Ngày 23/9, tại Hà Nội, Bệnh viện Phổi Trung ương tổ chức Chương trình gặp mặt “Những lá phổi hồi sinh” chúc mừng 3 người được ghép phổi thành công.
|
Niềm vui ngày hội ngộ |
Năm 2024, Bệnh viện Phổi Trung ương đã tiếp tục tiến hành 2 ca ghép phổi thành công tại bệnh viện cho bệnh nhân P.A.T, T.T.H với sự hỗ trợ hội chẩn từ xa của Trung tâm ghép phổi UCSF - Trường Đại học California, tại San Francisco. Đây là một trong những trung tâm y học uy tín nhất tại Mỹ.
Trường hợp được ghép phổi mới nhất tại Bệnh viện Phổi Trung ương là bệnh nhân T.T.H (quê Bắc Ninh). Bệnh nhân nhận phổi hiến từ người cho chết não, được điều phối tạng từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đến Bệnh viện Phổi Trung ương vào ngày 2/4 vừa qua.
Là bệnh nhân được hồi sinh vào đúng ngày 30 Tết năm nay, P.A.T (Bắc Kạn) đã có một cuộc sống mới khỏe mạnh, tăng 7kg so với trước ghép phổi. Sau gần 8 tháng ghép phổi, cô sinh viên P.A.T đã trở với cuộc sống bình thường, tiếp tục học tập năm thứ 2 tại một trường đại học ở Thái Nguyên.
Xúc động chia sẻ tại buổi gặp mặt, P.A.T kể: “Gia đình em đã nghĩ cái Tết năm 2024 vừa qua là cái Tết cuối cùng em có mặt trên đời. Nhưng giờ đây, với hai lá phổi đang sống khỏe mạnh trong lồng ngực, em đã được thở, được sống, được quay trở lại trường, tiếp tục thực hiện ước mơ cuộc đời mình”.
Sau thời gian hồi phục, hiện P.A.T đã tự phục vụ được bản thân, có thể tự đi bộ, đi xe máy, học tập bình thường. Một mơ ước nữa mà cô sinh viên sau khi rời Bệnh viện Phổi Trung ương sau ca ghép phổi là được chơi bóng rổ thì nay cũng đã sắp thành sự thật.
Ông N.X.T (Thanh Hóa), kể từ khi nhận phổi hiến từ năm 2020; suốt 4 năm qua, cuộc sống của ông đã thật sự mang một màu sắc lạc quan khi ông có thể tự thở, tự đi lại, tự chăm sóc bản thân.
|
TS.BSCC Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương chia sẻ niềm vui với người được ghép phổi thành công. |
“Giờ cuộc sống sinh hoạt bình thường hơn xưa, cuộc sống tốt đẹp hơn. Tôi còn được chứng kiến con trai tôi cưới vợ, đấy là một niềm hạnh phúc to lớn. Tôi mong có nhiều người được cứu sống như tôi và mong các y, bác sĩ của bệnh viện luôn luôn khỏe mạnh để cứu giúp được nhiều người như tôi”, ông T. bày tỏ.
TS.BSCC Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, sự thành công của các ca ghép phổi vừa qua tại bệnh viện là sự phối hợp của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực ghép tạng tại Việt Nam và sự hỗ trợ từ xa của Trung tâm ghép phổi UCSF - là 1 trong 9 trung tâm ghép phổi lớn và có uy tín nhất tại Mỹ.
Các ca phẫu thuật trên đã được thực hiện theo những quy trình chặt chẽ, bài bản và thành công theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. Trong đó, ca ghép phổi thứ 3 cho người bệnh T.T.H được đánh giá là ca ghép phổi phức tạp, khó khăn hơn, do người bệnh mắc nhiều bệnh nền nặng, quá trình phẫu thuật gặp nhiều khó khăn do cấu trúc giải phẫu khó, đòi hỏi tay nghề kỹ thuật cao của các chuyên gia phẫu thuật; cùng đó, quá trình hồi sức, chăm sóc hậu phẫu diễn cũng cần sự theo dõi khắt khe, can thiệp kịp thời, sự phối hợp chặt chẽ, toàn diện giữa nhiều chuyên khoa.
Đây là ca ghép phổi mang đến “nhiều thử thách” cho đội ngũ chuyên gia, bác sỹ, nhân viên y tế, tuy nhiên vượt qua những khó khăn, đến thời điểm hiện tại, tình trạng sức khoẻ của người bệnh đã hồi phục tốt và sẽ sớm được xuất viện.
Theo TS.BSCC Đinh Văn Lượng, hiện nay quy trình chẩn đoán, ghép phổi, điều trị trước và sau mổ… tại Bệnh viện Phổi Trung ương đã đạt tiêu chuẩn như các nước phát triển Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…
|
TS.BSCC Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương chia sẻ tại sự kiện. |
Hằng năm, trên thế giới có khoảng 5.000 ca ghép phổi, chủ yếu từ người cho chết não; trong đó, tại Mỹ có khoảng 2.500 ca. Hiện, Việt Nam có khoảng 1.000 ca có chỉ định ghép phổi nhưng đang thiếu nguồn tạng hiến.
“So với quy trình ghép phổi đạt tiêu chuẩn như những nước tiên tiến trên thế giới, giờ chúng ta mới bắt đầu bằng con số 1, 2, 3 nhưng tương lai, chúng ta sẽ tiến hành nhiều ca ghép phổi thành công hơn nữa. Khi thành chương trình thường quy, kỹ thuật ghép phổi sẽ được triển khai hằng năm, giúp cho nhiều người bệnh hồi sinh” – bác sĩ Lượng kỳ vọng.
Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cũng bày tỏ mong muốn Việt Nam trở thành quốc gia có tên tuổi trên bản đồ thế giới về ghép phổi, trở thành Trung tâm ghép phổi của cả vùng Đông Nam Á.
TS.BSCC Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, từ năm 2020, Bệnh viện Phổi Trung ương - bệnh viện chuyên khoa đầu ngành về bệnh phổi và lao tại Việt Nam đã làm chủ và phối hợp thực hiện thành công kỹ thuật ghép phổi. Đây là kỹ thuật khó nhất trong lĩnh vực ghép tạng, đòi hỏi sự phối hợp nghiêm ngặt của tất cả các bộ phận, các chuyên khoa sâu, các quy trình chuẩn bị phổi người cho, phẫu thuật cấy ghép, chăm sóc và hồi sức sau ghép phải sử dụng những kỹ thuật tiên tiến, các loại thuốc, hóa chất, vật tư y tế hiện đại và sự chăm sóc toàn diện của các chuyên gia các chuyên ngành y học.
Đến nay, Bệnh viện đã phối hợp thực hiện thành công 3 ca ghép phổi, hiện tại, cả 3 người được ghép phổi sức khoẻ đều ổn định, có thể sinh hoạt và làm việc, học tập bình thường.
Các ca ghép thành công trên là dấu mốc lớn ghi nhận tiến bộ vượt bậc của các thầy thuốc Bệnh viện Phổi Trung ương với những chỉ đạo và quan tâm đặc biệt của Bộ Y tế, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, sự phối hợp chặt chẽ của nhiều đơn vị trong và ngoài Bệnh viện.
Với những thành công này, chương trình phép phổi của nước ta sẽ được ghi nhận vào danh sách của hệ thống ghép phổi trên thế giới. Thành công của các ca ghép phổi này đã góp phần quan trọng vào thành tựu kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam; chương trình ghép phổi sẽ giúp cứu được hàng nghìn người bệnh mà chỉ thay phổi mới cứu chữa được.
Theo TS.BSCC Đinh Văn Lượng, với nỗ lực chinh phục đỉnh cao khoa học không ngừng, liên tục áp dụng những kỹ thuật mới, các ca ghép phổi thành công là những kỳ tích của y học trong sự nghiệp cứu người. Bản đồ y học Việt Nam tiếp tục mở ra thế giới với nhiều thành công mới, nâng tầm cao mới cho nền y học nước nhà./.