Giáo dục Việt Nam - Những thành tựu và thách thức

Thứ năm, 11/11/2010 18:18

(ĐCSVN) - Nhìn lại lịch sử phát triển giáo dục ở nước ta, không ai có thể phủ nhận được thành tựu to lớn mà ngành Giáo dục đã đạt được trong 65 năm qua. Nếu như năm 1945 nước ta còn 95% người dân mù chữ, thì đến năm 2010 cả nước đã có 97,3% người dân biết chữ. 

 

Lớp học vùng cao. Ảnh: Trần Minh.
(Giải nhất cuộc thi ảnh “Môi trường và cuộc sống người nghèo” năm 2009). 
 


Hiện nay, hệ thống giáo dục ở nước ta đã khá hoàn chỉnh từ bậc mầm non đến sau đại học;
hầu hết các bản, làng, xã, phường đều có trường lớp tiểu học; trường trung học cơ sở được xây dựng ở các xã hoặc cụm liên xã; trường trung học phổ thông được xây ở các huyện, một số huyện có 2 ÷ 3 trường. Hệ thống giáo dục ở nước ta về cơ bản đã đáp ứng được như cầu học tập của nhân dân. Đến nay, hầu hết người dân trong độ tuổi đi học đều được đến trường[1].

Các trường Trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) được củng cố và phát triển, mở rộng quy mô đào tạo, cơ cấu ngành nghề đào tạo đang từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Cả nước hiện có 553 cơ sở có đào tạo TCCN, trong đó: 246 trường trung cấp chuyên nghiệp, 201 trường cao đẳng đào tạo TCCN, 74 trường đại học có đào tạo TCCN, 32 cơ sở đào tạo TCCN, quy mô đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp là 614.516 học sinh.

Công tác dạy nghề phát triển mạnh mẽ. Năm 2010, cả nước có khoảng 2300 cơ sở dạy nghề (kể cả các trường trung cấp nghề và cao đẳng nghề). Quy mô đào tạo nghề dưới một năm vào khoảng 1.268.150 người, ở bậc trung cấp nghề, cao đẳng nghề là 394.350.

Trước Cách mạng tháng Tám, cả nước có 640.615 sinh viên trong đó chỉ có 582 sinh viên đại học[2], đến năm 2010 cả nước có khoảng 1,8 triệu sinh viên đại học, cao đẳng[3]. Cả nước có 412 trường đại học, cao đẳng (trong đó có 77 trường dân lập); đã có 40/63 tỉnh, thành phố có trường đại học; 62/63 tỉnh/ thành phố có ít nhất 1 trường đại học hoặc trường cao đẳng[4].

Với hệ thống đào ta như trên đã hình thành lên lực lượng lao động ở nước ta qua đào tạo hiện nay ở các trình độ khác nhau chiếm gần 40% dân số trong độ tuổi lao động cả nước.

Điểm qua một vài nét về thành tựu giáo dục nước ta trong 65 năm qua để thấy rõ được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng và nhà nước, đồng thời thấy được sự nỗ lực to lớn của toàn dân ta đối với sự nghiệp phát giáo dục của nước nhà.

Bên cạnh những thành tựu to lớn, giáo dục ở nước ta vẫn đang tồn tại nhiều vấn đề rất đáng quan tâm: Nền giáo dục của chúng ta chưa dựa trên nền tảng lý luận vững chắc. Nhiều năm qua, chúng ta cứ lúng túng chưa tìm ra lý thuyết phát triển giáo dục. Những lúng túng và yếu kém có cội nguồn từ tư duy chậm đổi mới.

Kinh nghiệm ở các nước trên thế giới cho thấy, hầu hết các quốc gia hiện nay đang lấy giáo dục phổ thông làm nền tảng cho việc đào tạo nguồn nhân lực, nhằm thích ứng với bối cảnh toàn cầu hoá và phù hợp vào điều kiện kinh tế - xã hội của mình. Trong hoàn cảnh thế giới có nhiều thay đổi, các nước đang tìm hướng phát triển giáo dục và họ đã thành công, thì giáo dục ở nước ta vẫn chưa thoát khỏi tình trạng lạc hậu. Có thể thấy rằng, sự phát triển về qui mô giáo dục đại học ở nước ta trong những năm gần đây đã tạo ra sự mất cân đối giữa các ngành học, bậc học, tạo ra mâu thuẫn gay gắt giữa qui mô, chất lượng và hiệu quả. Giáo dục chưa gắn với nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất, gây lãng phí lớn cho xã hội và nhân dân.

Không ít người cho rằng chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ở nước ta đang giảm sút. Tình trạng này tồn tại trong suốt một thời gian dài nhưng chưa có biện pháp khắc phục hữu hiệu. Nguồn nhân lực qua đào tạo không đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội đang trở thành nhân tố cản trở sự phát triển đất nước. Một nghịch lý là số lượng cán bộ khoa học (đặc biệt là số tiến sĩ, PGS, GS) ở nước ta cao vào loại nhất trong khu vực, thế mà chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng giáo dục lại được đánh giá vào loại thấp. Trong khi giáo dục đang bộc lộ nhiều yếu kém thì chi phí cho giáo dục vẫn tăng liên tục đang trở thành gánh nặng đối với ngân sách quốc gia và của người dân.

Đạo đức, nhân cách của thế hệ trẻ đang có chiều hướng xấu đi đến mức báo động. Tệ nạn xã hội và tội phạm trong lứa tuổi học sinh, sinh viên đang gia tăng cả về số vụ và mức độ vi phạm. Trong số hơn 200 dạng tội phạm ở xã hội hiện nay thì học sinh, sinh viên đều mắc phải, kể cả tội cướp của giết người, buôn bán ma tuý và nhiều loại tội phạm nghiêm trọng khác. Tuổi đời vi phạm đang được trẻ hoá, một số hành vi ngày càng phức tạp và dã man. Những biểu hiện thiếu văn hoá diễn ra trong nhà trường không còn là chuyện cá biệt, mà đã trở thành tình trạng khá phổ biến ở nhiều nơi. Một số trường học quan hệ thầy trò thiếu lành mạnh, có phần thô bạo, vô văn hoá mà trước đây chưa từng có cũng đã xuất hiện. Văn hoá học đường đang bị tổn thương nghiêm trọng. Nền giáo dục ở nước ta mới đạt tới mục tiêu dạy chữ chưa đạt yêu cầu về dạy người và dạy nghề.

Không ít ý kiến cho rằng, một số nội dung trong sách giáo khoa vừa thiếu tính khoa học, vừa cũ kĩ không còn giá trị sử dụng, không cần thiết cho cuộc sống. Những yếu kém này đã làm cản trở sự liên thông, liên kết giữa các bậc học, các ngành đào tạo, tình trạng này vẫn chưa được khắc phục. Tình trạng "đói" giáo trình vẫn xảy ra ở nhiều trường đại học, cao đẳng, trung cấp, nhất là đối với khối khoa học kỹ thuật.

Nhiều người phê phán phương pháp dạy và học ở các cấp còn lạc hậu, mô hình tổ chức giáo dục, đào tạo vẫn rập khuôn theo kiểu hàn lâm, nặng lý thuyết, nhẹ thực hành. Đào tạo theo kiểu hình ống mà không có sự sàng lọc. Hiện nay giáo dục ở nước ta vẫn chủ yếu tập trung vào truyền đạt kiến thức cho học sinh, mà chưa làm cho cho học sinh, sinh viên biết cách học, cách làm người, có óc phê phán và sáng tạo, sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm, không ngại gian khổ hy sinh để có những thành công trong cuộc sống. Trước những yêu cầu của thời kì công nghiệp hoá, hiện đại hoá, thì giáo dục không thể nhồi nhét càng nhiều kiến thức càng tốt, mà giáo dục cần rèn luyện khả năng tư duy, khả năng thích ứng mau lẹ trong mọi hoàn cảnh, có đủ bản lĩnh tự khẳng định mình, hình thành thói quen tự học, tự rèn luyện để hoàn thiện bản thân, có hoài bão lớn lao và luôn ý thức về nghĩa vụ, trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và Tổ quốc nhằm thúc đẩy sự phát triển của xã hội nhanh chóng và lành mạnh.

Công tác quản lý giáo dục ở nước ta còn ôm đồm, chưa phát huy quyền chủ động, linh hoạt của các cấp. Quản lý thi cử, bằng cấp quá nhiều sơ hở, lỏng lẻo trong công tác kiểm tra, thanh tra, dẫn đến hiện tượng mua bằng, bán điểm, học “giả”, thi “giả” nhưng “bằng cấp thật” ở các ngành học, bậc học, loại hình học. Điều này đã tạo ra không ít cán bộ “trình độ giả”, sản phảm “giả” trong xã hội. Nhưng sự giả dối trong bằng cấp, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho giáo dục mà chính là do cách sử dụng người của chúng ta còn quá nặng về bằng cấp mà chưa coi trọng thực tài.

Để khắc phục những khuyết điểm nêu trên, thiết nghĩ giáo dục ở nước ta cần: Tập trung nghiên cứu đưa ra triết lý giáo dục cho phù hợp với yêu cầu của thời đại. Thực hiện tốt chính sách công bằng, dân chủ trong giáo dục. Bảo đảm cho mọi công dân quyền bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ trong học tập để mọi người, dù giàu nghèo đều có cơ hội học tập và thành đạt ngang nhau. Giáo dục phải tôn trọng, phát triển cá tính, phải mở ra nhiều con đường, nhiều hướng, tạo nhiều cơ hội lựa chọn cho thế hệ trẻ phát triển tài năng, bồi dưỡng nhân tài. Đặc biệt chú ý đến giáo dục nhân cách và phương pháp tự học, phát huy khả năng tư duy sáng tạo cho học sinh, sinh viên. Các trường từ phổ thông đến đại học cần giáo dục cho học sinh, sinh viên có lòng ham mê khoa học và rèn luyện thói quen tự học, tự đọc, tự tìm thông tin để nâng cao sự hiểu biết. Tiếp tục đẩy mạnh việc đổi mới quản lý giáo dục, nhất là việc quản lý chất lượng đào tạo ở các cấp học, bậc học để khắc phục dần tình trạng "học giả, bằng thật".

Trong những năm tới ngành giáo dục vẫn tiếp tục đứng trước nhiều cơ hội và thách thức, nhưng chúng ta tin tưởng rằng với sự quan tâm của các cấp ủy đảng và chính quyền, cùng với sự cố gắng nỗ lực của ngành giáo dục, sự chăm lo chu đáo của toàn dân, nhất định giáo dục của nước ta sẽ phát huy tốt truyền thống hiếu học của dân tộc, sớm khắc phục những khuyết điểm tồn tại, để nền giáo dục của nước ta gặt hái nhiều thành công trong sự nghiệp trồng người.


[1] Số trẻ đến trường mầm non là 3.405.194 cháu; học sinh phổ thông là 15.016.156 em (trong đó học sinh tiểu học là 6.922.624, học sinh THCS 5.214.042, học sinh THPT là 2.879.490).

[2] Nguồn: Phạm Minh Hạc (chủ biên)- Tổng kết 10 năm (1990-2000) xoá mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học.

[3] Nước ta bình quân 200 sinh viên trên 1 vạn dân

[4] Nguồn: Báo cáo tổng kết năm học năm 2009-2010; Chiến lược Đào tạo nghề của TCDN và báo cáo kết quả giám sát của Quốc hội ngày 07/4/2010.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực