Lâm Đồng giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh bạch hầu

Thứ sáu, 10/07/2020 15:11
(ĐCSVN) – Trước tình hình bệnh bạch hầu bùng phát ở khu vực các tỉnh Tây Nguyên, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo ngành Y tế tỉnh phối hợp với các sở, ngành có liên quan tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn; trong đó chú trọng những vùng trọng điểm, vùng có nguy cơ cao, vùng tiếp xúc với các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk.
 Công tác truyền thông giáo dục sức khỏe trong cộng đồng đã được ngành Y tế tỉnh Lâm Đồng quan tâm thực hiện (Ảnh minh họa: Báo Lâm Đồng)

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng: Từ đầu tháng 6 đến sáng 10/7, trên địa bàn khu vực Tây Nguyên đã ghi nhận 69 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu, trong đó có 3 trường hợp tử vong. Trong đó, tỉnh Đắk Nông có 26 trường hợp, tỉnh Kon Tum có 23 trường hợp, tỉnh Gia Lai có 19 trường hợp và tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện ca nhiễm đầu tiên. Như vậy, trong 5 tỉnh Tây Nguyên, chỉ còn Lâm Đồng chưa phát hiện ca nhiễm nào, nhưng cũng nằm trong khu vực có nguy cơ cao do tiếp giáp với các tỉnh đang có dịch bệnh.

Vì vậy, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có công văn hỏa tốc chỉ đạo ngành Y tế phối hợp với các sở ngành có liên quan tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn. Trong đó chú trọng những vùng trọng điểm, vùng có nguy cơ cao, vùng tiếp xúc với các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk. Đồng thời, tổ chức điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần và có nguy cơ mắc bệnh Bạch hầu theo khuyến cáo của Bộ Y tế; rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu hoặc tiêm chưa đầy đủ để tổ chức tiêm bổ sung, đảm bảo cho trẻ được tiêm đủ mũi, đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 95% ở các xã, phường, thị trấn, đặc biệt là tại các vùng núi, vùng sâu, vùng xa, nơi tiếp cận với dịch vụ y tế còn hạn chế…

Đến nay, mặc dù Lâm Đồng chưa có ca mắc bệnh bạch hầu, nhưng ngành Y tế tỉnh vẫn tập trung triển khai các biện pháp phòng chống. Trong đó, tập trung thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các huyện giám với các tỉnh có dịch bệnh, đó là: Bảo Lâm, Đam Rông và Di Linh. Đặc biệt tập trung chính vào huyện Đam Rông vì địa phương này giáp với xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’long của tỉnh Đắk Nông đã có bệnh nhân tử vong, hiện đang có một số học sinh từ tỉnh bạn sang học. Ngành Y tế tỉnh đã tập trung khoanh vùng, xét nghiệm với các trường hợp đã tiếp xúc với bệnh nhân tử vong, tuy nhiên kết quả xét nghiệm cho thấy các trường hợp nghi ngờ đều đã âm tính với vi khuẩn bạch hầu.

Bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Quốc Minh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Lâm Đồng cho biết: Nhận được thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Đắk Nông về 1 trường hợp bệnh nhi tử vong do bệnh bạch hầu có tiền sử đến điều trị tại Trung tâm Y tế Đam Rông, ngày 23/6, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Lâm Đồng đã tổ chức đoàn công tác làm việc tại Trung tâm Y tế Đam Rông thống nhất các biện pháp cụ thể để phòng chống dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn huyện. Đồng thời, tiến hành giám sát tình hình dịch bệnh, đánh giá các nguy cơ lây lan dịch bạch hầu từ xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’long (Đắk Nông) sang xã Đạ R’sal (Đam Rông).

Ngành Y tế Lâm Đồng đã tổ chức khám sàng lọc cho tất cả các học sinh từ xã Quảng Hòa, đang theo học tại xã Đạ R’sal của huyện Đam Rông (tỉnh Lâm Đồng). Trong tổng số 2.537 học sinh của 4 trường từ mầm non đến Trung học phổ thông, đã sàng lọc và khám cho 219 em, trong đó có 164 em là người từ xã Quảng Hòa sang học. Trong 16 trường hợp được lấy mẫu xét nghiệm, gồm 15 em học sinh nghi nhiễm và 1 bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm y tế huyện Đam Rông, đến nay đều có kết quả âm tính với vi khuẩn bạch hầu.

Cùng với đó, ngành Y tế cũng tổ chức rà soát tiêm vaccine (vắc-xin) Td (bạch hầu) cho trẻ từ 9 -15 tuổi tại xã Đạ R’sal, các tiểu khu Tây Sơn, căn cứ 179, căn cứ 181 và căn cứ Đạ M’Bô thuộc xã Liêng S’rônh (Đam Rông), ngoại trừ trẻ đã tiêm vắc-xin có thành phần uốn ván hoặc bạch hầu trong thời gian 1 tháng trước khi triển khai. Tiêm vắc-xin Td cho 435 học sinh và giáo viên Trường THPT Phan Đình Phùng (xã Đạ R’sal); tiêm vét cho những trẻ từ 2 tháng đến 6 tháng tuổi tiêm thiếu mũi vắc-xin chứa thành phần bạch hầu trên địa bàn toàn huyện Đam Rông. Cấp 3.200 liều vắc-xin Td tiến hành triển khai tiêm dự phòng cho học sinh và giáo viên trên địa bàn.

Công tác truyền thông giáo dục sức khỏe trong cộng đồng đã cung cấp 600 tờ rơi, áp phích tuyên truyền phòng chống dịch bạch hầu trong trường học và cộng đồng. Tổ chức vệ sinh phun khử khuẩn xử lý môi trường cho Trường THPT Phan Đình Phùng. Điều trị dự phòng Erythromycin 500mg trong 7 ngày cho 65 trường hợp có tiếp xúc gần với các trường hợp nghi ngờ mắc bạch hầu./.

Tường Vy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực