị quyết thường kỳ, 11 nghị quyết chuyên đề và 2 nghị quyết về nhân sự. Trong đó có nhiều nghị quyết chuyên đề có tác động lớn đến đời sống dân sinh như: Quy định các khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi; quy định mức thu đối với giáo dục mầm non, phổ thông công lập của TP Hà Nội... sẽ được xem xét thông qua.
Điểm khác biệt là tại kỳ họp này, HĐND TP không tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp tại hội trường, mà thực hiện chất vấn bằng văn bản, để tăng thời gian thảo luận về vấn đề phục hồi, duy trì phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2020 sau dịch COVID-19.
Kỳ họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội và kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam gần trọn ngày làm việc thứ nhất, gồm các nội dung: Khai mạc, thảo luận về kinh tế - xã hội, nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy kinh tế sau dịch COVID-19 và thông qua Nghị quyết về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện dự toán thu chi ngân sách 6 tháng cuối năm 2020 của TP Hà Nội…/.