Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng

Thứ hai, 30/09/2019 15:29
​(ĐCSVN) – Để nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn hiện nay, theo các chuyên gia, Đảng phải không ngừng xây dựng và chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh; giữ vững bản lĩnh chính trị, phát huy dân chủ và vai trò giám sát trong nhân dân…
Hình ảnh tại Hội thảo

Nhằm đóng góp cho việc chuẩn bị các nội dung của Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, nhất là nội dung về công tác xây dựng Đảng, mới đây, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”. Dưới đây là những ý kiến thảo luận, góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng trong thời gian tới.

Nâng cao trí tuệ, bản lĩnh chính trị của Đảng

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng cho rằng, trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, cần đặc biệt quan tâm chú trọng chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa bởi nhà nước pháp quyền càng hoàn thiện thì càng củng cố được vai trò lãnh đạo của Đảng. Vấn đề cốt lõi trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là phải bảo đảm được quyền lực lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, bảo đảm việc sử dụng quyền lực của Đảng đúng mục đích và lãnh đạo đạt được hiệu quả cao. Muốn làm được điều này, Đảng phải không ngừng xây dựng và chỉnh đốn theo hướng phát triển ngày càng trong sạch, vững mạnh; giữ vững bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng của một đảng cách mạng chân chính, đặc biệt phải xây dựng được một đội ngũ đảng viên vững mạnh toàn diện, đáp ứng tốt nhất các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.

Theo ThS. Vũ Văn Nâm, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng vừa phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, vừa phát huy tốt hơn tính chủ động, sáng tạo của các cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, vừa tránh bao biện làm thay, vừa tránh buông lỏng của các tổ chức đảng.

Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và hệ thống chính trị trong thời gian qua đã mang lại những thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả lãnh đạo của Đảng, đồng thời phát huy tốt hơn vai trò của Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội. Tuy nhiên, nhìn từ góc cạnh lý thuyết và thực tiễn tại Việt Nam trong thời gian qua, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, trao đổi.

Đồng chí Hà Đăng trao đổi với các phóng viên bên lề Hội thảo

Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, trọng tâm là Nhà nước, Đại hội IX của Đảng xác định: “Tăng cường vai trò lãnh đạo và tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước thông qua việc đề ra chủ trương, đường lối, các chính sách lớn, định hướng cho sự phát triển và kiểm tra việc tổ chức thực hiện chủ trương đường lối của Đảng và Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước”. Đến Đại hội XI, Đảng ta xác định: “phương thức lãnh đạo của Đảng phải chủ yếu bằng Nhà nước và thông qua Nhà nước”. Đến Đại hội XII, Đảng ta một lần nữa khẳng định: “nâng cao hiệu lực thực hiện và tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, đặc biệt là với Nhà nước”.

Đảng xác định rõ mục tiêu đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng: Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng nhằm giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo, nâng cao tính khoa học, năng lực, hiệu lực và hiệu quả lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và toàn xã hội; nâng cao tính khoa học, năng lực và hiệu quả quản lý của Nhà nước, chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; phát huy dân chủ, quyền làm chủ của Nhân dân; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và trong xã hội; để nước ta phát triển nhanh và bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tóm lại, trong thời gian qua, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị mà trọng tâm là đối với Nhà nước đã có nhiều đổi mới quan trọng. Thông qua các nghị quyết của Trung ương cũng như thông qua các tổ chức Đảng.

Còn theo Trung tá Đỗ Văn Trung, Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng), vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về “Đảng cầm quyền” trong xây dựng Đảng ta hiện nay, Đảng phải thường xuyên nâng cao trí tuệ, bản lĩnh chính trị, giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân. Đảng cũng cần thường xuyên đổi mới, chỉnh đốn, dân chủ hóa các hoạt động của Đảng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới. Đổi mới, chỉnh đốn và dân chủ hóa hoạt động của Đảng là một biện pháp khắc phục khuyết điểm, giữ vững và tăng cường mối liên hệ mật thiết với nhân dân. Coi trọng đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, tổ chức Đảng, chất lượng tự phê bình, phê bình trong sinh hoạt đảng. Thật sự phát huy dân chủ trong sinh hoạt đảng, từ sinh hoạt chi bộ. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế giám sát quyền lực của Đảng một cách cụ thể, thiết thực và hiệu quả.

Vận dụng linh hoạt 5 loại phương thức lãnh đạo

Đồng chí Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương cho rằng, phương thức lãnh đạo của Đảng là tổng hợp các phương pháp, cách thức và biện pháp mà Đảng sử dụng để thực hiện vai trò lãnh đạo của mình với tư cách là Đảng cầm quyền lãnh đạo nhà nước và toàn xã hội. Nói chung là như vậy, nhưng đối tượng lãnh đạo của Đảng không chỉ có một (đơn nhất) mà có nhiều (đa dạng), cho nên phương thức lãnh đạo không thể áp dụng máy móc cho mọi đối tượng mà phải vận dụng linh hoạt cho từng đối tượng, bởi mỗi đối tượng đều có chức năng, nhiệm vụ không giống nhau.

Theo đồng chí Hà Đăng, có 5 loại phương thức lãnh đạo cho 5 loại đối tượng khác nhau như sau:

Một là, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với nội bộ Đảng, giữa Trung ương với địa phương, giữa cấp ủy với Đảng ủy các ngành, giữa tổ chức đảng với cán bộ, đảng viên.

Hai là, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, với tư cách là cơ quan quyền lực do nhân dân bầu ra và cử lên.

Ba là, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân - người có vai trò quan trọng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước thông qua chức năng giám sát và phản biện xã hội.

Bốn là, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với các lực lượng vũ trang - Quân đội nhân dân và Công an nhân dân - các lực lượng chịu sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng.

Năm là, phương thức lãnh đạo của Đảng thông qua tổ chức đảng và đảng viên trong các tổ chức, kinh doanh đặc thù, các doanh nghiệp nhà nước và ngoài nhà nước.

Do đó, theo đồng chí Hà Đăng, phương thức lãnh đạo của Đảng phải vận dụng linh hoạt cho từng đối tượng, không máy móc áp đặt phương thức lãnh đạo đối tượng này cho đối tượng khác, không có nghĩa là không có những nguyên tắc cơ bản mà cả 5 loại phương thức lãnh đạo đều phải tuân thủ. Theo Cương lĩnh của Đảng: Đảng lãnh đạo bằng Cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn, bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên. Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ năng lực và phẩm chất vào hoạt động trong các cơ quan lãnh đạo của hệ thống chính trị. Đảng lãnh đạo thông qua tổ chức đảng và đảng viên trong các tổ chức của hệ thống chính trị, tăng cường chế độ trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu. Đảng thường xuyên nâng cao năng lực cầm quyền và hiệu quả lãnh đạo, đồng thời phát huy mạnh mẽ vai trò, tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các tổ chức khác trong hệ thống chính trị. Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là bộ phận của hệ thống ấy. Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, chịu sự giám sát của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Quy chế hóa, tiến tới Luật hóa các hoạt động của Đảng

Theo PGS.TS Lưu Văn An, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, để đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng hiện nay cần đổi mới theo hướng quy chế hóa, tiến tới Luật hóa các hoạt động của Đảng; quản lý chặt chẽ đội ngũ cán bộ, đảng viên đang làm việc trong bộ máy nhà nước. Đảng hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, nhưng hiện nay còn thiếu nhiều luật liên quan đến sự lãnh đạo của Đảng. Tiếp tục cụ thể hoá và hoàn thiện Cương lĩnh, đường lối phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta thành các dự án, chương trình công tác lớn, chương trình hành động.

PGS.TS Vũ Văn Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản phát biểu tại Hội thảo

Đảng cũng cần đổi mới mạnh mẽ cách ra nghị quyết, nghiên cứu sắp xếp lại bộ máy Đảng các cấp, chú ý công tác tổng kết, đánh giá việc thực hiện nghị quyết. Nếu cần ra nghị quyết mới thì phải rất ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ.

Bên cạnh đó, Đảng cũng cần tiếp tục đổi mới và nâng cao năng lực bộ máy làm công tác tham mưu của Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo kinh tế, quản lý kinh tế, giải phóng mọi nguồn lực để phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đổi mới tổ chức và phương thức kiểm tra, giám sát quyền lực. Đẩy mạnh và mở rộng dân chủ trong Đảng, củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Xử lý tốt mối quan hệ đảng viên với tổ chức đảng, nâng cao trình độ khoa học hóa, dân chủ hóa trong các quyết sách của Đảng; xây dựng và kiện toàn cơ chế để quần chúng tham gia vào đời sống chính trị đất nước. Quy định rõ những việc và mức độ cấp ủy chỉ đạo chính quyền để không bao biện làm thay, nhưng cũng không buông lỏng vai trò lãnh đạo.

Đại diện Ban Tổ chức, PGS.TS Vũ Văn Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản khẳng định, các ý kiến gửi tới Hội thảo đã luận giải rõ hơn khái niệm về đảng cầm quyền, đảng lãnh đạo; về phương thức lãnh đạo, phương thức cầm quyền của Đảng trong điều kiện một đảng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội; phân tích những khác biệt, chồng lấn, cũng như chỉ rõ sự giao thoa, mối quan hệ chặt chẽ giữa phương thức lãnh đạo và phương thức cầm quyền. Các ý kiến cũng đề xuất nhiều giải pháp đổi mới phương thức lãnh đạo, phương thức cầm quyền của Đảng trong điều kiện mới với nhiều nội dung, chiều cạnh khác nhau, như vấn đề trách nhiệm của đại biểu, trách nhiệm của đảng viên là đại biểu cơ quan dân cử, mối quan hệ kép cần xử lý trong đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng; việc hoàn thiện chế độ bầu cử của cơ quan nhà nước trong tương quan với đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng; mối quan hệ giữa đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng với đổi mới tư duy phát triển kinh tế; đổi mới phương thức lãnh đạo, phương thức cầm quyền của Đảng với tinh gọn tổ chức, bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị các cấp…/.

Bài và ảnh: Hiền Hòa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực