Tối ưu hoá điều trị bệnh lý Nội khoa trong thời đại công nghệ số

Thứ bảy, 05/10/2024 11:45
(ĐCSVN) - Hội nghị Khoa học Nội khoa Toàn quốc năm 2024 là diễn đàn trao đổi thông tin, kinh nghiệm nghề nghiệp, chia sẻ các kết quả nghiên cứu khoa học, cập nhật các tiến bộ mới trong nước và quốc tế trong lĩnh vực Nội khoa, từ đó giúp nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện và trong khu vực.

Trong 2 ngày 4-5/10, tại thành phố Huế, Bệnh viện Trung ương Huế phối hợp với Hội Nội khoa Việt Nam tổ chức “Hội nghị khoa học nội khoa toàn quốc năm 2024” với chủ đề “Tối ưu hoá điều trị bệnh lý Nội khoa trong thời đại công nghệ số”. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động “Chào mừng 130 năm thành lập Bệnh viện Trung ương Huế”.

 Bệnh viện Trung ương Huế phối hợp với Hội Nội khoa Việt Nam tổ chức “Hội nghị khoa học nội khoa toàn quốc năm 2024”.

Chuyên ngành Nội khoa là một trong những trụ cột chính của ngành y tế, có vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Với sự phát triển của công nghệ số, chuyên ngành Nội khoa đang có những bước tiến quan trọng trong chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh. Trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) và các hệ thống y tế số hóa giúp tối ưu hóa phác đồ điều trị, cá nhân hóa chăm sóc sức khỏe, và giảm thiểu sai sót trong y khoa, góp phần nâng cao chất lượng điều trị, giúp bệnh nhân tiếp cận các phương pháp tiên tiến hơn, và mang lại kết quả tốt hơn.

Bệnh viện Trung ương Huế là bệnh viện Tây Y đầu tiên của Việt Nam được thành lập từ năm 1894, với qui mô giường bệnh nội trú lớn nhất nước (trên 5000 giường bệnh tại 3 cơ sở điều trị). Bệnh viện đã khẳng định “thương hiệu” đầu ngành trong lĩnh vực khám, chữa bệnh cùng với công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao kỹ thuật cho nhiều bệnh viện trong nước và quốc tế. Theo qui hoạch của chính phủ Việt Nam, Bệnh viện Trung ương Huế là một trong năm bệnh viện hạng đặc biệt được ưu tiên đầu tư trọng điểm để đạt đến tầm khu vực và quốc tế trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ nhân dân trong thời gian đến.

Bệnh viện đã lập nên nhiều “kỳ tích” trong các lĩnh vực: ghép tạng (tim, gan, thận, giác mạc, tế bào gốc,…); phẫu thuật nội soi một lỗ và qua lỗ tự nhiên; xạ trị trẻ em; tim mạch can thiệp, đột quỵ, tim bẩm sinh, hỗ trợ sinh sản (IVF, ICSI, PESA – ICSI), sơ sinh, điều trị ung thư đa mô thức…Lĩnh vực Nội khoa cũng phát triển không ngừng, các kỹ thuật: lọc màng bụng, chạy thận nhân tạo cấp cứu và chu kỳ…đã triển khai thường quy, các kỹ thuật đỉnh cao về hồi sức tích cực như: ECMO, đặt bóng đối xung nội động mạch chủ, lọc máu, hạ thân nhiệt chỉ huy…đã giúp cứu sống hàng ngàn bệnh nhân nặng, nguy kịch; các chuyên ngành sâu như Can thiệp đột quỵ, Tim mạch can thiệp…cũng đã làm nên nhiều kỳ tích trong cứu sống bệnh nhân. Chuyên ngành Nội khoa đã phối kết hợp với các chuyên nghành khác trong toàn viện góp phần xây dựng Bệnh viện Trung ương Huế phát triển bền vững.

Quang cảnh Hội nghị. 

Hội nghị Khoa học Nội khoa Toàn quốc năm 2024 là diễn đàn trao đổi thông tin, kinh nghiệm nghề nghiệp, chia sẻ các kết quả nghiên cứu khoa học, cập nhật các tiến bộ mới trong nước và quốc tế trong lĩnh vực Nội khoa, từ đó giúp nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện và trong khu vực.

Hội nghị đã thu hút hơn 700 đại biểu, khách mời, các chuyên gia trong nước và Quốc tế trong lĩnh vực Nội khoa với gần 220 bài báo cáo của các Giáo sư, Tiến sĩ, chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực Nội Tim mạch, Tim mạch can thiệp, Đột quỵ, Hồi sức tích cực, Nội tiết- Đái tháo đường- Rối loạn chuyển hoá, Hô hấp, Tiêu hoá, Chẩn đoán hình ảnh…đến từ các bệnh viện, trường Đại học lớn trong cả nước: Bạch Mai (Hà Nội), Chợ Rẫy (Tp HCM), Trung ương Huế, Trung ương Thái Nguyên, Đà Nẵng, ĐH Y Hà Nội, ĐH Y Dược TP HCM, ĐH Y Dược Huế, VinUni, Phạm Ngọc Thạch …và các Hội nghề nghiệp lớn của Việt Nam: Tim mạch học, Nội tiết- ĐTĐ, Đột quỵ, Tiết niệu- Thận học, Hồi sức tích cực…

 Hội nghị đã thu hút hơn 700 đại biểu, khách mời, các chuyên gia trong nước và Quốc tế trong lĩnh vực Nội khoa.

Một số chủ đề báo cáo tại Hội nghị mang tính thời sự rất cao: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong Y tế và Y học giấc ngủ, Ứng dụng AI & IoT trong cải tiến chất lượng chẩn đoán hình ảnh, trong nội soi tiêu hoá,…; Vai trò của vắc xin và công nghệ sản xuất vắc xin trong việc phòng ngừa bệnh; Tiếp cận mới về bệnh lý Tim mạch, Thần kinh, Nội tiết- Rối loạn chuyển hoá và ĐTĐ; Ứng dụng công nghệ mới (Điện thoại thông minh, QR code,…) trong thực hành điều trị và chăm sóc bệnh nhân;…Ngoài ra, Các chủ đề của Hội nghị rất đa dạng và cũng phù hợp theo xu hướng của thế giới về Nội khoa Tổng quát, Nội tim mạch, THA và bệnh mạch máu- Suy tim và Rối loạn nhịp, Thần kinh- Đột quỵ- Can thiệp mạch não, Nội Thận và Cơ xương, Hô hấp và bệnh phổi, Bệnh lý giấc ngủ, Ung thư -Huyết học và Miễn dịch trị liệu, Tiêu hoá- Nội soi Tiêu hóa, Hồi sức tích cực…

Ngoài ra, Hội nghị cũng tổ chức phiên báo cáo cho điều dưỡng cũng như phiên báo cáo bằng tiếng Anh cho các bác sĩ trẻ. Song song đó, Hội nghị đã tổ chức 3 lớp CME về: Quản lý toàn diện bệnh Đái tháo đường, Đột quỵ và Cơ xương khớp; Tiếp cận xử lý các vấn đề tim mạch quan trọng ở tuyến y tế cơ sở; Thăm dò chức năng hô hấp và Nội soi phế quản do các chuyên gia đến từ Nhật Bản và Việt Nam đảm trách.

Tin, ảnh: Hoàng Oanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực