Hà Tĩnh: Bờ sông Ngàn Mọ sạt lở liên tiếp, đe dọa cuộc sống của người dân

Thứ ba, 31/10/2023 16:49
(ĐCSVN) - Ông Đặng Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh cho biết, trong tối 30/10, địa phương đã sơ tán 4 hộ với 21 nhân khẩu ở các vị trí sạt lở nguy hiểm để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. UBND huyện đã có công văn yêu cầu xã Cẩm Duệ chủ động bố trí nhân lực, vật tư, phương tiện tiếp tục xử lý các điểm sạt lở; nhất là điểm sạt lở tại thôn Phương Trứ; yêu cầu sử dụng cọc bê tông, rọ đá, kết hợp các vật liệu gia cố khác, đảm bảo hoàn thành trước 17 giờ ngày 3/11/2023.
Vị trí sạt lở ngày 10/10/2023 của gia đình bà Nguyễn Thị Vân (thôn Phương Trứ) được chính quyền địa phương hỗ trợ kè rọ đá; bà Vân cũng xây tường, lát xi măng nhưng nay lại tiếp tục bị sạt lở (Ảnh: Phan Trâm) 

Người dân xã Cẩm Duệ (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) sống hai bên bờ sông Ngàn Mọ - hạ du Hồ Kẻ Gỗ luôn phải sống trong bất an, lo lắng khi sạt lở, lấn sâu vào nhà và công trình phụ trợ diễn ra thường xuyên. Đặc biệt, sau trận mưa lớn từ đêm 29/10, sạt lở càng trở nên nghiêm trọng.

Gia đình ông Cao Nam Tình và bà Nguyễn Thị Vân (thôn Phương Trứ, xã Cẩm Duệ) mấy ngày nay hầu như không ngủ được vì lo lắng. Ông Tình chia sẻ, trời mưa càng to thì chúng tôi lại càng bất an. Chỉ cần sạt lở thêm 4m nữa vào chân móng là gia đình tôi sẽ mất nhà.

Theo ông Tình, sau trận mưa lớn đêm khuya, rạng sáng 25/10, hàng rào kiên cố dài hơn 30 mét, hố ga xử lý nước và công trình chăn nuôi sau nhà đã trôi theo dòng nước của sông Ngàn Mọ. Trước đó vài tuần, hàng rào này đã bị cuốn trôi một phần và được chính quyền địa phương hỗ trợ nhân lực cùng 100 khối đá để gia cố. Gia đình cũng bỏ thêm 30 triệu đồng để xây dựng kiên cố và lát bê tông nhưng vẫn không ngăn được sạt lở. Hai trận mưa vừa rồi to nhưng nước hồ Kẻ Gỗ chưa xả lũ nên dòng nước chưa mạnh lắm nhưng vườn của gia đình đã sạt lở liên tiếp 2 lần trong thời gian ngắn. Lần sạt lở này dài khoảng 30 mét, rộng 2 mét, chỉ cách nhà hơn 7m.

Cạnh nhà ông Tình bà Vân, phần đất và cây sau vườn của gia đình ông Lê Đức Thắng cũng bị cuốn trôi trong những ngày mưa lớn vừa qua. Ông Thắng đã phải chặt bỏ những cây lớn sát vực sông để tránh nước lũ cuốn trôi thêm nhiều phần đất sau vườn.

Thống kê sơ bộ, đến thời điểm hiện tại, toàn thôn Phương Trứ, xã Cẩm Duệ đã xuất hiện 4 điểm sạt lở lớn, đe dọa trực tiếp đến 7 hộ dân trong thôn. Ngoài thôn Phương Trứ, các thôn: Quốc Tiến, Thống Nhất, Trung Thành đều xuất hiện tình trạng sạt lở do mưa lớn nhiều ngày. Qua rà soát của Ban Chỉ huy Phòng, chống bão lụt huyện Cẩm Xuyên, toàn xã Cẩm Duệ có 14 điểm sạt lở dọc bờ sông Ngàn Mọ, trong đó có 4 vị trí sạt lở nguy hiểm với tổng chiều dài khoảng 150m, ảnh hưởng nghiêm trọng, trực tiếp đến 12 hộ dân. Khoảng 40 hộ dân khác cũng nằm trong vùng bị ảnh hưởng bởi sạt lở đất hai bên bờ sông Ngàn Mọ.

Tại điểm sạt lở thôn Thống Nhất, xã Cẩm Duệ, phần đất phía dưới tường công trình phụ và chuồng chăn nuôi lợn của gia đình anh Trần Văn Hải đã bị nước khoét sâu, nguy cơ chực chờ sụp đổ bất cứ lúc nào. “Hồ Kẻ Gỗ chưa xả lũ mà đã sạt lở như vậy, nếu xả lũ nữa thì không biết còn nguy hiểm đến chừng nào. Để bảo vệ tài sản, tôi phải đưa lợn đi sơ tán chỗ khác vì chuồng lợn có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Cả gia đình lo lắng sạt lở sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhà vì chỉ cách mép sông chưa đầy 3m”, anh Trần Văn Hải cho biết.

Theo chính quyền địa phương, các điểm sạt lở dọc bờ sông Ngàn Mọ, xã Cẩm Duệ đều là vực sâu thẳng đứng. Vì vậy, công tác khắc phục sạt lở hết sức khó khăn. Trước đó, chính quyền địa phương đã gia cố bằng các rọ đá. Tuy nhiên những vị trí sạt lở nguy hiểm mặc dù đã được vá bằng hàng trăm khối đá vẫn không ăn thua. Sau một đợt mưa lớn, một số điểm sạt cũ lại bị nước cuốn xói lở và sạt thêm vị trí mới.

Gia cố bằng cọc bê tông, rọ đá chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài, chính quyền địa phương và người dân vùng bị sạt mong muốn các cấp, ngành quan tâm, hỗ trợ kinh phí để giải quyết triệt để tình trạng sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân./.

Hoàng Ngà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực