Hà Tĩnh thực hiện "3 sẵn sàng" trong phòng, chống thiên tai

Thứ sáu, 16/08/2024 15:44
(ĐCSVN) - Với phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng” trong công tác phòng, chống thiên tai, cấp ủy và chính quyền các cấp tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng ngừa thiên tai; cùng cộng đồng, người dân thực hiện với nguyên tắc “phòng là chính” nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Những công trình xung yếu đang được gia cố trước mùa mưa bão (Ảnh: Tiến Dũng)

* Sẵn sàng ứng phó

Nằm ở khu vực cửa biển, xã Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) quanh năm hứng chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới, triều cường. Tuy nhiên, nhờ làm tốt công tác chủ động phòng, chống, nhiều năm gần đây, xã Cẩm Nhượng chưa ghi nhận thiệt hại về người do thiên tai.

Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ, trong mọi tình huống xảy ra, xã Cẩm Nhượng luôn sẵn sàng “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) để chủ động ứng phó với thiên tai. Trong đó, vấn đề di dời, bảo đảm an toàn cho người dân luôn được đặt lên hàng đầu theo kịch bản đã được phê duyệt.

Tại xã Cẩm Nhượng, tuyến kè biển Cửa Nhượng có vị trí cực kỳ xung yếu trong đảm bảo an toàn, tính mạng cho người dân. Đầu năm 2024, Ủy ban nhân dân huyện Cẩm Xuyên đã hoàn thành việc xử lý khắc phục hư hỏng các đoạn mái kè bị sụt lún, khôi phục nguyên trạng cấu kiện bê tông. Nhờ vậy, người dân Cẩm Nhượng yên tâm trước mùa mưa bão năm nay.

Khác với người dân khu vực cửa biển, người dân các huyện miền núi Hà Tĩnh lại sống với nỗi lo lũ quét, sạt lở, ngập lụt… nên chủ động sẵn sàng phương án để ứng phó. Từng chứng kiến trận lũ quét lịch sử xảy ra vào năm 2013 khiến 1 người chết, 4 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, hàng trăm ngôi nhà bị trôi hết đồ đạc và vật dụng trong gia đình, 350 tấn lương thực lúa, gạo bị hư hỏng…, người dân thôn Làng Chè (xã Sơn Kim 2, huyện Hương Sơn) luôn sẵn sàng tinh thần ứng phó.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sơn Kim 2 Lê Hồng Phong cho biết, rút kinh nghiệm từ trận lũ quét năm 2013, chính quyền địa phương đã chủ động thông báo cho người dân biết về tình hình mưa lớn, các sự cố có thể xảy ra do mưa lớn để mọi người di chuyển ra khỏi các vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất như: đồi dốc, chân vách đá, bờ bãi thấp ven sông suối, trên đường đi của dòng chảy lũ, các chân ta luy dễ bị sạt lở...

Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Hương Sơn, địa phương hiện có 234 hộ, 822 khẩu nằm trong vùng lũ quét; 380 hộ, 910 khẩu nằm trong vùng ngập lụt và 472 hộ, 1.601 khẩu nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở đất. Để bảo đảm an toàn cho người dân trong mùa mưa bão, địa phương đã chủ động triển khai lực lượng dân quân tự vệ, xung kích kiểm tra, rà soát, chốt chặn, cắm biển cảnh báo tại các khu vực trũng thấp, sườn đồi núi, khu dân cư nằm sâu trong núi.

* Nâng cao khả năng ứng phó

Xã Quang Vĩnh (huyện Đức Thọ) nằm ngoài đê La Giang - nơi tiếp giáp giữa sông Cả, Sông La và sông Lam. Do đó, mỗi khi mùa mưa lũ đến, nước từ thượng nguồn đổ về, đồng ruộng, nhà cửa nơi đây ngập trắng xóa; các khu vực dân cư bị chia cắt hoàn toàn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Năm 2021, Hà Tĩnh huy động nguồn lực, xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kết hợp với tránh trú bão và 24 căn nhà mới có khả năng tránh lũ cho các hộ dân vạn chài sống trên sông. Nhờ đó, cuộc sống của người dân Quang Vĩnh vào mùa mưa lũ đỡ vất vả và an toàn hơn.

Bà Hoàng Thị Lý (người dân thôn Tiền Phong, xã Quang Vĩnh, huyện Đức Thọ) cho biết, trước đây, mỗi khi mùa mưa lũ về, người dân thường trèo lên các đồ vật trên cao để tránh lũ. Từ khi có nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh lũ, mọi người sơ tán lên đó, đảm bảo an toàn nên rất yên tâm.

Theo Trưởng thôn Tiền Phong Nguyễn Trường Sinh, cấp ủy, chính quyền và người dân luôn chủ động các phương án để ứng phó với mưa lũ. Tuy nhiên do tác động của biến đổi khí hậu, nước lũ đổ về không theo quy luật nên tình hình ngập lụt ngày càng phức tạp hơn. Sau khi được tỉnh hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão lũ với diện tích 400 m2 (tầng một phục vụ nhu cầu vui chơi, sinh hoạt cộng đồng; tầng hai gồm phòng sinh hoạt cộng đồng, phòng tránh trú bão lũ, sân khấu, bếp, kho và khu vệ sinh chung), người dân đã có chỗ trú an toàn trong mùa mưa lũ.

Thực hiện chủ trương huy động nguồn lực xã hội hóa xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão lũ, Hà Tĩnh đã huy động được hàng trăm tỷ đồng để xây dựng 56 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão và gần 8.000 nhà ở kiên cố hỗ trợ người dân vùng thiên tai. Nhờ đó đến nay, tất cả hộ dân ở các khu vực trọng điểm, xung yếu, thường xảy ra thiên tai trên địa bàn Hà Tĩnh đều tìm được nơi che chắn an toàn.

Mùa mưa bão đã cận kề cùng với việc nâng cao ý thức chủ động phòng tránh cho người dân, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo các đơn vị, cơ quan chức năng nắm bắt các loại hình thiên tai và cấp độ rủi ro có khả năng xảy ra tại địa phương và lĩnh vực quản lý; chuẩn bị kỹ lưỡng, cụ thể từng tình huống, phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả. Tỉnh phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, huy động toàn dân, toàn xã hội tham gia công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; trong đó chú trọng thực hiện nguyên tắc "3 sẵn sàng" (chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả) và quán triệt phương châm “4 tại chỗ” từ tỉnh đến thôn, xóm.

Hoàng Ngà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực