Nắng nóng kéo dài và những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe

Thứ sáu, 12/07/2024 11:02
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Biến đổi khí hậu khiến chúng ta phải trải qua những đợt nắng nóng kéo dài hơn. Người đang mắc bệnh mãn tính như tim mạch, tiểu đường... hãy chú ý để bảo vệ sự an toàn của mình. Những người cảm thấy sức khỏe không ổn cần trao đổi với bác sĩ để có giải pháp.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của nắng nóng gay gắt, thời tiết một số tỉnh, thành miền Bắc và miền Trung ban ngày nhiệt độ có lúc lên đến 38-40 độ, có nơi trên 40 độ.

Các chuyên gia y tế lưu ý thời tiết nắng nóng tác động rất nhiều đến sức khỏe, làm gia tăng các ca đột quỵ, sốc nhiệt. Vì vậy, mỗi người cần biết cách để giữ gìn sức khỏe trong những ngày nắng nóng.

Những người cần được chú ý khi nhiệt độ tăng cao

Điều cần lưu ý là bất kỳ tình trạng bệnh mãn tính nào cũng là một vấn đề khi nắng nóng, nhưng có một số đối tượng có nguy cơ cao về sức khỏe khi nhiệt độ quá nóng.

Người già và bất cứ ai dùng thuốc đều ảnh hưởng đến khả năng giữ nước của cơ thể, chẳng hạn như thuốc lợi tiểu, có thể dễ bị bệnh liên quan đến nhiệt nhiều hơn. Nếu bạn có bất kỳ tình trạng nào sau đây, điều quan trọng là phải thận trọng trong những ngày có nhiệt độ cực cao:

Bệnh tim mạch và huyết áp: nhiệt độ cao có thể làm tăng nguy cơ đau tim, rối loạn nhịp tim, suy tim và nguy cơ đãn tới tăng huyết áp.

Hen suyễn:  bất cứ ai bị hen suyễn, đặc biệt là trẻ em, có thể cảm thấy khó thở hơn vào những ngày nắng nóng. Một số bằng chứng cho thấy rằng ống hít được bảo quản ở nhiệt độ quá cao có thể không hoạt động tốt, có thể khiến một liều thuốc không được đầy đủ như nhiệt độ bình thường.

Bệnh phổi:  nhiệt có thể gây kích ứng phổi, gây ra các cơn bùng phát cho người lớn hút thuốc, mắc bệnh hen suyễn hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) - ngay cả đối với những người dành phần lớn thời gian ở trong nhà. Nhiệt cũng làm tăng ô nhiễm không khí ozone và nguy cơ mất nước, cả hai đều có thể gây khó thở hơn.

Sức khỏe tâm thần: có bằng chứng rõ ràng về nhiều trường hợp tự tử và phạm tội bạo lực hơn vào những ngày cực kỳ nóng. Nhiệt cũng có thể ảnh hưởng đến mức độ nghiêm trọng của triệu chứng ở những người bị rối loạn tâm thần và tâm thần phân liệt.

Bệnh tiểu đường:  những người mắc bệnh tiểu đường loại 1 hoặc loại 2 gặp khó khăn hơn trong việc điều chỉnh nhiệt độ cơ thể và lượng đường trong máu khi trời nóng. Nhiệt độ quá cao cũng có thể làm hỏng insulin, máy bơm insulin và máy đo đường huyết.

Mang thai:  nhiệt độ cao hơn và ô nhiễm không khí có thể làm tăng nguy cơ trẻ sinh ra quá sớm hoặc nhẹ cân.

Nhiệt độ quá cao có thể làm xáo trộn sự cân bằng của các khoáng chất thiết yếu trong máu được gọi là chất điện giải đối với nhiều người mắc bệnh mãn tính (đặc biệt là bệnh tim và thận) hoặc bệnh tiểu đường. Khi điều này xảy ra, một người có thể cảm thấy mệt mỏi, buồn nôn hoặc đau đầu. Trong những trường hợp cực đoan, cơn đau tim, nhịp tim không đều (loạn nhịp tim) hoặc các vấn đề với các cơ quan khác có thể xảy ra. Việc nhập viện trong các đợt nắng nóng kéo dài hai ngày trở lên thường là do say nắng, mất cân bằng nước và điện giải cũng như suy thận cấp. Ở những người lớn tuổi, nguy cơ nhập viện cao kéo dài đến năm ngày sau ngày nóng nhất.

Một số bệnh thường gặp trong mùa nắng nóng

Say nắng, say nóng: Nguyên nhân chủ yếu là do phải tiếp xúc quá lâu hoặc làm việc trong môi trường nắng nóng, nhiệt độ cao hoặc cũng có thể do thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột.

Triệu chứng điển hình là mệt mỏi, khát nước, hoa mắt, chóng mặt, tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, hồi hộp đánh trống ngực, chuột rút; ở mức độ nặng gây đau đầu dữ dội, khó thở tăng dần, cảm giác buồn nôn hoặc nôn, yếu hoặc liệt nửa người, co giật, ngất xỉu hoặc hôn mê, trụy tim mạch (tim đập nhanh, huyết áp tụt…) và có thể tử vong.

Bệnh về đường tiêu hóa (như ngộ độc thực phẩm, tả, lỵ) vì khi nhiệt độ tăng cao, nắng nóng dài ngày khiến thực phẩm dễ bị ôi, thiu đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn tả, lỵ sinh sôi nảy nở và gây bệnh.

Bệnh về đường hô hấp: Khi thời tiết nắng nóng, việc chống nóng bằng cách bật quạt gió mạnh trực tiếp vào người hoặc để nhiệt độ điều hòa quá thấp có nguy cơ làm khô vùng hầu họng, các chất nhầy bảo vệ đường hô hấp bị khô, tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật gây bệnh xâm nhập và phát triển gây nên các bệnh đường hô hấp, đặc biệt là gây viêm amidan, viêm thanh quản, phế quản cấp tính, nặng hơn có thể gây viêm phổi.

Uống nước đá lạnh trong những ngày nắng nóng cũng là nguyên nhân gây viêm họng, đặc biệt là ở trẻ em.

Bệnh về da: Tia tử ngoại và các bức xạ khác có trong ánh sáng mặt trời rất nguy hại, có thể gây một số bệnh về da như sạm da, lão hóa da, bỏng nắng, ung thư da và các bệnh về mắt như đục thủy tinh thể... Trẻ em mùa nắng nóng thường mắc bệnh rôm, sảy, viêm da dị ứng gây ngứa.

Nắng nóng cũng là nguyên nhân khiến nồng độ ozon và một số chất ô nhiễm khác trong không khí tăng cao gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người, nắng nóng còn làm gia tăng các bệnh tai biến mạch máu não, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, thậm chí gây đột tử. Một số bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng,… cũng có thể gia tăng và gây dịch vào mùa nắng nóng.

Khuyến cáo chăm sóc sức khỏe mùa nắng nóng

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyên nên tìm hiểu cách tránh, phát hiện và điều trị các bệnh liên quan đến nhiệt. Hiện tại, các nhà khoa học không có đủ bằng chứng để khuyến nghị về thay đổi chế độ dùng thuốc khi nhiệt độ thay đổi. Nhưng người bệnh có thể nói chuyện với bác sĩ về tình hình của mình và thực hiện các bước để kiểm soát sức khỏe của mình khi trời nóng.

Người có bệnh mãn tính nên tìm cách để căn nhà/phòng bạn ở thoáng mát, đừng đợi cảnh báo thời tiết với nhiệt độ tăng cao mới hành động hoặc dùng nhiều loại thuốc.

Việc đầu tiên là xem dự báo thời tiết vào buổi sáng và chú ý đến những ngày nóng hơn bình thường ở nơi người bệnh sống và đặc biệt là tránh không ra ngoài trời nếu không cần thiết, vì điều này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.

Người ra đường luôn mặc áo chống nắng để tránh sốc nhiệt.

Nếu các triệu chứng của người bệnh đã từng bùng phát vào những ngày trời nóng, càng phải cần thận trọng hơn khi ra ngoài. Nếu đi ra ngoài, hãy cố gắng ở trong bóng râm. Người bệnh hãy cảnh giác với cảm giác về cơ thể và tìm một nơi mát mẻ nếu cảm thấy các triệu chứng phát sinh.

Người bệnh nên thường xuyên uống nước và đồ uống bổ sung chất điện giải. Một số đồ uống thể thao có chất điện giải nhưng có thể có nhiều đường. Đó có thể là một vấn đề đối với những người mắc bệnh tiểu đường, vì vậy hãy đọc nhãn cẩn thận.

Rèn luyện thân thể để nâng cao sức đề kháng và sức chống chịu của bản thân với điều kiện thời tiết nắng nóng. Ngoài ra, người dân cần tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường để phòng tránh mắc các bệnh truyền nhiễm.

Không sử dụng các loại đồ uống có cồn. Cần uống nước đều đặn trong suốt thời gian làm việc. Đặc biệt cần uống thêm các loại nước có bổ sung thêm muối và khoáng chất như Oresol đối với những người bị mất nhiều mồ hôi trong quá trình làm việc, khi uống nước cần tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất.

Ngoài ra, cần thực hiện các biện pháp làm thoáng mát nơi làm việc như sử dụng mái che, các tấm phản chiếu nhiệt, vật liệu cách nhiệt, hệ thống phun nước, phun sương, lắp đặt hệ thống điều hòa, hệ thống quạt thông gió phù hợp./.

NTT (Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực