Lào Cai: Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế

Thứ năm, 14/09/2023 15:03
(ĐCSVN) - Thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7, BCH Trung ương (khóa XII) về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã tập trung đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ các cấp, đặc biệt là đào tạo cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài của địa phương.

Xác định được tầm quan trọng của Nghị quyết 26, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Kế hoạch 155-KH/TU ngày 16/7/2018; tham mưu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lào Cai ban hành Đề án 18-ĐA/TU, ngày 11/12/2020 về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo quản lý các cấp tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020 - 2025; đồng thời chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị cụ thể hóa các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết, Kế hoạch của Trung ương, của Tỉnh ủy thành đề án, kế hoạch, chương trình hành động... thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Để xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp cơ bản đảm bảo số lượng, chất lượng; có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt; trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học, phương pháp làm việc từng bước nâng lên; chuẩn bị được đội ngũ cán bộ trẻ kế cận; khắc phục dần tình trạng bị động trong công tác cán bộ.

 Khai giảng lớp tiếng Trung Quốc cho cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh (tháng 4/2023) tại Trung tâm Hán ngữ tỉnh Lào Cai

Theo đó, các cấp ủy, tổ chức đảng ở cơ sở đều quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định của Trung ương, của tỉnh Lào Cai về công tác cán bộ, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao vai trò, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo, cá nhân người đứng đầu trong thực hiện các quy trình về công tác cán bộ theo quyền hạn được phân công, phân cấp; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, cụ thể hóa việc triển khai thực hiện ở từng cấp, từng ngành, từng địa phương; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương với xây dựng thể chế, tạo môi trường, điều kiện thúc đẩy, khuyến khích cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lào Cai, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được quan tâm chỉ đạo thực hiện đồng bộ gắn với quy hoạch cán bộ. Trong giai đoạn này, Lào Cai đã xây dựng, sửa đổi ban hành nhiều văn bản quy định về chế độ, chính sách, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp và cách thức tổ chức thực hiện để nâng cao chất lượng đội ngũ cho cán bộ; quan tâm mở các lớp dự nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý, cử cán bộ đi đào tạo sau đại học ở trong nước và nước ngoài theo Đề án 165 và đề án, nghị quyết của tỉnh. Nhiều cấp ủy, tổ chức đảng đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực quản lý cho cán bộ, cơ bản hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Kết quả, từ năm 2018 đến nay đã có 5.475 lượt người được đi đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ (tiến sĩ: 10; thạc sĩ: 369; đại học: 4.313; cao đẳng: 783); lý luận chính trị 6.147 người (cao cấp: 877; trung cấp: 5.270); ngoài ra có hàng nghìn lượt cán bộ, công chức, viên chức được cử đi bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ.

Theo Sở Nội vụ tỉnh Lào Cai, triển khai thực hiện Đề án 18-ĐA/TU, nhằm góp phần thực hiện thành công mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng 25% công chức lãnh đạo quản lý và 35% viên chức lãnh đạo quản lý có năng lực ngoại ngữ từ bậc 3 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ dùng cho Việt Nam; phấn đấu đạt tỷ lệ 20% công chức chuyên môn và 40% viên chức chuyên môn có khả năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ trong thực thi công vụ, giai đoạn 2021 - 2023, Sở Nội vụ tỉnh đã tổ chức 6 lớp tiếng Trung Quốc trình độ HSK từ bậc 1 đến bậc 3, với gần 200 lượt học viên tham gia. Từ năm 2021 đến nay, cùng với việc tổ chức các lớp tiếng Trung Quốc, Sở đã tổ chức 4 lớp tiếng Anh cho trên 130 học viên.

Nhờ đó, số cán bộ có trình độ chuyên môn đại học trở lên là 19.604 người, chiếm 66% tổng số cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh; trong đó, trình độ tiến sĩ: 26 người, chiếm 0,09%; thạc sĩ: 1.702 người, chiếm 5,73%. Số cán bộ, công chức, viên chức có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên là 6.937 người, trong đó, có 1.167 người có trình độ cử nhân và cao cấp lý luận chính trị.

Tuy nhiên, khảo sát thực tế cho thấy, chất lượng đội ngũ cán bộ ở một số bộ phận chưa theo kịp yêu cầu, nhiệm vụ; trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, làm việc với các nhà đầu tư, đoàn khách nước ngoài còn hạn chế.

Nguyên nhân của những hạn chế trên là một số cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng và tính cấp bách của công tác đào tạo, bồi dưỡng; một bộ phận cán bộ còn thụ động, chưa rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn phù hợp với tình hình mới; ngại khó, thiếu ý chí vươn lên; tinh thần tự học tập nâng cao năng lực, trình độ, kỹ năng mềm trong cán bộ chưa cao.

Số cán bộ, công chức lãnh đạo quản lý tham gia bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ còn ít, do năng lực ngoại ngữ chưa được quy định là tiêu chuẩn bắt buộc trong bổ nhiệm một số chức danh cán bộ lãnh đạo quản lý dẫn đến chưa bảo đảm một trong các chỉ tiêu “lãnh đạo quản lý đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế” của Nghị quyết 26.

Trước thực tế trên, để đảm bảo thực hiện có hiệu quả nội dung “xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có phẩm chất, uy tín, năng lực ngang tầm nhiệm vụ trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay”, Lào Cai cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp, đó là: rà soát, hoàn thiện các quy định, hướng dẫn về công tác cán bộ phù hợp với các văn bản mới của cấp trên và tình hình thực tiễn của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; đảm bảo chuẩn hóa, đồng bộ, thống nhất; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, song hành với việc gắn trách nhiệm của tập thể lãnh đạo, nhất là người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ.

Tăng cường vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền các cấp trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; trong đó lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chiến lược, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phù hợp với từng đối tượng cán bộ, chức danh, vị trí việc làm đảm bảo hiệu quả thiết thực, tránh lãng phí. Đề cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu, quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để tham mưu đúng, trúng đối tượng đi học.

Quan tâm phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, nhất là cán bộ có phẩm chất, năng lực nổi trội, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế nhằm đảm bảo các mục tiêu đề ra, tạo tiền đề cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ trong thời kỳ mới.

Cấp ủy tổ chức đảng các cấp, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đẩy mạnh việc thường xuyên tự kiểm tra; thực hiện kiểm tra, giám sát công tác đào tạo, bồi dưỡng gồm: việc xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng; xét, thẩm định hồ sơ cử cán bộ đi học; phối hợp quản lý cán bộ tham gia đào tạo, bồi dưỡng; xét duyệt tốt nghiệp và cấp bằng lý luận chính trị. Đây là khâu quan trọng cần phải được tổ chức thường xuyên, định kỳ, đột xuất để duy trì chất lượng trong kỷ cương đào tạo, bồi dưỡng.

Tích cực triển khai Đề án “Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019 - 2030” và Kết luận 39-KL/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị về chủ trương bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước để đạt được các mục tiêu đề ra như tinh thần Nghị quyết 26-NQ/TW. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các sở, ngành, địa phương và bản thân đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về vai trò và sự cần thiết phải học tập, nâng cao năng lực ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu thực thi công vụ và làm việc trong môi trường quốc tế.

Rà soát thực trạng năng lực, trình độ và tổng hợp nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của từng sở, ngành, địa phương để làm căn cứ xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ đáp ứng nhu cầu và yêu cầu theo từng nhóm đối tượng, từng lĩnh vực công tác, từng vị trí việc làm./.

Hồng Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực