Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn

Thứ hai, 27/11/2023 22:45
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Tại Tọa đàm“Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức chiều 27/11, các đại biểu nhất trí cho rằng, muốn hình thành văn hóa giao thông, mỗi cá nhân phải chấp hành quy định, tức phải thượng tôn pháp luật. Phải thượng tôn pháp luật mới xây dựng được văn hóa giao thông.

Tọa đàm được tổ chức nhằm đánh giá việc chấp hành chính sách pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông; đóng góp ý kiến đối với việc xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, nâng cao công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông xây dựng văn hoá giao thông trong các tầng lớp Nhân dân.

 Các đại biểu dự Tọa đàm. Ảnh: Trần Hiệp

Đề dẫn Tọa đàm, Phó Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Lê Thanh Kim cho biết, thời gian qua, tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã có những chuyển biến, nhưng còn diễn biến phức tạp. Tai nạn giao thông vẫn ở mức cao và nghiêm trọng, nhất là số người chết, luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho người, phương tiện khi tham gia giao thông.

Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, tính chung trong 10 tháng năm 2023 (từ ngày 15/12/2022 đến 14/10/2023), toàn quốc xảy ra 9.826 vụ tai nạn giao thông, làm chết 5.496 người, bị thương 6.973 người. So với cùng kỳ năm 2022, số vụ, số người chết và số người bị thương đều tăng.

Đáng chú ý, cũng trong thời gian trên, cả nước xảy ra 881 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh (độ tuổi từ 6 - 18 tuổi), làm chết 490 người, bị thương 827 người. Nguyên nhân là do đi không đúng phần đường, làn đường quy định; không chú ý quan sát; chuyển hướng không đúng quy định; tránh, vượt không đúng quy định; không chấp hành biển báo hiệu đường bộ…

Tại Kỳ họp thứ Sáu Quốc hội Khóa XV, Chính phủ đã trình và được Quốc hội cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Việc xây dựng Luật nhằm cụ thể hóa Chỉ thị 23-CT/TW ngày 25.5.2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới.

Các đại biểu đã có nhiều góp ý xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Trong bối cảnh đó, việc tổ chức tọa đàm “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông” với sự tham dự của các đại biểu Quốc hội, các nhà quản lý và các chuyên gia được đánh giá là rất cần thiết. Đây cũng nguồn thông tin tham khảo hữu ích đối với các cơ quan chức năng trong việc hoàn thiện chính sách pháp luật có liên quan, đặc biệt là với dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Bảy sắp tới.

Tham dự tọa đàm có Ủy viên Chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Trịnh Xuân An; PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng; Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng; Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an; PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải.

Các đại biểu đã cho ý kiến nhấn mạnh thực trạng tình hình trật tự, an toàn giao thông hiện nay, mà nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là quy định pháp luật còn chưa đồng bộ, chưa thống nhất, thiếu chặt chẽ; văn hóa giao thông còn nhiều yếu kém; các kết quả đạt được trong công tác đảm bảo an toàn giao thông, đặc biệt là việc tuyên truyền, giáo dục giao thông an toàn với đối tượng thanh thiếu niên; vai trò của các cơ sở giáo dục trong việc góp phần xây dựng văn hóa giao thông;  những điểm mới, nổi bật của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; giải pháp xây dựng văn hóa giao thông; những góp ý xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.../.

TH

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực