Thúc đẩy du lịch sinh thái - phát triển bền vững trong tương lai

Chủ nhật, 24/03/2024 20:44
Du lịch sinh thái vốn được xem là mô hình giàu tiềm năng, đặc biệt tại các điểm đến có giá trị tự nhiên và đa dạng sinh học cao như các vườn quốc gia, khu bảo tồn. Tuy nhiên, để phát triển loại hình này một cách thực chất đòi hỏi sự bài bản, đồng bộ và trên hết chú trọng yếu tố bảo vệ môi trường.

Nhiều hoạt động hướng về du lịch sinh thái

 Việt Nam được đánh giá là quốc gia có sự đa dạng sinh học cao và giàu có về giá trị tài nguyên tự nhiên cũng như tài nguyên văn hóa. Trên cơ sở đó, nhiều địa phương hình thành, khai thác sản phẩm du lịch sinh thái gắn với trải nghiệm độc đáo, tạo sức hút với đông đảo du khách. Không chỉ vậy, thời gian qua, nhiều hoạt động về du lịch sinh thái đã được người dân ở mọi lứa tuổi hưởng ứng nhiệt tình. Những hoạt động này vừa góp phần giới thiệu, quảng bá du lịch địa phương tới du khách trong và ngoài nước.

Khu du lịch Ba Láng Cần Thơ 

Cùng với sự đa dạng và đặc sắc của các hệ sinh thái, giá trị văn hóa bản địa tại những điểm đến như tri thức trồng lúa nước ruộng bậc thang với cách thức lấy nước từ dưới sông, suối lên ruộng bằng “cọn nước” ở địa hình núi cao phía Bắc, phương thức lên “liếp” trồng cây ăn trái ở vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long hay lễ hội dân gian của cộng đồng dân tộc đang góp phần tạo lợi thế cạnh tranh để phát triển du lịch sinh thái ở Việt Nam. Du lịch sinh thái với tư cách là một loại hình du lịch có trách nhiệm, du lịch dựa vào cảnh quan tự nhiên - nhân tạo, cảnh quan có thể hoàn toàn tự nhiên nhưng do con người quản lý chi phối như rừng trồng, cánh đồng cao sản, công viên quốc gia... đang trở thành xu thế phát triển tất yếu trên phạm vi toàn cầu cũng như ở từng quốc gia, địa phương. Đồng bằng sông Cửu Long là nơi có tiềm năng dồi dào về du lịch sinh thái, khai thác các giá trị văn hóa sông nước, miệt vườn, nghỉ dưỡng, sinh thái biển, đảo...

Với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, du lịch sinh thái miệt vườn là nét đặc trưng độc đáo từ nhiều năm nay. Các khu du lịch sinh thái miệt vườn được thiết kế mang đậm phong cách vùng sông nước như vườn cây ăn trái, vườn cây cảnh, ao thả cá, kết hợp tổ chức các hoạt động cho du khách thu hoạch trái cây, bắt cá, tìm hiểu đời sống, tập quán canh tác, nét văn hóa ẩm thực của người dân bản địa là những trải nghiệm được nhiều du khách lựa chọn khi về vùng sông nước Nam Bộ.

Ở trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Cần Thơ đang chú trọng phát triển du lịch sinh thái miệt vườn, đưa du khách đến trải nghiệm môi trường sinh thái trong lành, cảnh quan thơ mộng, con người thân thiện, món ăn dân dã kết hợp hoạt động dã ngoại, tham quan các di tích văn hóa lịch sử. Các điểm đến du lịch sinh thái ở Cần Thơ như nhà vườn, khu du lịch sinh thái ở huyện Phong Điền, bãi bồi trù phú thường được gọi là cồn hoặc cù lao như: Cồn Ấu, Cồn Khương, Cồn Sơn và Cù lao Tân Lộc là những điểm đến du lịch sinh thái đang có sức hút với du khách.

Bến Tre là điểm đến du lịch sinh thái miệt vườn gắn với nét văn hóa bản địa, phong tục, tập quán của người dân xứ Dừa, thu hút nhiều du khách. Du khách đến Bến Tre thường chọn tham quan sông nước miệt vườn, tìm hiểu đời sống, sinh hoạt của cư dân. Hiện nay, ngoài các chương trình tham quan nghe đờn ca tài tử, cơ sở sản xuất kẹo dừa, các hàng mỹ nghệ thủ công, doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ còn tổ chức một số dịch vụ nhằm thu hút khách du lịch như đi mô tô nước trên sông, tát mương bắt cá tại khu du lịch sinh thái, homestay ở thành phố Bến Tre và các huyện trên địa bàn tỉnh.

Không chỉ tạo không khí lễ hội vui tươi, những hoạt động này góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phát triển du lịch xanh, quảng bá, nâng cao nhận thức của xã hội về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của phát triển du lịch bền vững với môi trường, xã hội.

 Du lịch sinh thái ở Đồng Tháp Mười

Du lịch sinh thái ngày càng trở thành xu hướng đáng chú ý bởi đem đến nhiều lợi ích cho cả cộng đồng và môi trường, nhất là tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn, nơi sở hữu giá trị tự nhiên và sinh thái lớn. Về lợi ích, phát triển du lịch sinh thái góp phần tạo sinh kế và cải thiện đời sống người dân bản địa, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Mặt khác, du lịch sinh thái có tiềm năng tạo nên nguồn thu cho các khu rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.

Cần thúc đẩy “trụ cột” giáo dục môi trường

Trong thời gian tới, phát triển du lịch sinh thái tại Việt Nam rất quan trọng. Du lịch sinh thái không chỉ phải bảo đảm đem lại lợi ích cho cộng đồng ở địa phương mà còn phải bảo đảm những nơi có vườn quốc gia, những nơi phát triển du lịch sinh thái và những khu bảo tồn luôn được phát triển bền vững.

Loại hình này cũng cần chú trọng rất nhiều yếu tố, đơn cử giảm thiểu tới mức thấp nhất tác động với môi trường, xây dựng nhận thức về môi trường, xây dựng trải nghiệm đích thực… Theo đó, du lịch sinh thái thường gắn với các “trụ cột” như bảo tồn, phát triển kinh tế địa phương và giáo dục môi trường.

Để phát triển loại hình du lịch sinh thái một cách thực chất và bền vững, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam cần xem xét để có những chính sách, chiến lược và cách tiếp cận phù hợp hơn để thúc đẩy việc đa dạng hóa các hình thức cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái rừng. Thông qua đó đa dạng phúc lợi rừng cho cuộc sống con người, giáo dục cho mọi người thêm hiểu biết, trân trọng hơn về rừng, từ đó tạo nên hành động, nghĩa cử chung tay bảo vệ rừng nói riêng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học ở Việt Nam nói chung.


PN (Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực