Nhiều biện pháp giảm phát thải khí nhà kính

Thứ hai, 26/06/2023 14:11
Hiện nay, sự biến đổi của khí hậu và những diễn biến bất thường gây ra những hậu quả đến môi trường và đời sống sinh hoạt. Để có thể hạn chế mức thấp nhất sự ảnh hưởng tới môi trường cần có những giải pháp thiết thực, một trong số đó chính là giảm phát thải khí nhà kính.

Hiện tượng biến đổi khí hậu đang là một trong những vấn đề nghiêm trọng, đây là một thách thức lớn đối với toàn nhân loại. Nguyên nhân chính được ghi nhận là do lượng phát thải khí nhà kính không có xu hướng giảm trong những năm qua. Nếu tình trạng này còn gia tăng, nó sẽ làm nặng nề thêm những thay đổi của khí hậu toàn cầu cũng như gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với tự nhiên và con người do đó chúng ta nên có các giải pháp để giảm phát thải nhà kính.

Khí nhà kính là những khí có khả năng hấp thụ các bức xạ sóng dài (hồng ngoại) được phản xạ từ bề mặt Trái Đất khi được chiếu sáng bằng ánh sáng mặt trời, sau đó phân tán nhiệt lại cho Trái Đất, gây nên hiệu ứng nhà kính. Các khí nhà kính chủ yếu bao gồm: hơi nước, CO2, CH4, N2O, O3, các khí CFC. Trong hệ mặt trời, bầu khí quyển của Sao Kim, Sao Hỏa và Titan cũng chứa các khí gây hiệu ứng nhà kính. Khí nhà kính ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiệt độ của Trái Đất, nếu không có chúng nhiệt độ bề mặt Trái Đất trung bình sẽ lạnh hơn hiện tại khoảng 33 °C (59 °F).

Việt Nam đã xác định nhiều biện pháp giảm phát thải khí nhà kính từ nay đến 2030 cho các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp (LULUCF), chất thải và các quá trình công nghiệp.

* Nông nghiệp thông minh để giảm phát thải

Lĩnh vực nông nghiệp thực hiện việc giảm phát thải thông qua các biện pháp như ứng dụng các giải pháp quản lý cây trồng tổng hợp; áp dụng các công nghệ trong trồng trọt như tưới khô ướt xen kẽ và SRI ở vùng có hạ tầng đầy đủ; hiện đại hoá tưới nước và bón phân cho cây dài ngày; rút nước giữa vụ trong canh tác lúa; chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả thành đất cây trồng cạn hoặc đất tôm - lúa; bón phân compost và nông nghiệp hữu cơ; thay phân đạm bằng các loại phân chậm tan, phân hóa chậm; cải thiện khẩu phần ăn gia súc nhai lại; tuần hoàn chất thải nông nghiệp làm phân hữu cơ; phát triển sử dụng khí sinh học.

Trồng lúa nước là nguồn phát thải KNK lớn nhất trong nông nghiệp

Đặc biệt, Việt Nam đã tham gia cam kết giảm phát thải khí mê-tan 30% vào năm 2030 so với mức phát thải của năm 2020 tại COP 26 nên việc giảm phát thải khí mê-tan trong nông nghiệp được chú trọng. Giảm khí mê-tan được thực hiện trong canh tác lúa nước và quản lý chất thải vật nuôi, phế phụ phẩm nông nghiệp.

*ng dụng công nghệ cao và quản lý chất thải trong công nghiệp

Trong lĩnh vực chất thải, để giảm phát thải khí nhà kính, Việt Nam thực hiện các biện pháp quản lý, giảm phát sinh chất thải rắn; phát triển và áp dụng công nghệ tái chế chất thải rắn; sản xuất phân compost và nhiên liệu có nguồn gốc từ chất thải (RDF); thu hồi, đốt và sử dụng khí mê-tan từ bãi chôn lấp chất thải rắn; tối ưu hóa điều kiện xử lý nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp; ứng dụng công nghệ sinh học để loại bỏ khí mê-tan từ quá trình xử lý nước thải sinh hoạt; thu hồi khí mê-tan từ xử lý nước thải công nghiệp.

Sử dụng phụ gia khoáng thiên nhiên thay thế clinker; sử dụng phụ gia là phế thải từ các ngành công nghiệp thay thế clinker; áp dụng công nghệ tốt nhất (cải tiến công nghệ BOF) để giảm phát thải N2O cho ngành hóa chất; áp dụng công nghệ tốt nhất để giảm phát thải trong ngành thép; sử dụng các môi chất lạnh thân thiện với khí hậu; thu hồi, tái chế và tiêu hủy các chất HFCs là các biện pháp giảm phát thải trong lĩnh vực các quá trình công nghiệp.

* Giảm phát thải trong sử dụng và cung cấp năng lượng

Lĩnh vực năng lượng tập trung giảm phát thải ở 2 nội dung chính là sử dụng năng lượng và cung cấp năng lượng.

Để sử dụng năng lực hiệu quả, giảm phát thải khí nhà kính, Việt Nam sẽ sử dụng điều hòa nhiệt độ và thiết bị lạnh hiệu suất cao trong dịch vụ thương mại và gia dụng; sử dụng đèn thắp sáng tiết kiệm điện; sử dụng thiết bị đun nước nóng mặt trời; sử dụng khí sinh học và nhiên liệu sạch hơn thay than cho đun nấu gia đình ở nông thôn; sử dụng các biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các ngành công nghiệp; sử dụng các thiết bị điện, thiết bị lạnh hiệu suất cao trong dịch vụ, thương mại và công nghiệp; cải tiến, phát triển và áp dụng công nghệ trong sản xuất vật liệu xây dựng; sử dụng hiệu quả năng lượng trong giao thông vận tải; giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu đối với xe cơ giới; chuyển đổi phương thức vận tải hành khách và hàng hoá; tăng hệ số tải của ô tô; sử dụng CNG và nhiên liệu sinh học; sử dụng các loại xe máy, ô tô, xe buýt chạy điện.

Sử dụng năng lượng gió để cung cấp năng lượng

Trong vấn đề cung cấp năng lượng hướng đến giảm phát thải, Việt Nam phát triển năng lượng tái tạo như thuỷ điện nhỏ, năng lượng gió, mặt trời; phát triển nhiệt điện sinh khối, điện rác thiêu đốt và điện rác chôn lấp, điện khí sinh học; sử dụng công nghệ tua-bin khí hỗn hợp dùng LNG; phát triển công nghệ nhiệt điện cực siêu tới hạn.

* Bảo vệ rừng và sử dụng đất tại COP 26 ( COP26 là viết tắt của Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu).

Bảo vệ diện tích rừng tự nhiên hiện có ở vùng đồi núi, trong đó ưu tiên các điểm nóng về mất rừng và suy thoái rừng; bảo vệ rừng phòng hộ và rừng đặc dụng ven biển; phục hồi rừng phòng hộ và rừng đặc dụng; nâng cao chất lượng và trữ lượng các-bon rừng tự nhiên nghèo; nâng cao năng suất và trữ lượng các-bon của rừng trồng gỗ lớn; nhân rộng các mô hình nông lâm kết hợp để nâng cao trữ lượng các-bon và bảo tồn đất; quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng. Các biện pháp giảm phát thải trong lĩnh vực LULUCF thể hiện quyết tâm của Việt Nam thực hiện Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất./.

VH (Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực