Yên Bái: Xây dựng người có uy tín trong cộng đồng đồng bào DTTS

Thứ năm, 22/12/2022 00:22
(ĐCSVN) - Người uy tín trong đồng bào các dân tộc tỉnh Yên Bái là lực lượng nòng cốt, là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền, Mặt trận với đồng bào các dân tộc thiểu số. Người uy tín trên địa bàn đã có nhiều đóng góp thiết thực trong các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
 

Hiện toàn tỉnh Yên Bái có 872 người uy tín trong đồng bào các dân tộc, những năm qua người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh đã tích cực vận động gia đình và cộng đồng thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương; tích cực tham gia phát triển sản xuất, kinh doanh, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; tham gia xây dựng hương ước, quy ước của địa phương, vận động nhân dân thay đổi các tập tục lạc hậu... góp phần thực hiện tốt phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Người uy tín đã tích cực tham gia cùng với cấp ủy đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục và động viên con cháu, dòng họ, người dân sinh sống trên địa bàn thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các phong trào thi đua yêu nước.

Bên cạnh đó, nhiều người có uy tín đã phát huy vai trò trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá các, dân tộc, các phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, nghề truyền thống như: Lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông; lễ Cấp sắc của dân tộc Dao; lễ hội Rằm tháng Giêng của dân tộc Thái, lễ xuống đồng của dân tộc Tày..., người có uy tín còn truyền dạy con, cháu và đồng bào mình nghề truyền thống như: Dệt lanh thổ cẩm, nghề rèn đúc; sưu tầm, truyền dạy tiếng nói, chữ viết các dân tộc, các làn điệu dân ca, dân vũ và trò chơi dân gian như đánh yến, ném còn, đẩy gậy cho các thế hệ.

Trong các hoạt động xây dựng Đảng, chính quyền, qua các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, MTTQ các cấp những người có uy tín đã có nhiều ý kiến đóng góp, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, đồng thời có nhiều đóng góp thiết thực vào việc thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Song, bên cạnh những thành tựu đạt được, việc phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng tồn tại không ít hạn chế.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong phát huy vai trò của người có uy tín là do một số cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh chưa nhận thức một cách sâu sắc, đầy đủ, toàn diện về vai trò cũng như tầm quan trọng của người có uy tín nên chưa phát huy tối đa uy tín của họ trong tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc thiểu số.

Sự phối kết hợp giữa các ban ngành chức năng liên quan trong thực hiện công tác phát huy vai trò của người có uy tín còn chưa thường xuyên, chưa quan tâm đúng mức đến công tác vận động, bồi dưỡng cho người có uy tín; chưa kịp thời phát hiện và tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền cấp trên để chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện phát huy vai trò của người có uy tín ở cơ sở.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả vai trò của người uy tín trong đồng bào dân tộc tham gia thực hiện quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong thời gian tới MTTQ các cấp cần tuyên truyền, triển khai một số giải pháp:

Một là, cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về vai trò của người có uy tín. Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội trên địa bàn tỉnh cần quán triệt sâu sắc, toàn diện quan điểm của Đảng về vai trò và phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Hai là, đẩy mạnh, đổi mới công tác vận động, phát huy vai trò người có uy tín. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, quản lý của chính quyền, huy động sự tham gia của mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể các cấp trong thực hiện công tác vận động, phát huy vai trò người có uy tín.

Ba là, chú trọng bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ người có uy tín. Bản chất người có uy tín đã được cộng đồng tín nhiệm, tin tưởng và nghe theo. Chính vì vậy, người có uy tín luôn cần giữ vững và phát huy được sự tín nhiệm này đối với cộng đồng bằng sự nêu gương mẫu mực về đạo đức, lối sống, công việc. Bên cạnh đó, cần thường xuyên tổ chức cho người có uy tín tham gia các lớp học tập, bồi dưỡng kiến thức về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cập nhật tình hình và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bốn là, cần xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo nguồn cho đội ngũ người có uy tín. Cùng với nhiệm vụ bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ người có uy tín, cần đào tạo lớp người có uy tín kế cận thay thế cho người có uy tín tuổi cao, sức yếu góp phần trẻ hóa đội ngũ người có uy tín đủ năng lực, trình độ ứng phó với những thách thức mới trong bối cảnh hiện nay, kế thừa và phát huy sự nghiệp dẫn dắt, thúc đẩy sự phát triển của đời sống cộng đồng.

Năm là, cần tăng cường kiện toàn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc nói chung và vận động, phát huy vai trò người có uy tín trong dân tộc thiểu số nói riêng. Cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc. Trong đó, cần đa dạng hóa các loại hình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách nhằm trang bị kịp thời những kiến thức về công tác dân tộc, nhất là về vận động, phát huy vai trò người có uy tín trong dân tộc thiểu số./.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực