Sử dụng thuốc trừ cỏ tràn lan - nguy hại sức khỏe con người và môi trường

Thứ tư, 06/03/2024 14:18
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) Việc sử dụng thuốc trừ cỏ để bảo vệ cây trồng gây nguy hiểm nghiêm trọng tới môi trường và sức khỏe con người. Vì vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền người dân thực hiện phong trào không sử dụng thuốc trừ cỏ, thu gom, xử lý bao bì, chai lọ thuốc trừ cỏ sau khi sử dụng rất cần được quan tâm để bảo vệ môi trường sống, sức khỏe con người và cả nền nông nghiệp bền vững.

Việt Nam là một đất nước khí hậu nhiệt đới, có nền nông nghiệp phát triển, việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật là cần thiết, góp phần nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa trên thị trường trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, ngày càng xuất hiện tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật đem đến nhiều hệ lụy tác hại cho sản xuất, môi trường, sức khỏe cộng đồng, đe dọa sự phát triển bền vững của nông nghiệp. Thậm chí, nhiều loại nông sản đã phải mang tiếng trên thi trường quốc tế vì có tồn dư thuốc trừ sâu quá mức cho phép.

Thay vì canh tác, phát quang ruông vườn trước khi vào vụ mới bằng các dụng cụ nông nghiệp, người nông dân ở nhiều địa phương lại sử dụng thuốc trừ cỏ để rút ngắn thời gian và diệt cỏ cho nhanh chóng. Việc làm này thực sự gây ô nhiễm môi trường, đi ngược lại với chính sách sản xuất nông nghiệp hữu cơ, hướng đến sản phẩm nông sản sạch và an toàn.

Việc lạm dụng thuốc trừ cỏ trong sản xuất đem lại sự lo ngại về những ảnh hưởng tiêu cực của nó đến môi trường, đến chất lượng nông sản cũng như sức khỏe của con người. Đặc biệt đe dọa sự phát triển bền vững của nông nghiệp. Việc chăn nuôi càng khó khăn vì trâu bò ăn phải cỏ bơm thuốc sẽ đau bụng, gầy yếu.

Thuốc trừ cỏ sau khi sử dụng ngấm vào đất, hòa vào nước, không chỉ làm ô nhiễm nguồn nước bề mặt mà cả nước ngầm, sau đó tích tụ trong động vật thủy sinh. Nếu con người ăn thịt của những loài động vật này, cơ thể sẽ bị nhiễm hóa chất, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh tật hiểm nghèo.

Ảnh hưởng của thuốc trừ cỏ đối với môi trường

Thuốc trừ cỏ ngày càng được sử dụng phổ biến trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp,… Quá trình sử dụng thuốc trừ cỏ lâu dài, quá mức mà không có những giải pháp quản lý, xử lý dễ dẫn đến tích lũy và tồn lưu một số hoạt chất có nguồn gốc từ thuốc trừ cỏ trong môi trường. Đặc biệt phổ biến nhất trong môi trường đất, nước. Ở nước ta, các loại thuốc trừ cỏ được sử dụng rộng rãi từ Bắc tới Nam trong canh tác nông nghiệp là chủ yếu. Vấn đề tồn dư những hoạt chất có nguồn gốc từ thuốc trừ cỏ gần đây cũng đặc biệt được quan tâm trong môi trường đất và nước mặt. Thành phần hóa học chủ yếu của các loại thuốc trừ cỏ chủ yếu là các hợp chất hữu cơ kết hợp với gốc chlor, nitơ hay phốtpho. Cơ chế diệt cỏ chủ yếu từ tác dụng của các hoạt chất gây ức chế các quá trình trao đổi chất, tổng hợp chất dinh dưỡng, quang hợp của cỏ dại. Thuốc trừ cỏ được sử dụng trực tiếp lên cỏ hay qua đất. Chính vì vậy việc sử dụng quá mức và lâu dài thuốc trừ cỏ có tiềm ẩn gây ảnh hưởng đến môi trường đất, nước bởi tích lũy và tồn dư của dư lượng thuốc trừ cỏ. Hoạt chất trong thuốc trừ cỏ được sử dụng tồn dư và các chất trung gian trong quá trình phân hủy các hoạt chất theo thời gian có khả năng tích lũy trong môi trường đất, nước ảnh hưởng đến hệ sinh thái và sức khỏe con người.

Vỏ thuốc trừ cỏ nằm rải rác trên đồng ruộng

Ảnh hưởng của thuốc trừ cỏ lên sức khỏe con người

Con người tiếp xúc trực tiếp với thuốc trừ cỏ thông qua hoạt động nghề nghiệp, nông nghiệp, công việc nhà hoặc không trực tiếp thông qua thực phẩm. Da, miệng, mắt, thở là bốn con đường phổ biến mà thuốc trừ cỏ có thể xâm nhập vào cơ thể con người. Sự phơi nhiễm liên tục với thuốc trừ cỏ đã dẫn đến với nhiều loại bệnh khác nhau trên con người bao gồm khả năng gây ung thư, gây độc cho hệ thần kinh, khả năng sinh sản, trao đổi chất và phát triển của con người.

Tiếp xúc với da: Tiếp xúc với da là con đường hiệu quả và phổ biến khi con người tiếp xúc với thuốc trừ cỏ. Nông dân phơi nhiễm với thuốc trừ cỏ trong suốt quá trình chuẩn bị và phun dung dịch thuốc. Các phương pháp xử lý như trộn, lắc, phun, và vệ sinh dụng cụ phun thuốc làm hấp thụ thuốc trừ cỏ trên da. Tính độc hại của thuốc đối với da còn phụ thuộc vào thời gian phơi nhiễm, cấu trúc và nơi cơ thể bị nhiễm. Sự hấp thụ của dung dịch thuốc trừ cỏ chứa dung môi hay dầu trên da nhanh hơn dạng khô. Thêm nữa, lượng thuốc trừ cỏ được hấp thụ phụ thuộc vào vị trí trên cơ thể. Tay là phần dễ bị nhiễm thuốc trừ cỏ nhất.

Tiếp xúc bằng miệng: Các bệnh, vết thương nguy hiểm, thậm chí là chết được gây ra bởi sự xâm nhập của thuốc trừ cỏ vào cơ thể thông qua việc tiếp xúc bằng miệng. Việc sử dụng có mục đích và tình cờ bởi con người gây ra sự ngộ độc nguy hiểm. Ví dụ, các cá nhân hút thuốc hoặc ăn thực phẩm mà không rửa tay sau khi phun thuốc trừ sâu. Hơn nữa, thuốc trừ cỏ có thể bị uống nhầm do chai đựng thuốc với nhãn hiệu sai sau khi chuyển thuốc sang một chai khác. Trong một vài trường hợp, con người bị ngộ độc bởi việc uống thuốc trừ cỏ nhằm mục đích tự tử. Sau khi uống thuốc, thuốc xâm nhập vào cơ thể, đi đến đường tiêu hóa thông qua hệ thống ruột. Ngay lập tức, chúng phân tán trong toàn bộ cơ thể thông qua dòng máu và gây độc đến con người.

Tiếp xúc qua đường hô hấp: Hít phải thuốc trừ sâu bằng mũi, họng có thể gây ra những vấn đề nghiệm trọng đối với sức khỏe con người thông qua mô phổi. Sự hấp thụ nhanh hơi và các hạt nhỏ thuốc trừ cỏ trong quá trình phun làm tăng việc phơi nhiễm thông qua đường hô hấp. Mức độ ngộ độc có thể được làm giảm bằng cách pha loãng dung dịch phun và phun ở áp suất thấp do tạo ra các giọt dung dịch lớn hơn. Ngược lại, thiết bị phun tạo ra áp suất cao, thể tích siêu nhỏ và hình thành hơi sương làm tăng mức độ ngộ độc do sự xâm nhập các hạt nhỏ vào cơ thể con người.

Tiếp xúc qua mắt: Thuốc trừ cỏ sở hữu mối nguy hiểm tiềm ẩn đối với mắt thông qua sự hấp thụ nhanh xuyên qua màng mắt. Mối nguy này phụ thuộc vào kích cỡ và khối lượng của các phân tử riêng lẻ. Khi người phun sử dụng thiết bị mạnh để phun, khuấy dung dịch thuốc trừ sâu, chúng có thể tung lên và gây nguy hại đối với mắt cũng như việc ngộ độc.

Các biện pháp hạn chế tác hại của thuốc trừ cỏ

Việc sử dụng các loại thuốc diệt cỏ tuy giảm công lao động, song tiềm ẩn nhiều nguy cơ tổn hại đến chính sức khỏe người sử dụng, ảnh hưởng đến khu dân cư, gây ngộ độc cho gia súc, gia cầm và gây ô nhiễm môi trường. Thuốc trừ cỏ sau khi sử dụng ngấm vào đất, hòa vào nước, không chỉ làm ô nhiễm nguồn nước bề mặt mà cả nước ngầm, sau đó tích tụ trong động vật thủy sinh. Đáng lo ngại nhất là nhiều đám ruộng nằm gần khu dân cư, nằm gần ao hồ nuôi trồng thủy sản, vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm; thuốc trừ cỏ sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người và vật nuôi. Nguy hiểm hơn là sau khi phun, nhiều người vứt ngay vỏ bao bì thuốc ở đầu bờ ruộng, mương nước. Trong khi đó, hoạt chất trong thuốc trừ cỏ là loại cực độc song chỉ hấp thu qua cây trồng một tỷ lệ nhỏ, còn lại thấm vào đất, hòa vào nước gây ô nhiễm nguồn đất, nước và mất cân bằng hệ sinh thái. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tình hình sâu bệnh trên cây trồng ngày càng diễn biến phức tạp. Đặc biệt, đe dọa sự phát triển bền vững của sản xuất nông nghiệp.

Vì vậy, thiết nghĩ với việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp bền vững, sản xuất theo hướng hữu cơ nhằm tạo sản phẩm nông sản sạch và an toàn, trong thời gian tới các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người kinh doanh, người sử dụng hiểu rõ về ưu điểm, nhược điểm của thuốc trừ cỏ, về kỹ thuật sử dụng thuốc trừ cỏ an toàn, hiệu quả, không nên lạm dụng các loại thuốc trừ cỏ trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là những cây rau các loại, nho, táo,… Để giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, tuyên truyền bà con đưa rác thải sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vào đúng nơi quy định. Từ đó, góp phần tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, nâng cao đời sống của nông dân, tránh những thiệt hại cho sản xuất, môi trường và sức khỏe cộng đồng do việc sử dụng thuốc trừ cỏ.

Để bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng, việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm là nhiệm vụ cần thiết. Hoạt động thử nghiệm có vai trò rất quan trọng nhằm kiểm soát quá trình sản xuất, đánh giá chất lượng sản phẩm; tăng cường quản lý, phòng ngừa, hạn chế ảnh hưởng tồn dư của thuốc trừ cỏ, hóa chất trong thực phẩm. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, Lãnh đạo tỉnh, các ngành, địa phương cần quan tâm, tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Khuyến cáo người dân quan tâm, có trách nhiệm trong việc kiểm soát, quản lý lượng hóa chất, tồn dư thuốc trừ cỏ để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, hàng hóa và sức khỏe của cộng đồng.

Cùng với đó, công tác kiểm tra, giám sát việc buôn bán, sử dụng thuốc trừ cỏ được phân cấp cụ thể từ Trung ương đến địa phương, nhằm hướng dẫn và giám sát người nông dân sử dụng theo nguyên tắc bốn đúng (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng cách, đúng lúc). Ngoài ra, hằng năm, các cơ quan chuyên môn cung cấp thông tin và tập huấn hướng dẫn sử dụng thuốc trừ cỏ cho người dân theo đúng nội dung nhãn mác. Cùng với đó, các tỉnh, thành phố thường xuyên tổ chức các lớp tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, tập huấn bổ sung kiến thức mới cho hộ kinh doanh thuốc trừ cỏ; tập huấn sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, xử lý thu gom bao bì sau sử dụng đúng nơi quy định cho hàng trăm nghìn lượt hộ nông dân./.
NTT (Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực