Xây dựng Đắk Lắk xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên

Thứ hai, 12/10/2020 13:54
(ĐCSVN) - Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 là một sự kiện chính trị quan trọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Đắk Lắk, là dịp để nhìn lại một giai đoạn, một chặng đường phát triển của tỉnh với nhiều mốc son mới.
Đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk. 

Trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ tỉnh luôn được sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương Đảng, Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương, nhất là việc Bộ Chính trị đã quan tâm, ban hành Kết luận để định hướng phát triển đối với thành phố Buôn Ma Thuột. Bên cạnh đó, tỉnh còn nhận được sự phối hợp, tạo điều kiện giúp đỡ cùng phát triển của các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đặc biệt, những định hướng, giải pháp lớn đã được nêu trong văn kiện Đại hội XII của Đảng và các nghị quyết, kế hoạch, chỉ thị, kết luận của Trung ương; nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; hướng dẫn, của các ban, bộ, ngành Trung ương… là cơ sở, định hướng quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ trong thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, mục tiêu nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra.  

Trong nhiệm kỳ vừa qua, Đảng bộ tỉnh đã xác định đúng, rõ về định hướng phát triển theo chiều rộng và chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm; ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề thực hiện các nhiệm vụ chính trị như cải cách hành chính, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế nông nghiệp… Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội đã chủ động tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và khối đại đoàn kết toàn dân; sự cố gắng, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và người dân là những yếu tố quan trọng, tạo nên những kết quả rõ nét trên từng lĩnh vực.

Nhìn lại nhiệm kỳ qua (2015-2020), kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá, dịch vụ tăng nhanh, đóng góp quan trọng vào việc duy trì tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. Tăng trưởng kinh tế (GRDP theo giá so sánh 2010) bình quân đạt 8,75%/năm ; quy mô nền kinh tế tăng khá, năm 2020 ước đạt 62.500 tỷ đồng, gấp 1,52 lần so với năm 2015 ; cơ cấu kinh tế (theo giá hiện hành) chuyển dịch mạnh ở 02 khu vực dịch vụ và nông, lâm nghiệp. Ngành dịch vụ ngày càng giữ vai trò dẫn dắt, đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng chung của toàn tỉnh. GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) ước đạt 54,55 triệu đồng (tương đương 2.363 USD), gấp 1,67 lần năm 2015.

Ngành Nông nghiệp tăng trưởng khá, đạt 5,64%, giữ vai trò quan trọng trong ổn định kinh tế và đời sống nông thôn. Giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích tăng so với nhiệm kỳ trước . Tái cơ cấu nông nghiệp đang được triển khai theo hướng ứng dụng công nghệ cao, đổi mới tổ chức sản xuất, tăng cường hợp tác, liên kết, thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất và chế biến. Chú trọng xây dựng thương hiệu, sản xuất an toàn, xuất sứ vùng trồng và chứng nhận hàng hoá, góp phần quan trọng đối với tăng trưởng nông nghiệp của tỉnh 5 năm qua, tạo nền tảng và đà phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với thị trường. Kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi tiếp tục được đầu tư, thuỷ lợi đảm bảo chủ động tưới cho 82% diện tích cây trồng. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được quan tâm hơn, nhận thức về rừng của toàn xã hội được nâng lên. Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới đã có sự chuyển biến rõ nét về chất lượng và đi vào chiều sâu .

Cơ cấu nội bộ công nghiệp - xây dựng chuyển dịch tích cực; quy hoạch xây dựng được chú trọng, làm cơ sở quản lý và bảo đảm tính định hướng, đồng bộ. Đã hình thành và phát triển các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn; sản xuất của một số nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng trưởng cao, tỷ trọng lớn và thị trường tiêu thụ tốt; công nghiệp năng lượng tái tạo phát triển nhanh, góp phần tăng tỷ trọng ngành công nghiệp của tỉnh. Các khu, cụm công nghiệp được quan tâm đầu tư, từng bước đáp ứng nhu cầu về mặt bằng cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Công tác quy hoạch nhất là quy hoạch đô thị được quan tâm, chú trọng; các dự án xây dựng hạ tầng khu dân cư đô thị từ nguồn vốn khai thác quỹ đất đã tạo tiền đề mở rộng, chỉnh trang đô thị gắn với cải tạo kết nối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Hạ tầng điện dần được đầu tư hiện đại, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của dân cư.

Đồng chí Bùi Văn Cường thăm hỏi công nhân lao động trên địa bàn tỉnh trong dịp Tết Nguyên Đán 2019. 

Thương mại - dịch vụ duy trì được tốc độ tăng trưởng, hoạt động du lịch phát triển khá. Nhập khẩu tăng mạnh, gấp 4,3 lần năm 2015, với tổng kim ngạch đạt 311 triệu USD do hoạt động nhập khẩu máy móc, thiết bị phục vụ các dự án điện gió, điện mặt trời...

Công tác hợp tác, xúc tiến, quảng bá du lịch được quan tâm hơn, bước đầu tạo sự kết nối với khu, điểm du lịch của tỉnh và các tỉnh trong khu vực. Tỉnh hiện có 27 khu, điểm du lịch hoạt động khá hiệu quả; ngoài ra, bên cạnh việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào du lịch cảnh quan và nghỉ dưỡng, đã hình thành một số khu du lịch trọng điểm tại thành phố Buôn Ma Thuột, đưa vào thử nghiệm thành công và triển khai các tour du lịch đặc thù như “du lịch cà phê”, “du lịch trải nghiệm”... Các lễ hội văn hóa, đặc biệt là Lễ hội Cà phê, Lễ hội Cồng chiêng… được khai thác hiệu quả, góp phần quảng bá hình ảnh, bản sắc của tỉnh...

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 và phê duyệt điều chỉnh, bổ sung đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhờ đó, việc quy hoạch tại đơn vị, địa phương được quan tâm thực hiện; chú trọng rà soát, điều chỉnh, bổ sung, đưa công tác quy hoạch trở thành công cụ quản lý vĩ mô. Công tác quy hoạch ngành, lĩnh vực có nhiều chuyển biến tích cực, làm cho diện mạo xã hội có nhiều thay đổi, góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Các lĩnh vực văn hoá, y tế, giáo dục và an sinh xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được nâng cao, diện mạo đô thị và nông thôn có nhiều khởi sắc. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số được quan tâm chăm lo hơn.

Công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức được đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác chính trị tư tưởng được tiến hành thường xuyên, liên tục. Việc học tập làm theo đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh đạt kết quả quan trọng. Các tổ chức cơ sở đảng được sắp xếp lại theo từng loại hình, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và hoạt động có hiệu quả hơn. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên. Vai trò hạt nhân lãnh đạo chính trị ở cơ sở ngày càng được phát huy; nguyên tắc sinh hoạt đảng được đảm bảo; công tác quản lý đảng viên được thực hiện theo đúng quy định. Cơ cấu đội ngũ đảng viên có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ đảng viên là đoàn viên thanh niên, đảng viên nữ, dân tộc thiểu số, trí thức, đảng viên ở nông thôn chất lượng ngày càng cao, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở đảng.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk đi thăm mô hình kinh tế trên địa bàn tỉnh. 

Công tác cán bộ có nhiều đổi mới, tạo chuyển biến mạnh mẽ, đã tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, khoá XII. Việc tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, bố trí đề bạt cán bộ được triển khai thực hiện cơ bản bảo đảm các quy định của Trung ương. Công tác luân chuyển cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý đã được đẩy mạnh, thực hiện chủ trương bố trí Bí thư Huyện ủy không phải là người địa phương, nhất thể hoá chức danh Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc ở 100% các đơn vị cấp huyện. Đến nay 100% số huyện, thị xã, thành phố bí thư cấp ủy cấp huyện không phải là người địa phương. Ngoài ra, công tác bảo vệ chính trị nội bộ và thực hiện chính sách cán bộ cũng được các cấp ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện chặt chẽ, kịp thời, đúng quy định. Số tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh bình quân hằng năm đạt từ 50% trở lên; tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng yếu kém giảm; chất lượng sinh hoạt chi bộ từng bước được nâng lên.

Trong nhiệm kỳ, toàn tỉnh đã kết nạp 17.738 đảng viên, nâng tổng số đảng viên của Đảng bộ tỉnh lên 80.834 đồng chí; bình quân hàng năm kết nạp 3.547/3.500 đảng viên, vượt 1,36% so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã thống nhất chủ trương, xin ý kiến Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ thực hiện việc báo cáo chương trình hành động và cam kết thực thi trước khi làm quy trình giới thiệu ứng cử, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện cụ thể là chức danh Bí thư Huyện ủy Lắk và Buôn Đôn; tổ chức thí điểm thi tuyển chức danh Giám đốc, phó giám đốc Sở Công Thương, y tế… nhằm bổ nhiệm, đề bạt cán bộ một cách công khai, minh bạch, có cạnh tranh, góp phần chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ, được dư luận quan tâm, đánh giá cao; tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ. Tỉnh đã tổ chức cuộc vận động hiến kế xây dựng Đắk Lắk giàu đẹp văn minh để chắt lọc sáng kiến, hiến kế của các tầng lớp nhân dân trong quá trình xây dựng và phát triển tỉnh. Công tác xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân ngày càng thiết thực, hiệu quả, nhất là hoạt động giám sát, phản biện xã hội, đóng góp ý kiến tham gia xây dựng Đảng, chính quyền nhân dân. Người đứng đầu cấp ủy định kỳ hằng tháng tiếp và đối thoại với công dân đã củng cố và tạo nhiều niềm tin của nhân dân với Đảng. Công tác kiểm tra, nội chính, tư pháp, văn phòng cấp ủy có nhiều đổi mới, tạo chuyển biến tích cực.

Bước sang nhiệm kỳ mới, tỉnh Đắk Lắk cũng có nhiều thuận lợi để phát triển và thách thức đan xen. Hội nhập kinh tế quốc tế và xu hướng toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh tiếp tục phát triển, đặc biệt là đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, mở rộng xuất khẩu. Tiềm năng về nông nghiệp, dịch vụ, du lịch, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo tiếp tục là lợi thế và tạo tiền đề cho tỉnh phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới. Cùng với sự chỉ đạo mạnh mẽ của Đảng, Chính phủ trong xây dựng chính quyền điện tử, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ tạo thuận lợi cho tỉnh trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính, từ đó huy động tốt hơn các nguồn lực phát triển, đặc biệt là các nguồn lực từ thành phần kinh tế tư nhân, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt, Kết luận số 67-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển thành phố Buôn Ma Thuột là cơ sở để thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng và Đắk Lắk nói chung bước vào một giai đoạn phát triển mới.

Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk phấn đấu đến năm 2025 tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị toàn tỉnh trong sạch, vững mạnh; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát huy và tăng cường sức mạnh đoàn kết các dân tộc; đẩy mạnh cải cách, không ngừng nâng cao hiệu quả nền hành chính công, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; ứng dụng khoa học - công nghệ, thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc, từng bước xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên; bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đạt mức trung bình của cả nước vào năm 2025.

Định hướng đến năm 2030, xây dựng tỉnh Đắk Lắk cơ bản trở thành trung tâm vùng, là tỉnh phát triển kinh tế, xã hội nhanh và bền vững khu vực Tây Nguyên, theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là một trong những tỉnh đi đầu của khu vực trong các hoạt động ứng dụng khoa học - công nghệ, thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào sản xuất, đời sống. Đảm bảo đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của Nhân dân, đạt mức trung bình khá của cả nước. Tập trung phát triển thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên theo Kết luận số 67-KL/TW của Bộ Chính trị.

Tầm nhìn đến năm 2045, xây dựng tỉnh Đắk Lắk thực sự là trung tâm của vùng Tây Nguyên trên tất cả các lĩnh vực. Đảm bảo đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân đạt mức khá của cả nước. Trên cơ sở đó, tỉnh phải tập trung thực hiện tốt 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược, tập trung phát triển dựa vào tiềm năng, lợi thế, tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi dậy khát vọng cho từng người dân và doanh nghiệp nhằm phát triển tỉnh giàu đẹp, văn minh, bản sắc, xứng đáng vị thế trung tâm vùng Tây Nguyên./.

Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực