Vườn Quốc gia Cúc Phương lan tỏa thông điệp bảo tồn đa dạng sinh học

Thứ sáu, 22/03/2024 14:07
(ĐCSVN) - Ngày 21/3, Vườn Quốc gia Cúc Phương tổ chức Hội nghị tham vấn "Đề án phát triển du lịch sinh thái Vườn quốc gia Cúc Phương giai đoạn 2023 - 2030", tiềm năng khai thác sản phẩm cứu hộ, bảo tồn để phát triển du lịch sinh thái bền vững tại Vườn, đồng thời ra mắt Bộ linh vật sử dụng trong Giải chạy Jungle Paths 2024 do Vườn tổ chức với thông điệp "Chạy để bảo tồn".
Một cá thể vọoc tại khu bán hoang dã. (Ảnh: Đức Phương) 

Đề án được xây dựng với quan điểm coi bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học là nhiệm vụ quan trọng nhất của Vườn, đồng thời lấy đó là trọng tâm để phát triển du lịch, hướng tới du lịch sinh thái bền vững, lồng ghép và nâng cao kiến thức, giáo dục trải nghiệm về thiên nhiên, đa dạng sinh học, động vật hoang dã và các loài đặc hữu của Vườn tới du khách. Đồng thời, Đề án góp phần phát huy những giá trị văn hoá - lịch sử, là tiềm năng của Vườn trong các hoạt động du lịch, nhằm đa dạng hóa sản phẩm, trải nghiệm của du khách. Đề án cũng định hướng tổ chức không gian và cơ sở vật chất kỹ thuật cho du lịch sinh thái; định hướng phát triển du lịch sinh thái theo cung - cầu; định hướng tăng cường vị thế và hình ảnh của Vườn thông qua phát triển du lịch sinh thái.

Giám đốc Vườn Quốc gia Cúc Phương Nguyễn Văn Chính cho biết, Cúc Phương là vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam (thành lập ngày 7/7/1962), được xây dựng với chức năng, nhiệm vụ chính là bảo tồn nguyên vẹn tài nguyên thiên nhiên và các giá trị văn hoá, lịch sử, cảnh quan; duy trì tác dụng phòng hộ của rừng; tổ chức các hoạt động nghiên cứu và hợp tác nghiên cứu khoa học; tổ chức các hoạt động giáo dục môi trường và dịch vụ. Trên cơ sở tiềm năng về đa dạng sinh học, cảnh quan tự nhiên, giá trị văn hoá cộng đồng bản địa và các thành tựu trong nghiên cứu khoa học, cứu hộ bảo tồn, những năm qua, Cúc Phương là đơn vị đi đầu và đã rất thành công trong việc tự tổ chức được "hệ sinh thái" du lịch, với nhiều chương trình và sản phẩm, phát huy tốt giá trị của rừng.

Vườn quốc gia Cúc Phương cũng là đơn vị hoạt động theo một hình thức duy nhất là tự tổ chức các loại hình du lịch, cung cấp dịch vụ cho du khách. Tuy vậy, trước bối cảnh và xu thế mới của xã hội, việc tiếp cận sản phẩm du lịch sinh thái; hoạt động trải nghiệm thiên nhiên gắn với văn hóa cộng đồng bản địa và chuyển tải thông điệp bảo vệ môi trường cần đồng bộ, triển khai một cách căn cơ, bài bản hơn. Từ những cơ sở trên, với khát vọng xây dựng Cúc Phương trở thành vườn quốc gia kiểu mẫu về giáo dục môi trường rừng và trải nghiệm thiên nhiên, ông Nguyễn Văn Chính mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp thẳng thắn, tâm huyết, xác đáng nhất, trước khi Vườn Quốc gia Cúc Phương tham mưu cấp có thẩm quyền trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, phê duyệt "Đề án phát triển du lịch sinh thái Vườn quốc gia Cúc Phương giai đoạn 2023 - 2030" theo đúng quy định của pháp luật.

Cục Trưởng Cục Kiểm Lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Bùi Chính Nghĩa nhấn mạnh, Việt Nam có hệ sinh thái tài nguyên rừng phong phú, là hệ sinh thái rừng nhiệt đới có rất nhiều giá trị về đa dạng sinh học, bảo tồn. Các khu rừng đặc dụng, tự nhiên có vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái, vì vậy việc phát triển du lịch sinh thái cần đảm bảo sự hài hòa với các yếu tố như môi trường, xã hội.

Ông Bùi Chính Nghĩa đánh giá, Vườn Quốc gia Cúc Phương đã có sự phối hợp rất tốt với người dân địa phương vùng đệm và với cộng đồng trong các hoạt động bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học cũng như phát triển hoạt động du lịch. Thời gian tới, Vườn cần tiếp tục xác định, phát triển du lịch là một trong những mục tiêu quan trọng nhưng không đánh đổi bằng mọi giá, cần hạn chế tối đa các tác động đến hệ sinh thái và đời sống của các loài động thực vật hoang dã ở Vườn, tạo sự cân bằng, hài hoà giữa phát triển du lịch và bảo tồn; phấn đấu duy trì danh hiệu vườn quốc gia hàng đầu châu Á.

Tại Hội nghị, Vườn Quốc gia Cúc Phương đã ra mắt Bộ linh vật sử dụng trong Giải chạy Jungle Paths 2024 là hình ảnh cách điệu các con vật: rùa sa nhân, tê tê vàng, sóc bụng đỏ Cúc Phương, voọc mông trắng, báo gấm. Bộ linh vật nhằm lan tỏa mạnh mẽ thông điệp về bảo tồn động vật hoang dã, bảo tồn thiên nhiên tới cộng đồng.

Hải Yến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực