Thuật ngữ liên quan đến biến đổi khí hậu (phần 2)

Thứ tư, 16/02/2022 12:27
(ĐCSVN) - Biến đổi khí hậu là một trong các thách thức lớn nhất hiện nay, đe dọa an ninh khu vực, toàn cầu và làm suy giảm những thành quả phát triển quan trọng của con người ở hiện tại và tương lai. Mời bạn đọc tiếp tục theo dõi phần 2 về một số thuật ngữ liên quan đến biến đổi khí hậu.

Hệ thống khí hậu (Climate system): Là hệ thống có độ phức tạp cao bao gồm 5 thành phần chính: khí quyển, thủy quyển, băng quyển, thạch quyển và sinh quyển, và sự tương tác giữa chúng. Hệ thống khí hậu tiến triển theo thời gian dưới tác động của chính các quá trình động lực nội tại và các ngoại lực như sự phun trào núi lửa, sự thay đổi của mặt trời và các tác động do con người gây ra như việc thay đổi các thành phần của khí quyển, thay đổi sử dụng đất (Hình 1-8).

Hình 1-8: Hệ thống khí hậu 

Hiện tượng thời tiết cực đoan (Extreme weather event): Là hiện tượng hiếm tại một nơi, một thời điểm cụ thể của năm. Có nhiều cách định nghĩa hiện tượng hiếm, nhưng một hiện tượng thời tiết cực đoan thường sẽ là hiếm hay có ít hơn 10% hay 90% của hàm mật độ xác suất quan trắc được. Các đặc trưng được gọi là thời tiết cực đoan có thể thay đổi từ nơi này đến nơi khác (Hình 1-9).

Hình 1-9: Hiện tượng thời tiết cực đoan 

Hiệu ứng nhà kính (Greenhouse effect): Là hiện tượng bức xạ sóng ngắn của Mặt trời xuyên qua khí quyển tầng thấp có chứa các KNK như CO2, CH4, H2O, CFC… xuống mặt đất; mặt đất hấp thu bức sóng ngắn rồi bức xạ sóng dài vào khí quyển và bị các KNK trong khí quyển hấp thu khiến cho không khí trái đất nóng lên (Hình 1-10).

Hình 1-10: Hiệu ứng nhà kính 

Khí quyển (Atmosphere): Là lớp vỏ các chất khí bao quanh Trái đất. Khí quyển khô bao gồm hầu hết là nitơ (78,1%), ôxy (20,9%), và một số các chất khí khác như argon (0,93%), heli và các KNK như điôxit cacbon (0,035%) và ôzôn. Ngoài ra, khí quyển còn chứa hơi nước (là một KNK) mà hàm lượng của nó biến đổi rất mạnh nhưng dao động xung quanh 1%. Khí quyển cũng bao gồm cả mây và các sol khí (Hình 1-11).

Hình 1-11: Khí quyển trái đất 

Khí nhà kính (Greenhouse gas - GHG): Là các khí trong khí quyển, cả tự nhiên và nhân tạo, hấp thụ và phát ra bức xạ ở các bước sóng trong quang phổ bức xạ hồng ngoại của bề mặt trái đất, khí quyển, mây. Các đặc tính này gây ra hiện tượng hiệu ứng nhà kính. Các KNK chính gồm: Hơi nước (H2O), điôxit cacbon (CO2), ôxit nitơ (N2O), khí mê tan (CH4), và ôzôn (O3). (Hình 1-12).

Hình 1-12: Phát thải KNK 

Khí hậu (Climate): Là tổng hợp các điều kiện thời tiết ở một vùng nhất định, đặc trưng bởi các đại lượng thống kê dài hạn của các yếu tố khí tượng tại vùng đó.Khí hậu của một khu vực ảnh hưởng bởi tọa độ địa lý, địa hình, độ cao, độ ổn định của băng tuyết bao phủ cũng như các dòng nước lưu ở các đại dương lân cận. Khí hậu phân ra các kiểu khác nhau dựa trên các thông số về nhiệt độ và lượng mưa (Hình 1-13).

Hình 1-13: Khí hậu trái đất 

MP theo Sách chuyên khảo Ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực