Việt Nam phối hợp hiệu quả với các tổ chức quốc tế về phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19

Thứ hai, 22/11/2021 16:38
(ĐCSVN) - “Thách thức kép” từ những diễn biến khó lường của thiên tai khắp các khu vực trên thế giới cùng với dịch bệnh COVID-19 gây tác động tiêu cực toàn cầu nhắc nhở chúng ta về thuộc tính thế giới VUCA – bốn chữ cái viết tắt tiếng Anh có nghĩa là “biến động, bất định, phức tạp và mơ hồ”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại COP26 (Ảnh: PV) 

Điều quan trọng là loài người nói chung và nhân dân các nước nói riêng cần cùng chung tay hợp tác giảm thiểu rủi ro, quản lý thiên tai trong bối cảnh COVID-19. Cụ thể hơn, vai trò của các tổ chức trong công tác phòng, chống thiên tai, nhất là chia sẻ thông tin, cứu trợ khẩn cấp, trực tiếp, kịp thời đến người dân, khu vực chịu ảnh hưởng cần tiếp tục được duy trì và phát huy. Bên cạnh đó, Quỹ Phòng, chống thiên tai Trung ương thu hút được sự quan tâm, ủng hộ từ các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các đối tác, tổ chức quốc tế.

Có thể thấy, thiên tai, dịch bệnh không phân định biên giới. Trước bối cảnh từ đất nước nhỏ bé đến to lớn đang phải đương đầu, ứng phó với bao xáo trộn đời sống kinh tế - xã hội, sự sát cánh, đồng lòng giữa các quốc gia, cùng với vai trò điều phối của Liên hợp quốc có ý nghĩa quyết định, thể hiện tinh thần hợp tác quốc tế, san sẻ khó khăn, kết nối nguồn lực.

Quan điểm “giảm nhẹ rủi ro”, “quản lý thiên tai” là cách tiếp cận mà tất cả chúng ta chắc chắn sẽ cùng nhau đồng thuận. “Giảm nhẹ rủi ro”, “quản lý thiên tai” chú trọng công tác chuẩn bị, dự phòng một cách chủ động, tích cực, hướng đến giải pháp căn cơ, bền vững. Chuẩn bị, dự phòng không chỉ cho năm nay, hay năm sau, mà cần tầm nhìn xa hơn, cho 5 năm, 10 năm tiếp đến, cho thế hệ con cháu mai sau. Các ứng dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến luôn cần đến sự đầu tư tương xứng để nâng cao khả năng dự báo, đánh giá rủi ro. Song, cần chú trọng việc kết hợp phân tích khoa học với các giải pháp quản lý thiên tai dựa vào năng lực cộng đồng, phát huy tri thức bản địa.

 Toàn quân tham gia hỗ trợ phòng chống thiên tai (Ảnh: PV)

Là chủ thể đóng vai trò quyết định, xuyên suốt quá trình quản lý rủi ro thiên tai, chính cộng đồng dân cư địa phương mới thông hiểu, am tường rõ nhất về các rủi ro thiên tai đang đối mặt, để chủ động tham gia vào các khâu lập kế hoạch và triển khai thực hiện, dựa trên việc khai thác, tận dụng tối ưu các nguồn lực sẵn có, cùng các kiến thức bản địa hữu ích, được lưu truyền qua bao thế hệ. Đây là nền tảng để hướng đến phát triển bền vững, hài hòa ba trụ cột “kinh tế - xã hội - môi trường”, vừa đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của thế hệ hôm nay, vừa không làm tổn hại, giảm thiểu điều kiện, cơ hội thụ hưởng của thế hệ mai sau.

Thực tế, ngôi nhà thiên nhiên chở che, ươm mầm sự sống cho muôn loài sinh sôi, trong đó, loài người vốn được nhiều ưu đãi và thông minh nhất. Nhưng cũng chính loài người lại góp phần gây ra những tổn hại khiến thiên nhiên “nổi giận” và gửi đi tín hiệu cảnh tỉnh, từ biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, đến hàng loạt diễn biến bất thường của các loại hình thiên tai”. Do đó, đã tới lúc chúng ta phải thay đổi, điều chỉnh, cần phải chăm lo cho thiên nhiên trước khi quá muộn.

 Song song với thiên tai là phòng chống dịch bệnh (Ảnh: PV)

Trong hợp tác quốc tế, Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia vào các tổ chức, diễn đàn quốc tế liên quan đến phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, như: Tham gia Khung hành động SENDAI toàn cầu về quản lý rủi ro thiên tai, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu toàn cầu, ký kết Nghị định thư Kyoto của Công ước khung Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu và tham gia các cam kết trong khuôn khổ Nhóm công tác ứng phó khẩn cấp của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC).

Trong khu vực, Việt Nam được đánh giá là thành viên tích cực, có vai trò chủ động, đóng góp hiệu quả vào những nỗ lực chung của ASEAN trong phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Nhằm giảm thiểu rủi ro do “thách thức kép” đến từ thiên tai - dịch bệnh, trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế để triển khai các hoạt động về phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Minh Khang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực