|
Quang cảnh kỳ họp |
Sáng 15/5, HĐND thành phố (TP) Hà Nội khóa XV đã tổ chức kỳ họp thứ mười bốn (kỳ họp không thường kỳ) để xem xét, quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền.
Dự kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cùng đại diện các cơ quan Trung ương và sở, ngành, quận, huyện của TP Hà Nội.
Phát biểu tại kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, thời gian vừa qua, dịch COVID-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu, gây tổn thất lớn về sinh mạng con người và gây khủng hoảng kinh tế nặng nề trên toàn thế giới. Trong bối cảnh đó, Thủ đô Hà Nội cùng các địa phương trong cả nước đã triển khai nghiêm túc các chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ; tập trung lãnh đạo thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân Thủ đô, đặc biệt là thành phố đã kiểm soát tốt được dịch bệnh. Có được kết quả đó là do sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy Hà Nội, sự điều hành quyết liệt, hiệu quả của UBND TP Hà Nội và sự chấp hành nghiêm túc của người dân.
Bên cạnh đó, tiếp tục tinh thần thực hiện hiệu quả "nhiệm vụ kép”, vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, HĐND sẽ xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư 10 dự án sử dụng ngân sách thành phố; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch trung hạn 2016-2020 và điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách thành phố (đợt 1) năm 2020.
Theo Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội, đây là những dự án có tổng mức đầu tư lớn, mang tính chất quan trọng để xây dựng hạ tầng kinh tế, giao thông, thủy lợi, phát triển giáo dục, đào tạo, có tác động lớn đến thúc đẩy kinh tế, xã hội, bảo đảm đời sống dân sinh. Do vậy, các nội dung quyết nghị về chủ trương đầu tư, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn lần này đều được nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng, đúng quy trình, quy định của pháp luật và bảo đảm tính khả thi.
|
Các đại biểu tham dự kỳ họp. |
Tại kỳ họp, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định một số cơ chế, nội dung, mức chi đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19 của TP Hà Nội với 100% đại biểu có mặt tán thành gồm: Phụ cấp thêm 4 nhóm đối tượng tham gia chống dịch COVID-19; hỗ trợ 50% tiền thuê nhà cho sinh viên, công nhân; hỗ trợ kinh phí cho giáo viên dạy học trên truyền hình; hỗ trợ trả kết quả cho doanh nghiệp thực hiện đăng ký doanh nghiệp; tạo cơ chế đặc thù hỗ trợ đơn vị sự nghiệp công lập. Tổng kinh phí để thực hiện 5 chế độ chi đặc thù nêu trên dự khiến khoảng 406 tỷ đồng, trong đó ngân sách cấp thành phố là 351 tỷ đồng, ngân sách các quận là 55 tỷ đồng. Đây là số tiền cao hơn mức đề xuất của UBND TP trước đó là 332 tỷ đồng.
Cũng tại kỳ họp, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng ngân sách thành phố, cũng như việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch trung hạn 2016-2020 và điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách thành phố (đợt 1) năm 2020 với 100% đại biểu có mặt tán thành. Cụ thể, HĐND TP Hà Nội quyết nghị phê duyệt chủ trương đầu tư 6 dự án nhóm C sử dụng vốn đầu tư công của thành phố với tổng mức đầu tư dự kiến 34 tỷ 639 triệu đồng gồm: Cầu vượt cho người đi bộ qua đường 2,5 tại khu vực chợ đầu mối phía Nam, quận Hoàng Mai; Cầu vượt cho người đi bộ qua đường Liễu Giai, quận Ba Đình; Cầu vượt cho người đi bộ trước tòa nhà HH1A, HUD3, CT5-X2 trong khu đô thị Bắc Linh Đàm, quận Hoàng Mai; Cầu vượt cho người di bộ qua đường Nguyễn Hoàng, quận Nam Từ Liêm; Cầu vượt cho người đi bộ qua đường Ngọc Hồi tại khu vực bến xe Nước Ngầm, quận Hoàng Mai; Cầu vượt cho người đi bộ qua đường Đào Tấn, quận Ba Đình. Toàn bộ 6 dự án này đều do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện trong giao đoạn năm 2021 - 2022.
Bên cạnh đó, HĐND TP Hà Nội quyết nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư 4 dự án sử dụng vốn đầu tư công của thành phố với tổng mức đầu tư dự kiến 713 tỷ 272 triệu đồng gồm: Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư xã Hồng Kỳ phục vụ di dân vùng ảnh hưởng môi trường của Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn; Dự án Sửa chữa, bảo trì, lắp đặt bổ sung, thay thế linh kiện, thiết bị và phương tiện hệ thống phòng cháy chữa cháy đã được trang bị, lắp đặt theo thiết kế ban đầu tại các chung cư tái định cư (khu Xuân La, Xuân Đỉnh, Nghĩa Đô, Phú Thượng, Mễ Trì Hạ, Lê Đức Thọ, cầu Diễn và khu thành phố Giao lưu); Dự án xây dựng tuyến đường từ Trung tâm thể thao quân đội Bộ Quốc phòng đến Khu Bảo tàng Quân sự Việt Nam (bao gồm cả cầu qua sông Nhuệ); Dự án Xây dựng tuyến đường từ trạm bơm cầu Ngà qua đường 70 đến hết địa phận quận Nam Từ Liêm.
|
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại kỳ họp. |
Phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 14, HĐND TP Hà Nội khóa XV, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị UBND TP tập trung chỉ đạo triển khai ngay các Nghị quyết đã được Kỳ họp thứ 14 - HĐND TP thông qua, đặc biệt là Nghị quyết về cơ chế, nội dung, mức chi đặc thù phục vụ phòng, chống và khắc phục hậu quả do dịch, bệnh COVID-19. Đây là Nghị quyết mang tính cấp bách với số người thụ hưởng rất lớn. Theo báo cáo của các sở, ngành Thành phố dự kiến khi thực hiện các cơ chế, chính sách theo Nghị quyết của HĐND TP, số người được hưởng lên đến gần 70 nghìn người (chưa kể người lao động trong các cơ sở công lập tự chủ), trên 80 nghìn doanh nghiệp. Số kinh phí dự toán lên tới 400 tỷ đồng từ ngân sách Thành phố và quận, huyện.
UBND TP cần tập trung chỉ đạo bố trí kinh phí, tổ chức chi trả đến các tổ chức, cá nhân thuộc các đối tượng được hưởng, bảo đảm minh bạch, công khai, kịp thời, đúng người, đúng đối tượng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát ngay tại cơ sở, không để xảy ra hiện tượng tiêu cực, trục lợi chính sách, phát huy hiệu quả chính sách hỗ trợ của Thành phố.
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng đề nghị UBND TP tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành rà soát các đối tượng có liên quan để có cơ chế hỗ trợ cho phù hợp. UBND TP tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp duy trì, khôi phục phát triển kinh tế với kịch bản cụ thể cho từng giai đoạn và biện pháp thích hợp, hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo thêm nhiều giải quyết việc làm; khuyến khích, thúc đẩy phát triển mạnh các lĩnh vực dịch vụ, đẩy nhanh đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giải ngân, coi đây là giải pháp quan trọng phát triển kinh tế, nhanh chóng khắc phục các ảnh hưởng của dịch COVID-19./.