Thống nhất về nhận thức trong xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức

Thứ sáu, 13/10/2023 18:00
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Đó là một trong những ý kiến nhấn mạnh của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tại Hội thảo “Những vấn đề lý luận và thực tiễn công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức trong giai đoạn mới”, diễn ra ngày 13/10.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định: Ý kiến của các đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học đã cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn, tạo sự thống nhất nhận thức về khái niệm, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp của công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức.

Sau một ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần trách nhiệm cao, phát huy dân chủ, sáng tạo, năng lực, trình độ lý luận, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, Hội thảo “Những vấn đề lý luận và thực tiễn công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức trong giai đoạn mới” đã thành công tốt đẹp và bế mạc chiều 13/10.

Các tham luận tại Hội thảo đã tập trung đánh giá thực trạng công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức qua 40 năm thực hiện đường lối đổi mới; làm rõ những kết quả nổi bật; chỉ ra những hạn chế, yếu kém, điểm nghẽn và nguyên nhân của hạn chế; từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, những cách làm hay, sáng tạo trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức. Trên cơ sở dự báo nhân tố trong và ngoài nước tác động trực tiếp tới công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức trong giai đoạn tới, các đại biểu đã đề xuất những giải pháp để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém để Ban Tuyên giáo Trung ương nghiên cứu, tiếp thu, tham mưu Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư có những chỉ đạo về công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức trong thời giai đoạn tới; đồng thời đề xuất những nội dung, quan điểm, phương thức, nhiệm vụ mới của công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức; góp phần xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.

GS.TS. Nguyễn Trọng Chuẩn, Phó Chủ tịch Hội Triết học Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, xây dựng Đảng về mặt đạo đức thực sự là vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; làm cho Đảng thực sự vững mạnh, xứng đáng với niềm tin cậy với nhân dân, hoàn thành những trọng trách vô cùng nặng nề nhưng hết sức cao cả, vẻ vang của mình trước dân tộc trong điều kiện lịch sử đất nước có những thuận lợi rất lớn nhưng cũng không ít khó khăn, còn những diễn biến trên thế giới thì cực kỳ phức tạp và rất khó lường. 

 Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu kết luận Hội thảo.

Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ cho biết, những năm qua, Đảng uỷ Công an Trung ương, các cấp uỷ, tổ chức đảng trong Công an Nhân dân đã thường xuyên quan tâm, chăm lo xây dựng Đảng bộ Công an Trung ương về đạo đức; chú trọng triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng xây dựng cấp uỷ, tổ chức đảng về đạo đức và giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, công tác xây dựng Đảng bộ Công an Trung ương ngày càng được nâng cao chất lượng và đạt được những kết quả rất quan trọng.

Công tác xây dựng Đảng về đạo đức được thực hiện đồng bộ trên hai nội dung là xây dựng đạo đức của tổ chức đảng và xây dựng đạo đức của cán bộ, đảng viên để giáo dục, rèn luyện đảng viên trong toàn Đảng bộ trở thành những cán bộ, đảng viên mẫu mực về tư cách, đạo đức của người đảng viên, người chiến sĩ Công an nhân dân.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, ý kiến của các đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học đã cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn, tạo sự thống nhất nhận thức về khái niệm, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp của công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức; là căn cứ góp phần tổng kết công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức qua 40 năm thực hiện đường lối đổi mới và tham gia xây dựng nội dung Văn kiện Đại hội lần thứ XIV của Đảng.

Qua 81 bài tham luận được tập hợp trong kỷ yếu và các ý kiến phát biểu tại Hội thảo, nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức đã được làm rõ, thống nhất. Theo đó, trên phương diện lý luận, các đại biểu đã thảo luận, thống nhất về khái niệm, nội dung, vị trí, vai trò, tầm quan trọng, mối quan hệ biện chứng giữa công tác xây dựng Đảng về chính trị, xây dựng Đảng về tư tưởng, xây dựng Đảng về đạo đức. Trên phương diện thực tiễn, các đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung thảo luận, phân tích, khái quát những thành tựu của công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức qua 40 năm thực hiện đường lối đổi mới.

Các đồng chí chủ trì Hội thảo

Hội thảo cũng thẳng thắn đánh giá những tồn tại, hạn chế, nhất là những hạn chế kéo dài, những điểm nghẽn, nút thắt cần tập trung giải quyết, tháo gỡ trong thời gian tới như: Học tập các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng còn có biểu hiện hình thức, học qua loa, học cho xong; vẫn còn tình trạng lười học, ngại học nghị quyết, hiểu nghị quyết chưa sâu, chưa chắc; tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng vẫn là khâu yếu; định hướng chính trị, tư tưởng, đạo đức trong phát triển kinh tế, xã hội, các lĩnh vực khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, các vấn đề xã hội chưa rõ nét; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có nơi còn hình thức, làm theo Bác vẫn là khâu yếu...

Từ thực tiễn triển khai công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức qua 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, Hội thảo đã tập trung làm rõ nhiều bài học kinh nghiệm quý báu được rút ra qua thực tiễn 40 năm đổi mới trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Cùng với việc tiếp tục triển khai phương hướng, nhiệm vụ đã nêu trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Trung ương, thời gian tới, cần thực hiện tốt những giải pháp sau đây để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức. Cụ thể:

Tăng cường xây dựng Đảng về chính trị với tinh thần kiên định và không ngừng vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong từng giai đoạn cách mạng. Đó là, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng, kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng. Bốn kiên định này được đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng coi “Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”.  Trong xây dựng Đảng về chính trị, một việc rất quan trọng cần làm tốt là không ngừng nâng cao bản lĩnh, năng lực nghiên cứu dự báo và tham mưu hoạch định đường lối, chính sách phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu hướng phát triển của thời đại. Kịp thời thể chế hóa, cụ thể hóa, triển khai đúng đắn, hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, khắc phục sự yếu kém trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện.

Quang cảnh Hội thảo khoa học quốc gia “Những vấn đề lý luận và thực tiễn công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức trong giai đoạn mới”

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị coi trọng xây dựng Đảng về tư tưởng, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức công tác tư tưởng “... theo hướng chủ động, thiết thực, kịp thời và hiệu quả; nâng cao tính chiến đấu, tính giáo dục, tính thuyết phục trong tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, cần nắm chắc, dự báo đúng, định hướng chính xác, xử lý kịp thời các vấn đề tư tưởng trong Đảng, trong xã hội. Chú trọng nắm bắt, định hướng dư luận xã hội, bảo đảm thống nhất tư tưởng trong Đảng, đồng thuận cao trong xã hội; Đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, hoàn thiện hệ thống lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Gắn tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận với định hướng chính sách; Thực hiện nghiêm Quy định dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị, tạo môi trường dân chủ, khuyến khích tìm tòi, sáng tạo, phát huy trí tuệ của các tổ chức và cá nhân. Chú trọng cập nhật kết quả tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận; sớm kết luận những vấn đề lý luận đã chín, đã rõ để hoàn thiện, phát triển đường lối, chủ trương xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; Tiếp tục đổi mới mô hình tổ chức, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nghiên cứu lý luận. Từng bước đưa hoạt động trao đổi lý luận của Đảng ta với một số đảng cầm quyền, đảng tham chính ở một số nước đi vào chiều sâu, hiệu quả; Đầu tư thích đáng cho việc xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ lý luận; Tiếp tục đổi mới việc học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; đấu tranh ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ…

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu tập trung xây dựng Đảng về đạo đức, “Nêu cao tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, thực hiện thường xuyên, sâu rộng, có hiệu quả việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị”. Để thực hiện tốt nội dung này, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, cần thực hiện tốt ba biện pháp cụ thể: Thực hiện nghiêm túc quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Mỗi đảng viên tự giác nêu gương để khẳng định vai trò tiền phong, gương mẫu, tạo sự lan tỏa. Coi trọng kiểm tra, giám sát trong Đảng kết hợp với phát huy vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, báo chí và nhân dân đối với việc thực hiện các quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên; Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức cách mạng theo tinh thần “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” cho phù hợp điều kiện mới và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Xây dựng các chuẩn mực đạo đức làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hàng ngày. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đạo đức cách mạng; Tăng cường đấu tranh chống các quan điểm, hành vi phản đạo đức, phi đạo đức. Cổ vũ, biểu dương, nhân rộng các gương sáng về thực hành đạo đức, tạo ảnh hưởng, sức lan tỏa sâu rộng trong Đảng và ngoài xã hội./.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực