Hà Nội đang kiểm soát dịch COVID-19 như thế nào?

Chủ nhật, 12/09/2021 10:33
(ĐCSVN) – Thủ đô Hà Nội với gần 10 triệu dân sinh sống, là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và giao dịch quốc tế, nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 rất cao, nhất là đối với chủng Delta có tốc độ lây lan rất nhanh. Vậy Hà Nội đã và đang triển khai những biện pháp nào để phòng, chống dịch?
Hà Nội đã thực hiện bài bản 2 “mũi giáp công'' tiêm chủng và xét nghiệm để khống chế dịch - Ảnh: PC

Với một Thành phố gần 10 triệu dân, trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 này (từ 27/4 tính đến ngày 9/9), Hà Nội ghi nhận 3.714 bệnh nhân mắc, trong đó có 25 người tử vong, chiếm 0,6% số ca mắc. Nếu so sánh với tình hình dịch COVID-19 tại một số tỉnh, thành phố trong nước, khu vực và trên thế giới, con số trên cho thấy sự nỗ lực rất lớn của Hà Nội trong công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh, nhất là đối với chủng Delta có tốc độ lây lan rất nhanh. Vậy Hà Nội đã và đang triển khai những biện pháp nào để có được kết quả đó?

Công tác phòng chống dịch của Hà Nội vừa quyết liệt, vừa sáng tạo

Tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của lãnh đạo thành phố Hà Nội xác định công tác phòng, chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ trên hết và trước hết; giữ vững an toàn cho Thủ đô, bảo vệ tính mạng và sức khỏe của người dân là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.

Biện pháp chống dịch của Hà Nội vừa quyết liệt, vừa sáng tạo. Ở giai đoạn đầu, Thành phố không giãn cách, phong tỏa tràn lan, mà áp dụng phương châm “khoanh vùng rộng, phong tỏa hẹp những nơi có ca mắc”, cùng với thần tốc trong truy vết, xét nghiệm, cách ly... đã giúp Hà Nội vừa kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, vừa không làm đứt gãy sản xuất. 

Trước sự nguy hiểm của biến chủng Delta với tốc độ lây lan nhanh hơn, chu kỳ lây nhiễm ngắn hơn (từ 2-3 ngày) so với các chủng cũ, cùng với xuất hiện một số ca mắc trong cộng đồng, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm rất cao nếu không áp dụng biện pháp chống dịch mạnh mẽ và quyết liệt hơn. Vì vậy, ngay từ ngày 24/7, Hà Nội đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Sau hơn 1 tháng thực hiện giãn cách xã hội, Hà Nội từng bước kiểm soát dịch bệnh COVID-19 khi số ca mắc đang giảm dần theo từng ngày. Nếu như trong 7 ngày đầu giãn cách, số ca mắc trung bình trên 60 ca/ngày thì trong 7 ngày gần đây (từ 2/9-8/9), số ca mắc trung bình giảm xuống còn 47 ca/ngày. Cho đến hôm (10/9), số ca mắc trên địa bàn Thành phố đang có chiều hướng giảm dần, số ca mắc trong cộng đồng cũng giảm dần. Trong những ngày gần đây, bình quân mỗi ngày có 30-40 ca, nhưng chủ yếu là các ca mắc trong các khu cách ly, phong tỏa. Đây là tín hiệu, kết quả rất cần đánh giá trên cơ sở kết quả phòng, chống dịch nói chung.

Về công tác điều trị, với quan điểm nhất quán của Hà Nội ngay từ đầu chống dịch, đó là không để F1, F0 phải cách ly, điều trị tại nhà. Quan điểm này sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Tất cả các F0 của Hà Nội đều được chữa trị tại bệnh viện. Tất cả F1 của Hà Nội đều được cách ly tập trung.

Đặc biệt, mục tiêu cao nhất của chống dịch là giảm số người mắc và hạn chế ca tử vong ở Hà Nội đều làm rất tốt, khi tính đến ngày 7/9, Hà Nội ghi nhận 25 trường hợp tử vong, chiếm 0,6% trên tổng số ca nhiễm (tỷ lệ này trên cả nước và thế giới khoảng 2,4%). Nếu đem so sánh với một số tỉnh, thành phố phía Nam, khi mỗi ngày ghi nhận hàng nghìn ca mắc COVID-19 thì kết quả chống dịch của Hà Nội rất đáng ghi nhận.

Mặc dù thực hiện Chỉ thị 16, nhưng Hà Nội không đóng cửa siêu thị, chợ dân sinh, chỉ đóng cửa các chợ cóc và điều chỉnh lại hoạt động của các chợ dân sinh, các siêu thị và cửa hàng tiện ích, đảm bảo yêu cầu giãn cách, phòng, chống dịch. Chính vì thế, việc cung cấp nhu yếu phẩm, thuốc men của người dân trong 50 ngày giãn cách vừa qua không bị đứt gãy. Tạo điều kiện cho sản xuất nông nghệp của Hà Nội cũng như các tỉnh khác tiếp tục được duy trì. Các mặt hàng thiết yếu đảm bảo cung cấp cho người dân, không có hiện tượng tăng giá, ép giá, khan hiếm diện rộng.

Đây cũng là minh chứng cho sự nỗ lực, cố gắng, chung sức đồng lòng của toàn Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô; là kết quả của những giải pháp chống dịch quyết liệt, đúng đắn của Hà Nội, bởi với tính chất của một đô thị đặc biệt, nếu biện pháp chống dịch không trúng và đúng, nếu có sự lơi lỏng chỉ trong một vài ngày thì dịch bệnh sẽ diễn biến hết sức phức tạp, có thể rơi vào tình trạng khó kiểm soát.

Đánh giá về công tác phòng, chống dịch của thành phố, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Phó Chỉ huy trưởng Thường trực Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Thành phố, khẳng định “Tất cả các công việc Thành phố triển khai, theo chỉ đạo của Trung ương và sự chủ động của Thành phố thì hiện nay công tác phòng chống dịch của Thành phố là đúng và đang đi đúng hướng. Công tác phòng, chống dịch dịch của Hà Nội đã nhận được sự vào cuộc của đông đảo nhân dân; nhân dân đồng tình hưởng ứng; đặt niềm tin đối với chính quyền Hà Nội trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Trên cơ sở đó, cho lãnh đạo Thành phố sự tự tin, kiên định và quyết tâm cao hơn nữa”.

Thực hiện bài bản 2 “mũi giáp công'' tiêm chủng và xét nghiệm để khống chế dịch

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh kiểm tra công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức (quận Đống Đa) - Ảnh: PC  

Trong suốt “cuộc chiến” với dịch COVID-19, Hà Nội luôn giữ thế chủ động. Mọi kịch bản, phương án phòng chống dịch đều được lãnh đạo Thành phố tính toán, xây dựng với các tình huống dịch diễn biến xấu hơn, phức tạp hơn để từ đó chủ động trong dự phòng, ứng phó.

Để chủ động trong tất cả các tình huống và các tình huống xấu nhất, Hà Nội đã chuẩn bị được 135 cơ sở cách ly, khả năng tiếp nhận cách ly 42.982 người và sẵn sàng chuẩn bị phương án đáp ứng 100.000 giường cách ly các đối tượng F1. Nhưng hiện nay, mới chỉ sử dụng gần 9% “công suất” trên tổng số 42.982 giường đã có, đặc biệt, các khu cách ly trên địa bàn thành phố trong thời gian qua luôn được quản lý và vận hành hiệu quả, an toàn, không để xảy ra lây nhiễm chéo.

Cùng với chuẩn bị các khu cách ly tập trung, Hà Nội cũng xây dựng các kịch bản, phương án đáp ứng về y tế, với 40 nghìn giường điều trị theo mô hình tháp 3 tầng của Bộ Y tế, mục tiêu không để F0 phải cách ly, điều trị tại nhà.

Hiện nay, thành phố đã bố trí và kích hoạt 14.600 giường điều trị bệnh nhân không triệu trứng và triệu trứng nhẹ (tầng 1). Thành phố cũng xây dựng phương án điều trị 8.000 bệnh nhân COVID-19 triệu chứng trung bình, nặng và nguy kịch (tầng 2, tầng 3) tại các bệnh viện tuyến thành phố.

Bên cạnh đó chuẩn bị các giường bệnh, thành phố hiện đang đảm bảo cung cấp oxy y tế đáp ứng công suất 40 tấn/ngày, 1.200 tấn/tháng. Trong trường hợp khẩn cấp có thể nâng công suất đạt 100 tấn/ngày, 3.000 tấn/tháng.

Có thể thấy, các khu cách ly hoàn toàn công suất lớn chính là minh chứng cho sự chuẩn bị cao hơn một bước của chính quyền thành phố Hà Nội và cũng cho thấy TP đã và đang đi đúng hướng trong phòng, chống dịch.

Để từng bước khống chế dịch bệnh, đến thời điểm này, với việc từng bước kiểm soát các ổ dịch phức tạp, số ca mắc trong cộng đồng giảm đã cho phép Hà Nội thay đổi chiến lược chống dịch theo 3 vùng, thực hiện từ ngày 6/9/2021: Vùng 1 là khu vực đô thị trung tâm, với mật độ dân số và nguy cơ lây nhiễm cao tiếp tục thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội; vùng 2 và vùng 3 là vùng vàng, vùng xanh từng bước mở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hà Nội cũng đẩy mạnh xét nghiệm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để tầm soát, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng; đẩy mạnh tiêm vắc xin cho toàn dân trong độ tuổi, ưu tiên các nhóm nguy cơ cao với mục tiêu kiểm soát tốt dịch bệnh trước ngày 15/9.

Chủ tịch UBND Thành phố Chu Ngọc Anh cho biết, thực hiện chỉ đạo quan trọng của Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Thành ủy, UBND Thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện với những yêu cầu cụ thể, rõ mục tiêu, tiến độ, giám sát sát sao. Thành phố đặt ra 3 mục tiêu cụ thể hàng đầu là: đến ngày 15/9, hoàn tất tầm soát xét nghiệm theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tiêm vắc xin COVID-19 mũi 1 cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi (nếu tiến độ cung cấp vắc xin được đảm bảo); thông qua đó, cơ bản kiềm chế tình hình dịch bệnh, làm cơ sở để xem xét nới lỏng các biện pháp giãn cách, mở rộng các hoạt động xã hội, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh khẳng định, “Chúng ta phấn khởi khi nhận thấy trong những ngày qua, tốc độ tiêm vắc xin rất nhanh, như ngày 8/9 thống kê cho thấy, thành phố tiêm được hơn 300 nghìn liều; ngày 9/9, đạt 330 nghìn liều. Đó là con số “biết nói” về công tác phòng, chống dịch ở Thủ đô”.

Được biết, trong ngày 11/9, Hà Nội tiêm hơn 411.000 liều vaccine COVID-19, cao hơn mức kỷ lục vừa thiết lập hôm qua. Đến thời điểm này, Hà Nội tiêm được 3,7 triệu liều trong tổng số gần 4,6 triệu liều được cấp, đạt 73,3%. Về kế hoạch xét nghiệm diện rộng, đến 12h ngày 11/9, các đơn vị đã lấy 876.427 mẫu.

Đánh giá về chiến dịch tầm soát xét nghiệm và tiêm chủng của Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, Hà Nội đã triển khai bài bản trong công tác tiêm vắc xin. Với công suất tiêm của Hà Nội, ngày 9/9, đạt hơn 300 nghìn liều là con số rất ấn tượng. Bộ trưởng mong muốn, Hà Nội sẽ đạt được mục tiêu, đến ngày 15/9, tiêm chủng mũi 1 cho 100% người trên 18 tuổi. Đây là mục tiêu rất tham vọng, nhiều địa phương khác cũng đang phấn đấu để đạt được.

Với vị trí là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của cả nước, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long kỳ vọng thành phố sẽ sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới. “Hai mũi giáp công xét nghiệm, tiêm chủng Hà Nội đang thực hiện là rất đúng đắn”, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định.

Cùng với việc thực hiện bài bản 2 “mũi giáp công'' tiêm chủng và xét nghiệm, có thể khẳng định, cùng với rất nhiều giải pháp khác, những nỗ lực của Thành phố Hà Nội đã và đang triển khai là minh chứng rõ nét cho tinh thần cao nhất của chính quyền Thành phố với sức khỏe của người dân Thủ đô, tin tưởng rằng Thủ đô sẽ sớm trở về trạng thái bình thường mới./.

Ngọc Toàn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực