Ngành Nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

Thứ năm, 21/03/2024 16:43
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
Nông nghiệp là lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH), do đó, để nông nghiệp phát triển cân bằng, ổn định, đảm bảo an ninh lương thực, bảo vệ môi trường thì việc nghiên cứu đưa ra các phương pháp canh tác nông nghiệp thông minh, thích ứng với BĐKH là yêu cầu cấp thiết.

Sự thay đổi của hệ thống khí hậu như hiện tượng nóng lên toàn cầu dẫn đến sự dịch chuyển dần những trạng thái khí hậu mới, có thể thuận lợi hoặc không thuận lợi đối với sản xuất nông nghiệp. Ví dụ, nhiệt độ tăng cao hơn, đối với một số cây trồng hiện nay, không còn phù hợp điều kiện khí hậu thời điểm nắng nóng, dẫn đến sâu bọ, dịch bệnh phát triển, thoái hóa đất, nước biển dâng gây ngập lụt… cùng những ảnh hưởng khác đến sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, có những loại cây trồng khá phù hợp với thời tiết nắng nóng, như vậy việc nghiên cứu các loại giống, loại phù hợp với thời tiết để biến "nguy thành cơ" là nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Theo các nhà nghiên cứu, biến đổi khí hậu dự kiến làm giảm khoảng 12% diện tích sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng sông Hồng và 24% ở đồng bằng sông Cửu Long. Biến đổi khí hậu không chỉ ảnh hưởng đến diện tích sản xuất nông nghiệp mà còn liên quan tới cả năng suất nông nghiệp. Nếu mực nước biển dâng cao 1m, năng suất canh tác lúa ở đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ giảm 40,5%. Do đó việc sử dụng các mô hình sinh kế thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu là một hướng đi cần thiết.

Trong khi năng suất cây trồng như lúa và bắp dự báo sẽ giảm thì dịch bệnh dự kiến sẽ tăng do điều kiện khí hậu trở nên khắc nghiệt hơn. Kịch bản biến đổi khí hậu trung bình dự báo sản lượng lúa xuân có thể giảm 716,6 kg/ha vào năm 2050, trong khi sản lượng lúa hè thu có thể giảm 795 kg/ha. Điều này sẽ làm tổng sản lượng lúa giảm 1.475.000 tấn. Sản lượng ngô có thể giảm 781,9 kg/ha, dẫn đến tổng sản lượng giảm 880.000 tấn. Hơn nữa, phần lớn vùng đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng sẽ bị chìm trong nước do tác động của mực nước biển dâng vào năm 2070, gây ra những tác động bất lợi đối với ngành thủy sản. Nuôi trồng thủy sản trong ao, hồ có thể bị thiệt hại hoàn toàn do nước biển dâng. Biến đổi khí hậu cũng sẽ làm giảm tính đa dạng của các loại thủy sản và làm suy thoái chất lượng đất.

Về mặt năng suất, dự báo đến cuối năm 2050, biến động năng suất của đa số các nhóm sản phầm đều chịu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Mặc dù năng suất được dự đoán sẽ gia tăng cả trong trường hợp có và không có tác động của BĐKH, mức tăng trưởng năng suất sẽ thấp hơn trong điều kiện có tác động của BĐKH. Ví dụ, vào năm 2050, năng suất bắp dự kiến sẽ thấp hơn 16% do tác động của BĐKH. Các nhóm sản phẩm khác dự kiến sẽ có mức chênh lệch năng suất từ 3,6% (sắn) đến 6,6% (cà phê và gạo). Nhìn chung, thay đổi về năng suất biến động rất khác nhau giữa các loại cây trồng:

Ảnh hưởng của BĐKH đối với chăn nuôi gia súc được cho là tiêu cực và khác nhau đối với mỗi loại gia súc. Tác động của biến đổi khí hậu đối với chăn nuôi heo rõ rệt hơn đối với các gia súc khác (kể cả bò, gia cầm, cừu ...). Chăn nuôi heo dự kiến sẽ giảm 8,2 % số đầu con nếu không tính đến các cú sốc khí hậu và mức giảm này sẽ sâu hơn 1 điểm % trong trường hợp có tác động của BĐKH. Tác động của BĐKH đối với các loại vật nuôi khác không đáng kể. Theo dự đoán, quy mô đàn sẽ tương đối ổn định kể cả trong trường hợp có tác động của BĐKH.

Hệ thống tưới tiêu tự động cho cây trồng 

Dự báo trong tương lai, các xu thế tác động BĐKH sẽ diễn ra nhanh và phức tạp hơn. Do vậy, đây được coi là một thách thức lớn đối với sản xuất nông nghiệp. Từ đó, việc chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp thông minh ứng phó với BĐKH là xu thế tất yếu, không chỉ riêng Việt Nam áp dụng mà đang được nhân rộng mô hình trên toàn thế giới.

Việt Nam hiện đang có nhiều thuận lợi để phát triển ngành nông nghiệp thông minh thích ứng với BĐKH. Chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước đã thể hiện được "tầm nhìn chiến lược" khi văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết 19 và trong Chương trình mục tiêu Quốc gia về thích ứng BĐKH,… đều nêu rõ những giải pháp quan trọng trong ứng phó với BĐKH đối với ngành nông nghiệp như: Áp dụng nông nghiệp công nghệ cao, ứng phó với BĐKH, giảm phát thải khí nhà kính,…

Để có được những giải pháp cụ thể, mang tính đột phá cho ngành nông nghiệp, những năm qua, nhiều cơ quan nghiên cứu khoa học đã tạo ra nhiều giống cây trồng mới phù hợp hơn với điều kiện khắc nghiệt của thời tiết, ứng dụng công nghệ cao cho sản xuất, canh tác và đã cho kết quả khả quan. Có thể kể đến giải pháp công nghệ tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước khu vực miền Trung, Tây Nguyên, nghiên cứu giống lúa chịu mặn cao; nhiên cứu các loại trái cây phù hợp thổ nhưỡng để xây dựng vùng chuyên canh; nghiên cứu giống ngô và các loại cây lương thực phù hợp với những vùng sương giá miền núi phía Bắc...

Để phát triển thành công nông nghiệp công nghệ cao, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, Nhà nước cùng người dân, doanh nghiệp. Trong đó, trách nhiệm của người dân phải tự nâng cao nhận thức, hiểu biết về vấn đề nông nghiệp thông minh, thích ứng với BĐKH, đòi hỏi người nông dân dám nghĩ, dám làm, thử nghiệm việc áp dụng các giải pháp thông minh, ứng dụng các sáng kiến trong những mô hình phát triển nông nghiệp bền vững, từ đó, đảm bảo nền sản xuất nông nghiệp có thể đạt hiệu quả cao, thích ứng được với BĐKH./.

VH(Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực